Xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Trung Quốc không ngừng mở rộng về quy mô, gia tăng về kim ngạch, cơ cấu hàng hóa xuất khẩu chuyển dịch theo chiều hướng tích cực: Tăng tỷ trọng nhóm hàng công nghiệp chế biến chế tạo, giảm tỷ trọng nhóm hàng nhiên liệu khoáng sản và nông lâm thủy sản.

Tuy nhiên, sự chuyển dịch còn chậm và chưa hợp lý (hàng nguyên liệu thô, sơ chế và hàng gia công vẫn chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu hàng hóa xuất khẩu), làm cho hiệu quả xuất khẩu thấp. Vì vậy, bài viết đi sâu phân tích thực trạng chuyển dịch cơ cấu hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc giai đoạn 2008 - 2017 và đưa ra giải pháp chuyển dịch cơ cấu hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này giai đoạn 2018 - 2025.

1. Thực trạng chuyển dịch cơ cấu hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc giai đoạn 2008 - 2017

Hiện Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất, là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam sau Hoa Kỳ (không tính khối nước). Giai đoạn 2008 - 2017, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Trung Quốc tăng trưởng rất cao, từ 4.535,7 triệu USD vào năm 2008 lên 35.403,9 triệu USD vào năm 2017, tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa bình quân đạt 26,57%/năm.

Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc gồm: Máy vi tính sản phẩm điện tử và linh kiện, cao su, điện thoại các loại và linh kiện… Mặt hàng chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này là máy vi tính sản phẩm điện tử và linh kiện (chiếm tỷ trọng 15,40%), tiếp đến là cao su (8,18%), điện thoại các loại và linh kiện (6,78%), xơ sợi dệt các loại (6,14%), gỗ và sản phẩm gỗ (4,97%)…

1.1. Kết quả đạt được

Thứ nhất, cơ cấu hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc giữa các nhóm hàng chuyển dịch theo hướng tích cực, phù hợp với lộ trình thực hiện mục tiêu của Chiến lược phát triển xuất nhập khẩu hàng hóa thời kỳ 2011 - 2020, định hướng đến năm 2030 và tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa (CNH, HĐH).

Cơ cấu hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc giai đoạn 2008 - 2017 có sự chuyển dịch theo chiều hướng tích cực: Giảm tỷ trọng nhóm hàng nhiên liệu khoáng sản và nông lâm thủy sản, tăng tỷ trọng nhóm hàng công nghiệp chế biến chế tạo.

Cụ thể, tỷ trọng nhóm hàng nhiên liệu khoáng sản và nông lâm thủy sản giảm từ 29,68% và 30,63% năm 2008 xuống 6,44% và 28,46% năm 2015, xuống còn 3,72% và 21,70% năm 2017; tỷ trọng nhóm hàng công nghiệp chế biến chế tạo tăng từ 14,86% năm 2008 lên 60,52% năm 2015, lên tới 72,28% năm 2017 (Hình 1.1).

Vị trí của các nhóm hàng thay đổi trong cơ cấu hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc: Năm 2008, nhóm hàng công nghiệp chế biến chế tạo ở vị trí cuối cùng (với tỷ trọng thấp nhất 14,86%) đã vươn lên vị trí đầu tiên vào năm 2017 (với tỷ trọng áp đảo 72,28%), đẩy nhóm hàng nông lâm thủy sản, nhiên liệu kháng sản và hàng hóa khác xuống vị trí thứ hai, thứ ba và thứ tư.

Chất lượng các nhóm hàng được cải thiện theo hướng tăng tỷ trọng hàng chế biến, giảm tỷ trọng hàng nguyên liệu thô hoặc sơ chế. Vì vậy, chuyển dịch cơ cấu hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc giai đoạn 2008 - 2017 phù hợp với lộ trình thực hiện mục tiêu của Chiến lược phát triển xuất nhập khẩu hàng hóa thời kỳ 2011 - 2020, định hướng đến năm 2030 và tiến trình CNH, HĐH.

