“Miền đất hứa”
Chia sẻ tại tọa đàm về phát triển thị trường bán lẻ được tổ chức mới đây, ông Nguyễn Bảo Hoàng - Chủ tịch Công ty Truyền thông tương tác, đơn vị đại diện thương mại của Forbes Việt Nam - cho biết: Với dân số trên 90 triệu người, kinh tế đang phát triển, Việt Nam là “miền đất hứa” của ngành bán lẻ. Bán lẻ được chờ đợi là ngành kinh doanh có sức tăng trưởng bùng phát trong tương lai không xa. “Không ngạc nhiên khi thấy những thương hiệu lớn nhất trong ngành này đang tìm cách mở rộng sự có mặt tại Việt Nam, đầu tư phát triển cả các kênh thương mại, bán lẻ truyền thống và thương mại điện tử” - ông Nguyễn Bảo Hoàng nhấn mạnh.
Thực tế, ngành bán lẻ Việt Nam đang đứng trước xu hướng thay đổi, dự báo sẽ định hình lại bức tranh toàn ngành. Không chỉ là bài toán cạnh tranh, các nhà bán lẻ còn phải giải quyết bài toán về sự chuyển đổi mô hình hoạt động và thích nghi với sự dịch chuyển của thị trường.
Ông Ralf Matthaes - Giám đốc điều hành Infocus Mekong Research - cho rằng: Sự bùng nổ giao dịch thương mại điện tử cùng uy tín của các hãng bán lẻ đã thúc đẩy mạnh mẽ ngành này. 80% doanh thu bán lẻ của Việt Nam đến từ các cửa hàng nhỏ lẻ.
Về lĩnh vực logistics hỗ trợ lĩnh vực bán lẻ, ông Lương Duy Hoài - đồng sáng lập kiêm Giám đốc giao hàng nhanh (GHN) - bày tỏ: Bài toán đặt ra cho thị trường bán lẻ hiện đại là làm thế nào để vận chuyển, phân phối hàng triệu, thậm chí hàng chục triệu người mua mỗi ngày. Mạng lưới giao hàng đáp ứng tính phức tạp trong yêu cầu cá biệt từng khách hàng sẽ quyết định sự thành công trong lĩnh vực này.
Tại Việt Nam, tỷ lệ dân số thành thị tăng khoảng 3-4% mỗi năm, tương đương 3,5 triệu người - là thị trường tiềm năng đối với DN bán lẻ.
Đa dạng kênh bán hàng
Là người có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực bán hàng đa kênh “omni-chanel”, ông Ngô Quốc Bảo - Giám đốc Trung tâm phát triển kinh doanh, dịch vụ kỹ thuật và thương mại điện tử FPT Digital Retail – khẳng định: Các kênh tương tác với khách hàng cực kỳ quan trọng. Nếu chỉ dựa vào một nền tảng, ví dụ bán hàng tại cửa hàng thực hay bán hàng online, doanh nghiệp (DN) sẽ bị giới hạn và dễ dẫn đến thất bại. Bán hàng đa kênh trở thành xu hướng bán lẻ hiệu quả.
Ông Ngô Quốc Bảo đưa ra con số thống kê: 44% khách hàng tìm hiểu sản phẩm online và tiếp tục đặt hàng online. Tỷ lệ khách hàng tìm hiểu sản phẩm online nhưng mua tại các cửa hàng lên tới 51% - cao hơn 17%. Sự tương tác giữa các kênh bán hàng là điều tương đối rõ rệt. Bên cạnh đó, hành vi người tiêu dùng cũng đã có những thay đổi mạnh mẽ trong thời gian gần đây, khi các thiết bị điện thoại thông minh ngày càng trở nên phổ biến. Có tới 67% người tiêu dùng bắt đầu hoặc kết thúc việc mua bán của mình thông qua một thiết bị điện tử - cho dù họ mua sắm trực tiếp hay online.
Đồng quan điểm về vấn đề này, bà Trịnh Lan Phương - CEO của Bibo Mart - chuỗi cửa hàng chuyên cung cấp các sản phẩm dành cho mẹ và bé - khuyến nghị, các DN bán lẻ của Việt Nam hãy xây dựng theo mô hình “omni - channel”, sẵn sàng cho mô hình kinh tế chia sẻ...
Nguồn: Nguyễn Hạnh/Báo Công Thương điện tử