DẪN DẮT THỊ TRƯỜNG
 Với đề án nhận diện, truy xuất nguồn gốc thịt heo, vượt qua những khó khăn ban đầu, đến nay 100% thịt heo về 2 chợ đầu mối Bình Điền và Hóc Môn có truy xuất nguồn gốc. Chương trình bình ổn thị trường Tết đã đi vào nề nếp, việc chuẩn bị, triển khai và giám sát luôn nhịp nhàng để bảo đảm nguồn hàng dồi dào, giá cả ổn định trong 2 tháng trước, trong và sau Tết.
Theo ông Phạm Thành Kiên, Giám đốc Sở Công Thương TP HCM, với đặc thù là thị trường tiêu thụ lớn và sôi động nhất cả nước, TP HCM là nơi hội tụ của rất nhiều DN lớn có khả năng dẫn dắt thị trường. Trong đó, các DN chủ lực trong lĩnh vực thương mại đã có rất nhiều đóng góp cho việc góp phần hình thành nên thị trường tiêu thụ sôi động của thành phố.
 Các đơn vị như Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn (SATRA), Liên hiệp HTX Thương mại TP HCM (Saigon Co.op)… qua quá trình hoạt động đã có sự phát triển vượt bậc và cùng với các DN FDI xây dựng, tạo ra một hệ thống phân phối hiện đại bao phủ rộng khắp địa bàn thành phố; giúp định hướng sản xuất và tiêu dùng theo hướng sản xuất lớn, công nghiệp, an toàn và hiệu quả, hình thành thói quen mua sắm văn minh giúp nâng cao sức cạnh tranh cho hàng hóa trong nước, chiếm lĩnh được thị trường và hướng tới xuất khẩu.
 Ngoài ra, những DN nhiều năm đồng hành, gắn bó với chương trình bình ổn thị trường - nhất là nhóm hàng thực phẩm - như Vissan, Ba Huân, Vĩnh Thành Đạt, San Hà, Vinamilk, Nutifood… đã ngày càng lớn mạnh, đóng góp không nhỏ trong việc bình ổn giá cho người dân thành phố. Đây cũng là đội ngũ DN nòng cốt sẵn sàng hưởng ứng các chủ trương, chính sách mới của thành phố.
Bà Phạm Thị Ngọc Hà, Giám đốc Công ty TNHH San Hà, cho biết công ty đã hoạt động trong lĩnh vực mua bán, chế biến các sản phẩm thịt gia cầm 30-40 năm nhưng chính nhờ "bệ đỡ" là chương trình bình ổn thị trường TP HCM, San Hà mới được nhiều người biết đến như ngày nay. Theo bà Hà, tham gia các chương trình của thành phố, DN vừa có cơ hội phát triển sản xuất - kinh doanh vừa được hỗ trợ, hướng dẫn hoạt động theo đúng định hướng, quy định pháp luật và qua đó làm tốt hơn trách nhiệm với cộng đồng, xã hội.
Theo đánh giá của Sở Công Thương TP HCM, càng ngày, ý thức trách nhiệm của DN càng tăng, thể hiện qua việc đăng ký nguồn hàng, mở rộng hệ thống phân phối và làm tốt vai trò dẫn dắt, định hướng thị trường; nhờ vậy giá cả các mặt hàng thiết yếu trên địa bàn luôn được kiểm soát tốt, không để xảy ra tình trạng khan hàng, sốt giá hay biến động giá do đầu cơ tích trữ.
 "ÔNG MAI BÀ MỐI"
Phát huy hiệu quả chương trình bình ổn thị trường, từ năm 2012, TP HCM có sáng kiến kết nối giao thương với các tỉnh, thành và giao Sở Công Thương làm đầu mối thực hiện các hoạt động kết nối, trong đó nổi bật nhất là hội nghị Kết nối cung cầu hàng hóa, hội nghị Hợp tác thương mại giữa TP HCM và các tỉnh, thành Đông - Tây Nam Bộ hằng năm.