Thứ hai, cơ cấu hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc trong nội bộ từng nhóm hàng về cơ bản chuyển dịch theo hướng tích cực

Nhóm hàng nhiên liệu khoáng sản chuyển dịch theo hướng giảm dần tỷ trọng khoáng sản thô, tăng tỷ trọng sản phẩm chế biến trên cơ sở đầu tư công nghệ, tận dụng các cơ hội thuận lợi về thị trường và giá cả để tăng giá trị xuất khẩu. Cụ thể, tỷ trọng khoáng sản thô giảm từ 100,00% năm 2008 xuống 83,49% năm 2017, tỷ trọng xăng dầu tăng từ 7,29% năm 2009 lên 16,51% năm 2017.

Nhóm hàng nông lâm thủy sản đã hướng vào các sản phẩm chế biến, phát triển sản phẩm xuất khẩu có ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến, giảm tỷ trọng hàng nguyên liệu thô hoặc sơ chế, từ 95,93% năm 2008 xuống 80,13% năm 2017; tăng tỷ trọng hàng chế biến từ 4,07% năm 2008 lên 19,87% năm 2017, tăng tỷ trọng thủy sản, rau quả và gạo (ba mặt hàng này đang gia tăng tỷ lệ sản phẩm chế biến trong cơ cấu hàng hóa xuất khẩu).

Nhóm hàng công nghiệp chế biến chế tạo hướng đến phát triển sản phẩm có hàm lượng công nghệ và chất xám cao, nâng cao tỷ lệ giá trị trong nước, giảm phụ thuộc vào nguyên phụ liệu nhập khẩu, giảm tỷ trọng hàng có giá trị gia tăng thấp và hàng gia công, từ 72,55% và 80,04% năm 2008 xuống 55,64% và 60,34% năm 2017, tăng tỷ trọng hàng có giá trị gia tăng cao và hàng tự sản xuất từ 27,45% và 19,96% năm 2008 lên 44,36% và 39,66% năm 2017. Một số sản phẩm dệt may, da giầy… do doanh nghiệp Việt Nam tự thiết kế mẫu mã, sản xuất và xuất khẩu đáp ứng nhu cầu của thị trường Trung Quốc.

Thứ ba, cơ cấu hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc có xu hướng chuyển dịch từ các mặt hàng nguyên liệu thô hoặc sơ chế sang các mặt hàng có hàm lượng chế biến

Cơ cấu hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc chuyển dịch theo hướng giảm tỷ trọng hàng nguyên liệu thô hoặc sơ chế, tăng tỷ trọng hàng chế biến, chế tạo (gồm cả hàng nhiên liệu chế biến, hàng nông thủy sản chế biến và hàng công nghiệp chế biến chế tạo).

Cụ thể, tỷ trọng hàng nguyên liệu thô hoặc sơ chế giảm từ 63,86% năm 2009 xuống 33,22% năm 2014 và xuống còn 20,49% năm 2017; tỷ trọng hàng chế biến, chế tạo tăng từ 36,14% năm 2009 lên 66,78% năm 2014 và 79,51% năm 2017 (Hình 1.2).

1.2. Hạn chế và nguyên nhân

Thứ nhất, cơ cấu hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc chuyển dịch chưa hợp lý và chưa đạt được mục tiêu đề ra.

Cơ cấu hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc chuyển dịch chưa hợp lý và chưa đạt được mục tiêu đề ra, thể hiện ở tỷ trọng và chất lượng của các nhóm hàng xuất khẩu. Cụ thể, tỷ trọng nhóm hàng nông lâm thủy sản giảm dần nhưng vẫn còn ở mức cao (năm 2008 là 30,63%, đến năm 2017 giảm xuống 21,70%; bình quân cả giai đoạn là 27,89%), tỷ trọng nhóm hàng công nghiệp chế biến chế tạo tăng lên nhưng vẫn còn ở mức thấp (năm 2008 là 14,86%, đến năm 2017 tăng lên 72,28%, bình quân cả giai đoạn là 54,52%) đối với một nước thực hiện chiến lược CNH, HĐH hướng về xuất khẩu như Việt Nam trong vòng 30 năm qua.

