Năm 2013, XK thủy sản đạt trên 6,7 tỷ USD, tăng 9,6% so với năm 2012 và vượt xa so với mục tiêu đặt ra từ đầu năm của ngành. Trong đó, riêng giá trị XK mặt hàng tôm đã đạt 3,1 tỷ USD, tăng 39,1%. Đây là một kết quả ngoài dự kiến của ngành vì ngay từ cuối năm 2012 đã nhiều dự báo xấu cho ngành trong năm tới.

Tôm: Theo báo cáo của Tổng cục Hải quan Việt Nam, trong 3 nhóm thủy sản XK chủ lực của Việt Nam thì chỉ có tôm và cá tra có giá trị XK tăng trưởng so với năm trước. Trong năm 2013, chỉ có duy nhất tháng 2/2013, XK tôm giảm 32,8% so với cùng kỳ năm 2012 do có kỳ nghỉ Tết Nguyên đán. 11 tháng còn lại, XK tôm tăng trưởng mạnh, nhất là trong quý IV/2013, giá trị tăng trưởng từ 64,6-77,2% so với quý IV/2012.

Cá tra: Mặc dù, giá trị XK mặt hàng cá tra vẫn tăng 1% so với năm 2012 nhưng đây chỉ có thể gọi là XK ổn định và cầm chừng. DN XK trong năm nay gặp rất nhiều khó khăn về cả thị trường tiêu thụ và nguyên liệu trong nước.  Năm 2013 cả DN XK và người nuôi đều thiếu vốn cho sản xuất, chế biến và XK do ngân hàng siết chặt tín dụng, trong khi đầu tư cho hoạt động nuôi trồng, XK mặt hàng này không thể eo hẹp trong số vốn ít ỏi. Cả người nuôi và DN buộc phải tự co hẹp sản xuất. Nắm được “điểm yếu” của DN XK cá tra, đối tác liên tục đòi giảm giá XK. Còn tại thị trường NK lớn nhất là Mỹ thì thuế CBPG tăng rất cao so với các kỳ CBPG trước.

Hải sản: Cuối năm ngoái, các DN XK tôm bi quan cho “tương lai” kinh doanh XK của năm tới khi tình hình dịch bệnh khiến người nuôi bỏ ao cùng thị trường XK ảm đạm thì các DN XK hải sản nhận định rằng, năm 2013 vẫn là một năm khó khăn nhưng giá trị XK không giảm. Tuy nhiên, kết thúc năm 2013, hầu hết các nhóm sản phẩm đều giảm: Cá ngừ giảm 7,2%, mực, bạch tuộc giảm 10,8%, chả cá và surimi giảm 14%; cua ghẹ, giáp xác khác giảm 4,3%, nhuyễn thể 2 mảnh vỏ giảm 5% so với năm trước. Các DN XK hải sản Việt Nam gặp nhiều khó khăn về nguyên liệu trong nước và chịu sự cạnh tranh gay gắt trên thị trường thế giới.

Xuất khẩu sang các thị trường chính hồi phục vào cuối năm

EU - Nhật Bản: XK thủy sản Việt Nam sang EU và Nhật Bản bắt đầu có sự phục hồi phần lớn là nhờ mặt hàng tôm. Tính đến hết năm 2013, XK thủy sản sang EU tăng 4,12%; sang Nhật Bản tăng 5% so với năm trước.

Mỹ: Cho đến nay, Mỹ vẫn là thị trường NK lớn nhất của sản phẩm tôm, cá ngừ và cua ghẹ, giáp xác khác; là thị trường NK lớn thứ 2 của cá tra; thị trường NK lớn thứ 3 của nhuyễn thể hai mảnh vỏ Việt Nam. Tuy nhiên, năm 2013, XK thủy sản biến động tăng giảm tại Mỹ là theo xu hướng mặt hàng tôm. Tính đến hết năm 2013, giá trị XK tôm sang thị trường này chiếm đến gần 27% tổng giá trị XK tôm, đạt 831 triệu USD, tăng 83% so với năm trước. Nhờ giá tôm tăng mạnh, thuế CBPG là 0% và vụ kiện chống trợ cấp tôm chấm dứt, các DN XK Việt Nam đã nắm lấy cơ hội, đẩy mạnh XK tôm sang thị trường này.

Trung Quốc: Vượt Hàn Quốc để trở thành thị trường XK đứng thứ 4 Việt Nam (sau Mỹ, EU, Nhật Bản), Trung Quốc là thị trường tiềm năng và có tốc độ tăng trưởng mạnh nhất của XK thủy sản Việt Nam trong năm 2013. Trung bình hàng tháng, XK thủy sản Việt Nam sang thị trường này đạt 45 triệu USD, trong đó, riêng XK tôm đạt 28 triệu USD/tháng. Năm 2013, giá trị XK sang Trung Quốc đạt 572,1 triệu USD, tăng 36,6% so với năm trước. Nhiều DN thủy sản cho rằng, XK thủy sản trong năm 2014 sang Trung Quốc sẽ còn tăng mạnh hơn do nhu cầu thị trường rộng lớn này thực sự tiềm năng.

Nguồn: Vasep

Nguồn: Vasep