Xuất khẩu thủy sản trong những tháng đầu năm ghi nhận tín hiệu tích cực từ thị trường Trung Quốc và Thái Lan. Cả hai thị trường này tăng trưởng mạnh với mức tăng lần lượt đạt 41,0% và 19,5% so với cùng kỳ năm 2012.

Trong các mặt hàng thủy hải sản xuất khẩu, cá ngừ hiện là mặt hàng có mức tăng trưởng mạnh nhất từ đầu năm đến nay với kim ngạch xuất khẩu cả nước ước đạt hơn 155 triệu USD, tăng gần 20% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tuy nhiên, do việc sụt giảm đáng kể tại ba thị trường xuất khẩu thủy sản chủ lực là Hoa Kỳ, Nhật Bản và Hàn Quốc nên trong 5 tháng đầu năm 2013, giá trị kim ngạch xuất khẩu thủy sản Việt Nam chỉ đạt trên 2,2 tỷ USD, giảm 5,6% so với cùng kỳ năm ngoái.

Với giá tôm thương phẩm như hiện nay, nếu thu hoạch đúng tuổi, người nuôi có lãi bình quân từ 45-70 triệu đ/ha. Trong đó, tôm thẻ chân trắng cỡ 60-70 con/kg có giá 110.000-115.000 đ/kg; cỡ 100-110 con/kg từ 80.000-85.000 đ/kg; Tôm sú cỡ 40-50 con/kg từ 200.000-210.000 đ/kg; cỡ 70-80 con/kg từ 145.000-150.000 đ/kg

Theo ghi nhận của Tổng cục Thủy sản, Bộ NN&PTNT, mặc dù gặp khó khăn trong xuất khẩu nhưng trong tháng 5/2013, ngư trường cả nước vẫn tiếp tục diễn biến thuận lợi cho hoạt động khai thác, chế biến xuất khẩu. Sản lượng thuỷ sản khai thác 5 tháng đầu năm ước đạt 1.087 ngàn tấn, tăng 2,6% so với cùng kỳ năm 2012, trong đó khai thác biển 5 tháng ước đạt 1.020 ngàn tấn, tăng 2,4 % so cùng kỳ 2012. Một số địa phương có sản lượng khai thác cá biển lớn như Kiên Giang ước đạt 171,6 ngàn tấn; Bà Rịa - Vũng Tàu 112,7 ngàn tấn; Cà Mau 70 ngàn tấn, Bình Thuận 57,1 ngàn tấn; Bình Định 51,3 ngàn tấn.

Việc khai thác cá ngừ từ đầu năm đến nay cũng khá thuận lợi, đặc biệt là một số địa phương như Bình Định, sản lượng khai thác cá ngừ 5 tháng đầu năm ước đạt 3.810 tấn, tăng 32,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, các cơ quan chức năng cũng cảnh báo giá bán hiện đang có chiều hướng giảm do chất lượng cá ngừ đang bị ảnh hưởng bởi việc sử dụng phương pháp dùng đèn cao áp để dẫn dụ cá (nhằm giảm chi phí và tăng năng suất) khiến chất lượng cá đánh bắt được thấp, khó đạt tiêu chuẩn xuất khẩu.

Trong khi đó, đối với cá tra, mặc dù các địa phương đã huy động nhiều giải pháp tháo gỡ nhưng sản xuất cá tra trong tháng 5 vẫn gặp khó khăn. Nhiều ao nuôi tại khu vực ĐBSCL vẫn tiếp tục bị treo do giá bán cá tra nguyên liệu thấp trong khi giá thành nuôi vẫn cao. Đơn cử như tại tỉnh Vĩnh Long, giá cá tra nguyên liệu tại ao hiện dao động từ 21.500-22.000 đ/kg, trong khi giá thành sản xuất 23.000-24.000 đ/kg, người nuôi vẫn lỗ từ 1.000-2.000 đ/kg. Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) nhận định: Đến thời điểm này người nuôi vẫn khó có khả năng tái sản xuất do thua lỗ kéo dài và gặp khó khăn khi tiếp cận với nguồn vốn vay của ngân hàng, mặc dù lãi suất đã giảm. Với tình hình này, trong thời gian tới, dự báo diện tích nuôi cá tra có thể tiếp tục bị thu hẹp về quy mô diện tích nuôi. Theo đó, ước sản lượng cá tra 5 tháng đầu năm đạt 390 nghìn tấn, diện tích nuôi 5.700ha; trong đó tập trung chủ yếu tại An Giang với sản lượng ước đạt 119.000 tấn, diện tích 779ha; Đồng Tháp sản lượng ước đạt 117.729 tấn, diện tích 1.233ha…

Không như cá tra, tình hình sản xuất tôm lại khá khởi sắc, tạo thuận lợi cho nguồn nguyên liệu chế biến xuất khẩu. Một số tỉnh đạt sản lượng tôm thu hoạch khá lớn như Cà Mau có 266.650ha diện tích nuôi tôm sú, đạt sản lượng 40.700 tấn; 1.000ha diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng, đạt sản lượng 3.300 tấn; Bạc Liêu, diện tích nuôi tôm sú là 111.828ha, sản lượng đạt 21.082 tấn… Đặc biệt, tại tỉnh Sóc Trăng, nhờ có thu hoạch tôm sú và tôm thẻ chân trắng nên sản lượng nuôi trồng thủy sản tại tỉnh này ước tăng 2,5 lần so với cùng kỳ năm ngoái (đạt 3.910 tấn). Tuy nhiên, tình hình xuất khẩu tôm trong những tháng cuối năm 2013 sang các thị trường chính như Nhật Bản, EU, Mỹ… được dự báo vẫn không mấy sáng sủa do tôm sang các thị trường này đang tiếp tục vấp phải rào cản về vệ sinh an toàn thực phẩm.

Để tháo gỡ khó khăn, giữ vững và khai thác thêm thị trường xuất khẩu thủy sản trong những tháng cuối năm 2013, Bộ NN&PTNT đang chỉ đạo các cơ quan chức năng tiếp tục huy động các giải pháp, trong đó tập trung nguồn lực vào công tác thông tin để nắm bắt kịp thời diễn biến thị trường; có chỉ đạo, đề xuất, xử lý phù hợp trước các biến động thị trường trong và ngoài nước. Ngoài ra, sẽ theo dõi sát sao, chủ động đàm phán giải quyết các vụ đưa tin sai sự thật về thủy hải sản Việt Nam và dần tháo gỡ các rào cản kỹ thuật của các thị trường nhập khẩu thông qua việc nâng cao quy trình, chất lượng kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm…

(TTTC)

Nguồn: Thị trường tài chính tiền tệ