Nhóm hàng nhiên liệu khoáng sản và nông lâm thủy sản vẫn chủ yếu xuất khẩu nguyên liệu thô hoặc sơ chế, nhóm hàng công nghiệp chế biến chế tạo vẫn chủ yếu làm gia công cho nước ngoài. Tỷ trọng hàng nguyên liệu thô hoặc sơ chế và hàng công nghiệp gia công trong cơ cấu hàng hóa xuất khẩu Việt Nam sang Trung Quốc có xu hướng giảm, nhưng vẫn còn ở mức cao, chiếm bình quân 72,42% kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang thị trường này giai đoạn 2008 - 2017, năm cao nhất là 2009 với 79,32%, năm thấp nhất là 2017 với 64,10%.

Thứ hai, chuyển dịch cơ cấu hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc giữa các nhóm hàng còn chậm, chưa ổn định.

Chuyển dịch cơ cấu hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc giữa các nhóm hàng còn chậm và chưa ổn định, thể hiện ở tỷ trọng nhóm hàng công nghiệp chế biến chế tạo tăng lên, nhưng vẫn còn ở mức thấp khi so sánh với các nước trong khu vực ASEAN (từ 14,86% năm 2008 tăng lên 72,28% năm 2017), tỷ trọng nhóm hàng này của Thái Lan năm 2017 là 83,6%.

Tỷ trọng nhóm hàng nhiên liệu khoáng sản và nông lâm thủy sản giảm xuống, nhưng tỷ trọng nhóm hàng nông lâm thủy sản vẫn còn ở mức cao (30,63% năm 2008 giảm xuống 21,70% năm 2017), trong khi đó tỷ trọng nhóm hàng này trong cơ cấu hàng hóa xuất khẩu của Malaysia và Thái Lan sang Trung Quốc năm 2017 là 6,70% và 8,90%. Việc tăng hoặc giảm tỷ trọng của các nhóm hàng mới thể hiện được xu thế, chứ chưa tăng lên hoặc giảm xuống hàng năm (xem Hình 1.1).

Thứ ba, chuyển dịch cơ cấu hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc trong từng nhóm hàng thiếu tính bền vững và bất lợi cho Việt Nam.

Đối với nhóm hàng nhiên liệu khoáng sản: Giảm tỷ trọng than đá, nhưng lại tăng tỷ trọng dầu thô. Tính đến thời điểm này, Việt Nam vẫn chủ yếu xuất khẩu khoáng sản thô sang Trung Quốc. Cụ thể, tỷ trọng khoáng sản thô giảm dần trong nhóm hàng nhiên liệu khoáng sản, nhưng vẫn còn ở mức quá cao (năm 2008 là 100,00%, năm 2009 là 92,71%, đến năm 2017 giảm xuống 83,49%), trong khi đó tỷ trọng khoáng sản chế biến (xăng dầu) có tăng lên nhưng vẫn chiếm tỷ trọng nhỏ (năm 2008 là 0%, năm 2009 là 7,29%, đến năm 2017 tăng lên 16,51%).

Đối với nhóm hàng nông lâm thủy sản: Phần lớn xuất khẩu sản phẩm thô, sơ chế (rau quả tươi, sấy khô, thủy sản đông lạnh, gạo…), sản phẩm chế biến chiếm tỷ trọng nhỏ (thực phẩm chế biến, nước quả…). Nhiều mặt hàng nông sản xuất khẩu của nước ta phụ thuộc vào thị trường tiêu thụ của Trung Quốc (dưa hấu, vải thiều, chuối, hành tím, thanh long…), khi Trung Quốc ngừng nhập khẩu thường xảy ra tình trạng các vùng trồng phải giảm giá mạnh.

