Hiện thực hóa định hướng phát triển xuất khẩu theo chiều sâu, năm 2014, Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) tập trung sản xuất, xuất khẩu những mặt hàng chất lượng cao, giảm sử dụng nguyên liệu nhập khẩu… thay vì phát triển mạnh về quy mô.

Năm 2013, Vinatex tiếp tục duy trì được vai trò là hạt nhân của ngành dệt may khi đóng góp 2,915 tỷ USD vào giá trị xuất khẩu chung của ngành, đạt mức tăng trưởng 12% so với năm 2012. Tuy nhiên, mức tăng trưởng này vẫn thấp hơn so với mức tăng trưởng chung 18,1% của toàn ngành.

Theo ông Lê Tiến Trường, Phó Tổng giám đốc thường trực Vinatex: Đây không phải là vấn đề đáng lo ngại và con số tăng trưởng này chưa thể hiện được sự phát triển về chiều sâu của tập đoàn, bởi mặc dù có tốc độ tăng trưởng xuất khẩu thấp hơn nhưng tỷ trọng làm hàng ODM (tự thiết kế, sản xuất và bán sản phẩm), FOB (mua nguyên liệu, bán sản phẩm) của Vinatex lại lớn hơn so với mặt bằng chung.

Hiện nay, sản phẩm xuất khẩu của Vinatex giảm dần lượng sử dụng nguyên liệu nhập khẩu, tăng lượng sản phẩm tự thiết kế, vì vậy số lượng sản phẩm làm ra tuy không nhiều, kim ngạch xuất khẩu không tăng mạnh nhưng giá trị gia tăng lại lớn hơn. Ông Trường nói: “Lợi nhuận trước thuế của Vinatex năm vừa qua tăng tới 22% so với năm 2012 đã thể hiện rất rõ điều này”.

Tập trung phát triển xuất khẩu về chất đã giúp tập đoàn dịch chuyển lên một bước cao hơn trong chuỗi dệt may toàn cầu, cũng đồng thời giúp các doanh nghiệp thành viên tận dụng tốt hơn khối lượng tài sản cố định đã đầu tư trong thời gian qua. Theo ông Trần Quang Nghị, Tổng giám đốc Vinatex, tập đoàn đã đạt được cả hai mục tiêu của đề án tái cơ cấu, đó là về thị trường và đầu tư, nâng cao hiệu quả đầu tư, tận dụng mạnh hơn lợi thế cạnh tranh về nhân lực, kinh nghiệm xử lý mặt hàng khó… của tập đoàn.

Sự chủ động về nguồn nguyên phụ liệu của các doanh nghiệp thuộc tập đoàn cũng góp phần đáng kể vào giá trị gia tăng xuất khẩu của tập đoàn năm vừa qua. Hiện nay, tỷ lệ nội địa hóa toàn tập đoàn đạt 60%, cao hơn mức bình quân của toàn ngành dệt may. Đây là kết quả của nỗ lực đầu tư cho các dự án nguyên phụ liệu trong những năm vừa qua, đặc biệt là năm 2013. Chỉ trong năm 2013, Vinatex đã triển khai tới 22 dự án nguyên phụ liệu trong tổng số 42 dự án đầu tư của toàn ngành.

Hơn nữa, xét trong bối cảnh thị trường dệt may thế giới năm vừa qua không có nhiều khởi sắc, quy mô thị trường chỉ tăng 3,5%, tổng giá trị nhập khẩu hàng dệt may của các thị trường lớn, truyền thống của tập đoàn cũng tăng trưởng khá thấp như: Mỹ chỉ tăng 3%, EU tăng 0,52%, Nhật Bản giảm 0,54%..., để đạt được con số tăng trưởng 12%, tập đoàn đã phải rất nỗ lực. Đặc biệt, một số thành viên của tập đoàn đã vượt khó và đạt mức tăng trưởng xuất khẩu ấn tượng như: Dệt may Hà Nội tăng 99%, May 10 tăng 89%, Dệt may Nam Định tăng 32%, Dệt may Huế tăng 25%, Tổng công ty Phong Phú tăng 24%, May Đức Giang tăng 23%....

“Tăng trưởng về chất tiếp tục là nhiệm vụ trọng tâm của Vinatex trong năm 2014”, ông Trường cho hay. Theo đó, năm 2014, tập đoàn sẽ phấn đấu duy trì được mức tăng trưởng xuất khẩu 12% như năm 2013. Vinatex cũng sẽ không phát triển mạnh quy mô xuất khẩu mà tập trung nâng tỷ lệ làm hàng ODM từ 12-14% so với mức 10% năm 2013. Riêng với hàng FOB sẽ lựa chọn những đơn hàng thực chất hơn, nghĩa là Vinatex được quyền chọn mua nguyên liệu mà không theo sự chỉ định của nhà nhập khẩu nhằm đem lại tối đa giá trị gia tăng cho sản phẩm. Tập đoàn cũng sẽ nhân rộng phương pháp sản xuất tinh gọn (Lean) đã được áp dụng thành công tại một số doanh nghiệp năm vừa qua nhằm giảm tối đa tồn kho trên dây chuyền, nâng cao năng suất lao động và sức cạnh tranh cho sản phẩm.

Về vấn đề đầu tư, theo ông Trần Quang Nghị, với 57 dự án, năm 2014 sẽ là năm bùng nổ đầu tư của Tập đoàn Dệt may Việt Nam. Phần lớn các dự án sẽ tập trung phát triển nguồn nguyên phụ liệu, trong đó có các dự án trọng điểm như: Hai nhà máy sản xuất vải solid dyed (nhuộm vải mộc) công suất 40 triệu m/năm; Hai nhà máy sản xuất vải yarn dyed (vải nhuộm sợi rồi dệt) công suất 12 triệu m/năm; Nhà máy vải len lông cừu công suất 6 triệu m/năm… Đây là các bước chuẩn bị để tiếp tục nâng cao tỷ lệ nội địa hóa, cũng là điều kiện cần thiết để Vinatex đón đầu cơ hội khi Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương - TPP chính thức được ký kết .

(Nguồn: Thị trường nước ngoài)

Nguồn: Vinanet