Tác động mạnh đến kinh tế toàn cầu
Với rất nhiều nỗ lực giải quyết, căng thẳng thương mại của hai cường quốc Mỹ - Trung Quốc dù đã qua vòng đàm phán thứ tư vẫn không đạt được bất cứ thỏa thuận nào. Thêm vào đó, hai bên tiếp tục đưa ra những tuyên bố cứng rắn cho thấy dấu hiệu căng thẳng vẫn chưa dừng lại, ít nhất là trong năm nay.
Chia sẻ với cộng đồng DN TP. Hồ Chí Minh, Tiến sĩ Trần Toàn Thắng - Trưởng ban Kinh tế thế giới, Trung tâm Thông tin và dự báo kinh tế - xã hội quốc gia (NCIF) - đưa ra nhận định, căng thẳng thương mại Mỹ - Trung bắt đầu tác động đến Việt Nam từ năm 2018 và lên đến đỉnh điểm vào năm 2020 - 2021. Năm 2018, dự kiến việc này có khả năng làm giảm 0,03% GDP của Việt Nam; năm 2019 tăng lên 0,09%; năm 2020 - 2021 là 0,12%. Độ mở của nền kinh tế càng cao, tác động tiêu cực càng nhiều. Ví dụ như Singapore, giai đoạn 2019 - 2023, căng thẳng thương mại Mỹ - Trung Quốc sẽ làm hụt GDP của nước này khoảng 0,2 - 0,37%, gấp 3 lần Việt Nam. Ngân hàng DBS (Singapore) cũng mới đưa ra dự đoán, nếu tranh chấp thương mại Mỹ - Trung tiếp tục diễn ra trên quy mô lớn, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Singapore sẽ giảm hơn một nửa vào năm 2019; Malaysia có thể giảm từ mức 5% xuống 3,7%.
Tận dụng cơ hội
Căng thẳng thương mại Mỹ - Trung đang diễn ra sẽ tác động đến kinh tế Việt Nam, nhất là hoạt động xuất khẩu. Nhìn một cách tích cực, DN xuất khẩu Việt Nam nói chung và TP. Hồ Chí Minh nói riêng có thể tận dụng cơ hội tại thị trường Mỹ khi hàng hóa cùng loại của Trung Quốc bị áp thuế cao. Tương tự, ở thị trường Trung Quốc, hàng xuất khẩu Việt Nam có thể tìm được cơ hội khi hàng Mỹ mất lợi thế vì bị đánh thuế.
Tuy nhiên, hàng hóa Trung Quốc khó vào thị trường Mỹ sẽ chuyển hướng sang các thị trường khác, trong đó có Việt Nam, gây nên tình trạng nhập siêu cao hơn từ Trung Quốc. Đó là chưa kể tới những diễn biến phức tạp khác về dòng đầu tư, nguồn cung - cầu trên thế giới, thị trường vốn, tiền tệ, chứng khoán dưới tác động phức hợp từ cuộc chiến thương mại này. Ông Diệp Thành Kiệt - Phó Chủ tịch Hiệp hội Da giày túi xách Việt Nam - khuyến cáo: Không loại trừ khả năng hàng của Trung Quốc sẽ đội lốt "made in Việt Nam" để xuất khẩu khi DN Trung Quốc đưa hàng bán thành phẩm sang Việt Nam gia công hoặc hợp tác với DN Việt rồi gắn nhãn mác của Việt Nam để xuất khẩu. Khi đó, Mỹ có thể truy nguồn gốc sản phẩm và áp thuế suất chống phá giá, gây khó khăn, làm ảnh hưởng đến uy tín của DN Việt Nam. Do đó, DN chỉ nên tiếp nhận đầu tư sản xuất, hợp tác ngay từ khâu đầu tiên.
DN nên chủ động đa dạng hóa thị trường xuất khẩu trên cơ sở tận dụng tốt hơn các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã và sẽ ký kết, đồng thời có thể sử dụng các công cụ phòng vệ thương mại hợp pháp như kiện chống bán phá giá, chống trợ cấp...
Nguồn: Thanh Thanh/Báo Công thương điện tử