Lâu lắm rồi, du lịch Việt Nam mới có một năm sôi động như năm 2016. Từ những thành phố mang đậm dấu ấn lịch sử như Hà Nội, Huế..., đến thị trường sôi động như TP. Hồ Chí Minh; từ vùng núi Sapa (Lào Cai) đến những bãi biển đẹp ở Nha Trang, Đà Nẵng..., đâu đâu người ta cũng dễ dàng bắt gặp những đoàn du khách nước ngoài hào hứng khi thăm thú các điểm du lịch Việt. Theo số liệu thống kê, kết thúc năm 2016, khách quốc tế đến Việt Nam cán mốc 10 triệu lượt, vượt mục tiêu đề ra (8,5 triệu lượt), mang lại doanh thu khoảng 400.000 tỷ đồng. Đây là con số mà Chiến lược Phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn năm 2030 đặt ra cho năm 2020 về doanh thu.

Cùng với tăng trưởng lượng khách, ngành “Công nghiệp không khói” còn thu hút mạnh mẽ các nguồn lực đầu tư của xã hội, đặc biệt là các nhà đầu tư chiến lược vào các khu vực trọng điểm có ý nghĩa quan trọng đối với du lịch Việt Nam. Qua đó, hình thành rõ nét các vùng động lực phát triển du lịch…

Tuy nhiên, nếu bình tâm mà xét, du lịch Việt vẫn còn không ít khiếm khuyết. Trong số hàng triệu lượt khách quốc tế đến Việt Nam mỗi năm, được mấy phần trăm lượt khách “vui lòng” và quay trở lại?

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc: Muốn làm du lịch thành công thì thể chế, chính sách, pháp luật phải tạo điều kiện cho ngành; cộng đồng người dân làm du lịch phải tạo ấn tượng tốt đẹp với khách du lịch đến Việt Nam; phải xây dựng thương hiệu Việt Nam gắn với quảng bá hình ảnh, xúc tiến du lịch.

Cái đích mà ngành Du lịch Việt Nam hướng đến là tất cả mọi du khách phải hài lòng khi ra về và hẹn ngày trở lại. Nhưng để đạt được đích này còn rất nhiều việc phải làm.

Là ngành trực tiếp quản lý lĩnh vực dịch vụ, du lịch, trong năm 2016, Tổng cục Du lịch Việt Nam đã có nhiều động thái tích cực nhằm tạo hình ảnh du lịch Việt mới và đẹp hơn trong mắt du khách.

Một trong những hành động mạnh mẽ, quyết liệt nhất là việc triển khai chiến dịch rà soát, chấn chỉnh chất lượng dịch vụ các cơ sở lưu trú trên toàn quốc. Theo bà Trịnh Thị Mỹ Nghệ - Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Hà Nội - việc này đã tạo sự đột phá cho du lịch Việt Nam; nếu triển khai quyết liệt, đồng bộ chắc chắn sẽ mang lại hiệu ứng tốt đối với toàn ngành.

Còn Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện cho rằng: Các khách sạn 4 - 5 sao trong cả nước phải đi đầu trong việc thay đổi hình ảnh của ngành Du lịch. Làm sao để tất cả khách du lịch trong và ngoài nước đều được chào đón bằng những nụ cười thân thiện và hưởng chất lượng dịch vụ tốt nhất tại Việt Nam.

Chỉ đạo tại Hội nghị toàn quốc về phát triển du lịch, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Phát triển du lịch cần có quyết tâm cao và sự vào cuộc mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị, sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ và tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương; sự năng động, sáng tạo của các doanh nghiệp, nhà đầu tư, cộng đồng và nhân dân.

Nguồn: Thanh Tâm/Báo Công Thương điện tử