Nhóm hàng nông lâm thủy sản chưa tập trung vào nâng cao chất lượng và cấp độ chế biến để nâng giá trị gia tăng của sản phẩm xuất khẩu và giúp vượt rào cản vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) của thị trường này nên chưa xuất khẩu được nhiều theo đường chính ngạch, vẫn chủ yếu xuất khẩu theo đường tiểu ngạch, hiệu quả thấp.

Nhóm hàng công nghiệp chế biến chế tạo chủ yếu làm gia công cho nước ngoài nên giá trị gia tăng và hiệu quả xuất khẩu thấp.

Cơ cấu hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc thể hiện tính thiếu bền vững và bất lợi cho Việt Nam vì xuất khẩu một khối lượng lớn hàng hóa nhưng hiệu quả thu được thấp, hầu hết các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam (hàng dệt may, da giầy, máy vi tính sản phẩm điện tử, điện thoại…) đều phải dựa vào nhập khẩu nguyên phụ liệu, phụ kiện và thiết bị từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan… Để tăng kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng này, Việt Nam đã buộc phải gia tăng nhập khẩu nguyên phụ liệu.

Một số nguyên nhân chủ yếu dẫn tới những hạn chế của chuyển dịch cơ cấu hàng hóa xuất khẩu Việt Nam sang thị trường Trung Quốc giai đoạn 2008 - 2017:

- Văn bản pháp quy liên quan đến chính sách quản lý xuất nhập khẩu của các Bộ, ngành thường xuyên bổ sung, sửa đổi nhưng chưa được tham vấn cộng đồng doanh nghiệp rộng rãi trước khi có hiệu lực. Cơ chế điều hành hoạt động xuất nhập khẩu và công tác tổ chức xuất khẩu, nhất là xuất khẩu những mặt hàng có khối lượng và giá trị lớn chưa tốt, chưa tạo điều kiện xác lập mối liên kết giữa người sản xuất nguyên liệu, doanh nghiệp chế biến, thương nhân xuất khẩu nhằm ổn định nguồn nguyên liệu, bảo đảm chất lượng sản phẩm và khả năng điều tiết lượng hàng xuất khẩu, đạt mức giá xuất khẩu cao.

- Thiếu vùng chuyên canh, vùng nguyên liệu quy mô lớn phục vụ cho sản xuất hàng xuất khẩu: Chính sách ưu đãi đầu tư, tín dụng của Nhà nước chưa đủ mạnh để khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp. Doanh nghiệp chưa mặn mà trong việc đầu tư vùng nguyên liệu, liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản.

Sản xuất manh mún khiến chất lượng nông thủy sản không đồng đều, rất khó kiểm soát vấn đề VSATTP và khó áp dụng các tiêu chuẩn của thế giới và Trung Quốc về truy xuất nguồn gốc. Hàng nông thủy sản xuất khẩu được thu gom từ các hộ nông dân nhỏ lẻ có quy trình sản xuất không thống nhất dẫn tới nguồn cung không ổn định, chất lượng thấp, không đạt tiêu chuẩn VSATTP và hiệu quả xuất khẩu thấp.

- Công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam chậm phát triển, trình độ công nghệ còn thấp và giá thành cao đã không những làm cho xuất khẩu tăng chậm mà còn gây cản trở quá trình tham gia vào mạng sản xuất và cung ứng toàn cầu. Mức độ phụ thuộc của nền kinh tế vào bên ngoài về nguyên nhiên, vật liệu và máy móc thiết bị ngày càng lớn, làm tăng nhập khẩu và không nâng cao được hiệu quả kinh tế từ xuất khẩu.

Ngành công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam chưa đáp ứng được nguồn nguyên liệu, phụ liệu đầu vào cho sản xuất hàng xuất khẩu. Một số nhóm hàng xuất khẩu chủ lực của nước ta như hàng điện tử, dệt may, da giầy vẫn phụ thuộc chủ yếu vào nguyên phụ liệu nhập khẩu (khoảng 70%) từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan...

