Theo thống kê của ngành Công Thương các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, 9 tháng đầu năm, do liên tiếp gặp nhiều khó khăn tại các thị trường nên việc gia tăng sản lượng và giá trị XK gạo không đạt như kỳ vọng. Tuy nhiên, các tỉnh có lượng gạo XK lớn của vùng như: Long An, Kiên Giang, An Giang, Cần Thơ, Đồng Tháp… vẫn đạt những con số khả quan. Đến tháng 9/2017, Long An XK gần 500.000 tấn, Kiên Giang gần 300.000 tấn, An Giang cũng đạt trên 240.000 tấn… Riêng TP. Cần Thơ đã đạt sản lượng và giá trị cao nhất, lần lượt là 638.000 tấn (tăng 22% so với cùng kỳ) và trị giá 262 triệu USD (tăng gần 20%).
Đại diện Sở Công Thương Cần Thơ chia sẻ: Sở dĩ XK gạo của tỉnh tăng cả sản lượng lẫn giá trị là do các DN đã mở thêm được thị trường mới như Singapore, Iran. Đơn cử, tháng 8/2017, DN Iran đã làm việc trực tiếp với DN Cần Thơ, thỏa thuận hợp đồng xuất sang Iran với nhu cầu từ nay đến cuối năm khoảng 100.000 tấn gạo.
Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, ông Nguyễn Xuân Hồng - Phó giám đốc Sở Công Thương Long An - cho biết, về cơ bản, sản lượng và giá trị XK gạo của tỉnh giảm nhẹ so với cùng kỳ. Tuy nhiên, nếu xét trên tổng thể thị trường, việc XK gạo vẫn đáng khích lệ. "Tỉnh Long An có 20 DN đủ điều kiện kinh doanh XK gạo, đến nay đã xuất gần 500.000 tấn, đạt kim ngạch trên 200 triệu USD - con số khả quan so với tình hình chung từ đầu năm tới nay của thị trường gạo" - ông Hồng chia sẻ.
Phân tích nguyên nhân, đại diện Sở Công Thương các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long cho biết, Trung Quốc là thị trường XK chủ yếu của gạo Việt Nam, chiếm tỷ trọng lớn nhất, nhưng thị trường này chỉ có 22 DN được XK (do Trung Quốc cấp danh sách đợt I). Đến nay, Cục Giám sát, kiểm tra chất lượng và kiểm dịch Trung Quốc (AQSIS) vẫn chưa công bố kiểm tra đợt II, khiến nhiều DN lo lắng. Ngoài ra, DN khi XK gạo vào thị trường này còn vướng phải nhiều quy định, hàng rào kỹ thuật; phương thức thanh toán thường trả tiền mặt hoặc nợ, không dùng L/C, nên việc tăng sản lượng XK cũng khó khăn.
Bên cạnh Trung Quốc, các thị trường khác đang ngày càng gia tăng tiêu chuẩn với gạo XK của Việt Nam, tạo thêm nhiều rào cản. Hợp đồng tập trung đi thị trường Banglades, Indonesia, Philippines có giá trúng thầu thấp so với giá nội địa, khiến DN không tích cực tham gia thực hiện hợp đồng.
Tại thị trường nội địa, giá nguyên liệu lúa, gạo lại có sự chênh lệch nhiều so với hợp đồng ký kết XK. Đối với nguồn nguyên liệu, do việc liên kết sản xuất giữa DN và nông dân không ổn định, thiếu bền vững nên các mô hình cánh đồng lớn vẫn chưa có kết quả cao.
Mặc dù vậy, ngành Công Thương các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long nhìn nhận, trong 3 tháng cuối năm, nhiều khả năng việc XK gạo sẽ tăng cả về số lượng và giá trị nhờ Philippines đã chính thức cho phép nhập khẩu gạo theo cơ chế tiếp cận thị trường tối thiểu (MAV) 2017-2018 với tổng lượng gạo trong hạn ngạch là 805.200 tấn. Theo đó, gạo có xuất xứ từ Việt Nam là 293.100 tấn, đây cũng là cơ hội để các DN XK của Việt Nam ký thêm hợp đồng. Ngoài ra, các thị trường mới như châu Phi, châu Đại Dương cũng có nhiều tiềm năng nếu DN biết khai thác hiệu quả và tiếp cận đúng cách.
Ông Phạm hoàng Lâm - Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Hưng Lâm: Thay vì chờ đợi các hợp đồng tập trung, Hưng Lâm tìm hợp đồng thương mại ở những thị trường xa như châu Phi. Bên cạnh việc tự nâng cao chất lượng gạo, công ty luôn tìm hiểu kỹ đối tác nhằm tránh rủi ro trong khâu thanh toán. Nhờ đó, từ đầu năm tới nay, Hưng Lâm vẫn XK lượng gạo ổn định.
Nguồn: Minh Long - Mai Ca/Báo Công Thương điện tử