Qua 6 năm, chương trình đã tăng dần quy mô và đi vào chiều sâu, được Bộ Công Thương đánh giá cao, nhân rộng mô hình; các tỉnh, thành hết sức ủng hộ, hưởng ứng. Chương trình cũng đã chứng minh rõ ràng và đầy đủ rằng sự hỗ trợ, giúp sức kịp thời của chính quyền, đặc biệt là cơ quan quản lý ngành công thương, có ý nghĩa tích cực giúp DN phát triển tốt và giành được lợi thế tại thị trường nội địa. Hàng hóa kết nối từ bước tiếp cận ban đầu hệ thống phân phối đã được định hướng, điều chỉnh để bén rễ và gắn bó, tồn tại lâu dài trên quầy kệ của hệ thống phân phối của thành phố và lan rộng ra cả nước. Cũng thông qua các hệ thống phân phối như Saigon Co.op, SATRA, Lotte Mart, BigC…, các mặt hàng có thương hiệu và chất lượng cao của chúng ta đã vươn ra thị trường các nước Singapore, Hàn Quốc, Pháp, Đức.
Theo ông Phạm Thành Kiên, thông qua các chương trình trọng tâm, ngành công thương thành phố đã làm tốt vai trò "bà đỡ", nuôi dưỡng, phát triển lực lượng DN chủ lực trong các lĩnh vực thiết yếu; "mai mối" cho DN TP HCM và các tỉnh, thành gặp gỡ, hợp tác sản xuất - cung ứng sản phẩm tại TP HCM và nhiều địa phương khác. Tính đến nay, các DN bình ổn thị trường đã thực hiện 75 dự án đầu tư sản xuất, liên kết đầu tư với tổng vốn trên 27.400 tỉ đồng. Chương trình kết nối cung cầu hàng hóa giữa TP HCM và các tỉnh, thành mới diễn ra trong tháng 12-2017 đã xác lập được trên 600 thỏa thuận hợp đồng giữa nhà sản xuất và nhà phân phối, làm tiền đề cho việc mở rộng sản xuất - kinh doanh của nhiều DN trong tương lai.
"Với sự cố gắng của ngành công thương thành phố trong chuyển đổi hình thức kết nối đa dạng hơn, mở rộng nhiều kênh kết nối, phân phối sản phẩm thông qua thương mại điện tử và logistics… sẽ tạo điều kiện giúp các DN trong nước phát triển tốt, tạo kênh phân phối đa dạng của thị trường nội địa, góp phần phát triển sản xuất - kinh doanh ổn định, đặc biệt là thị trường bán lẻ trong nước" - ông Kiên tin tưởng.


ÔNG PHẠM THÀNH KIÊN, GIÁM ĐỐC SỞ CÔNG THƯƠNG TP HCM
 Lấy phục vụ làm trọng tâm
 Trong tổng số 107 thủ tục hành chính đang thực hiện, chúng tôi đã nghiên cứu điều chỉnh, sửa đổi, giảm thời gian xử lý 94 thủ tục, bãi bỏ 20 thủ tục, đã triển khai 70 thủ tục hành chính với dịch vụ công trực tuyến mức độ 4. Sở duy trì thường xuyên hoạt động gặp gỡ, tháo gỡ khó khăn cho DN, kết nối DN với ngân hàng để giải quyết vướng mắc trong tiếp cận vốn; hỗ trợ các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu để giảm bớt giao dịch trung gian và tạo ổn định đầu ra cho sản xuất…
 Năm 2017, sở đã hoàn thành việc nghiên cứu, xây dựng và đã được UBND TP HCM thông qua Quy hoạch phát triển ngành thương mại thành phố đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2030 để làm cơ sở pháp lý và định hướng chính sách cho hoạt động thương mại của DN.
Nguồn: Thanh Nhân/Người lao động