- Trung Quốc ngày càng nâng cao các tiêu chuẩn và quy định đối với hàng nhập khẩu, gây khó khăn cho hàng Việt Nam. Xu hướng bảo hộ của Trung Quốc đã và đang ảnh hưởng đến xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam, đặc biệt là nhóm hàng nông lâm thủy sản.

Trung Quốc yêu cầu khắt khe hơn về chất lượng sản phẩm, theo đó, tăng cường quản lý khu vực biên giới, thắt chặt kiểm dịch và quản lý chất lượng hàng nhập khẩu, truyền thông nâng cao nhận thức cho doanh nghiệp và người tiêu dùng về VSATTP. Từ ngày 01/4/2018, Trung Quốc áp dụng quy định về truy xuất nguồn gốc đối với các lô hàng hoa quả của Việt Nam nhập khẩu vào Trung Quốc và dự kiến sẽ áp dụng từ ngày 01/10/2019 việc yêu cầu các lô hàng thực phẩm nhập khẩu đều phải có chứng thư xuất khẩu đi kèm.

2. Một số giải pháp chủ yếu đẩy mạnh chuyển dich cơ cấu hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc giai đoạn 2018 - 2025

Giai đoạn 2008 - 2025, tăng trưởng kinh tế thế giới tiếp tục được cải thiện, hoạt động thương mại toàn cầu duy trì đà tăng trưởng nhưng đối mặt nhiều khó khăn như cuộc chiến thương mại Hoa Kỳ - Trung Quốc nổ ra ngày 6/7/2018 diễn biến khó lường và mức độ ảnh hưởng của nó còn là câu hỏi mở, xu hướng gia tăng chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch của các nước lớn (Hoa Kỳ, Trung Quốc…); Toàn cầu hóa và tự do hóa thương mại tiếp tục phát triển về quy mô, mức độ và hình thức biểu hiện với những tác động tích vực và tiêu cực, cơ hội và thách thức đan xen rất phức tạp; Việt Nam hội nhập ngày càng sâu vào kinh tế khu vực và thế giới, bên cạnh việc phải thực hiện các cam kết mở cửa thị trường, mở ra nhiều cơ hội thu hút đầu tư nước ngoài vào các ngành công nghiệp chế biến chế tạo, công nghiệp hỗ trợ để phát triển các ngành công nghiệp định hướng xuất khẩu... Bối cảnh quốc tế và trong nước sẽ tạo ra cơ hội lẫn thách thức ảnh hưởng đến chuyển dịch cơ cấu hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam nói chung, sang thị trường Trung Quốc nói riêng trong những năm tới.

2.1. Giải pháp về phía Nhà nước

- Tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách quản lý xuất nhập khẩu: Hoàn thiện hệ thống chính sách thương mại cho phù hợp với thông lệ quốc tế, tạo cơ sở pháp lý cho việc phát triển quan hệ thương mại giữa hai nước và chuyển dịch cơ cấu hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc; Xây dựng và ban hành tiêu chuẩn hàng hóa xuất khẩu; Xây dựng lộ trình hạn chế xuất khẩu sản phẩm thô; Phổ biến rộng rãi các văn bản chính sách trước khi các chính sách có hiệu lực để các cơ quan quản lý và doanh nghiệp nắm bắt được và có được sự chủ động cần thiết trong quản lý và hoạt động sản xuất, kinh doanh xuất khẩu...

- Xây dựng các vùng chuyên canh, vùng nguyên liệu: Điều chỉnh lại quy hoạch, bố trí lại vùng sản xuất chuyên canh, vùng nguyên liệu; Áp dụng phương thức sản xuất tiên tiến; Tích cực đưa các tiến bộ kỹ thuật về công nghệ và giống mới vào sản xuất; Hỗ trợ tín dụng cho doanh nghiệp, hợp tác xã, người nông dân phát triển vùng chuyên canh, vùng nguyên liệu; Áp dụng phương thức tổ chức sản xuất, xuất khẩu hiệu quả kết hợp bốn nhà để đảm bảo từ khâu nguyên liệu đầu vào đến đầu ra cho sản phẩm xuất khẩu; Lập quỹ bảo lãnh tín dụng, quỹ bảo hiểm về giá để hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư cho nông nghiệp...

- Đầu tư, phát triển chuỗi cung ứng cho một số ngành hàng xuất khẩu chủ lực tạo thuận lợi cho chuyển dịch cơ cấu hàng hóa xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc: Đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng hoàn chỉnh chuỗi cung (Thiết kế - Tạo năng lực sản xuất - Tổ chức sản xuất - Phân phối sản phẩm). Trên cơ sở chiến lược phát triển tổng thể của từng ngành (điện tử, dệt may, da giầy…), tập trung đầu tư vào những khâu còn yếu, khâu tạo ra giá trị gia tăng nhiều, giảm thiểu khâu sản xuất, gia công; Xây dựng các cụm công nghiệp đồng bộ, các trung tâm nguyên phụ liệu theo hướng chuyên môn hóa; Từng bước tham gia sâu vào chuỗi cung ứng khu vực, toàn cầu của sản phẩm điện tử, dệt may, da giầy...

- Phát triển mạnh công nghiệp hỗ trợ: Xây dựng và thực hiện chiến lược và kế hoạch tổng thể, có chính sách đầu tư thỏa đáng để phát triển mạnh ngành công nghiệp hỗ trợ nhằm đảm bảo nội địa hóa cho phần lớn các linh phụ kiện cho ngành công nghiệp lắp ráp, đáp ứng nhu cầu nguyên phụ liệu cho ngành Dệt may, Da giày; Phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ cùng với việc tháo gỡ các vướng mắc khác đang tồn tại trong ngành này.

Đây chính là “chìa khóa” để Việt Nam có thể đón bắt được làn sóng đầu tư của các nước đang chuyển sản xuất ra khỏi Trung Quốc do ảnh hưởng của cuộc chiến thương mại Hoa Kỳ - Trung Quốc; Hỗ trợ tài chính trực tiếp từ ngân sách nhà nước cho Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ...

2.2. Giải pháp về phía doanh nghiệp

- Chú trọng đầu tư, đổi mới công nghệ chế biến nhằm tăng giá trị gia tăng cho hàng xuất khẩu: Đầu tư dây chuyền công nghệ hiện đại, thân thiện môi trường thông qua nguồn vốn tự có, thu hút vốn của cổ đông hoặc liên kết với doanh nghiệp nước ngoài nhằm nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng của sản phẩm và đáp ứng được nhu cầu thị hiếu thường xuyên thay đổi.

Công nghệ sản xuất tiên tiến sẽ giúp doanh nghiệp nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng và hạ giá thành sản phẩm xuất khẩu. Do đó, chuyển dịch cơ cấu hàng hóa xuất khẩu và nâng cao năng lực cạnh tranh của hàng xuất khẩu trên thị trường thế giới nói chung, thị trường Trung Quốc nói riêng.

- Chủ động triển khai áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc tế và đáp ứng yêu cầu bảo vệ sức khỏe, môi trường: Xây dựng và triển khai áp dụng hệ thống quản lý chất lượng quốc tế ISO 9000, HACCP và ISO 14000 để làm nền tảng cho việc vượt qua hàng rào kỹ thuật thương mại của Trung Quốc, đáp ứng nhu cầu thị hiếu.

- Tích cực tham gia vào chuỗi cung ứng khu vực, toàn cầu: Thay đổi tư duy trong sản xuất, tập trung tạo ra giá trị gia tăng và sự khác biệt cho sản phẩm, tránh việc sản xuất đại trà các mặt hàng có giá trị thấp; Chủ động tận dụng các chính sách ưu đãi, lợi thế cạnh tranh, đồng thời phải có chiến lược tiếp cận các tập đoàn xuyên quốc gia/tập đoàn đa quốc gia để tham gia vào chuỗi cung ứng của các tập đoàn đó.

TS. Phạm Nguyên Minh và ThS. Phùng Thị Vân Kiều (Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công Thương)

Nguồn: tapchitaichinh.vn