Thông tin từ Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2017, giá trị sản xuất công nghiệp toàn vùng ĐBSCL đã tăng 10,2% so cùng kỳ và đạt khoảng 45,9% so kế hoạch năm. Trong đó, sản xuất của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm tỷ trọng cao nhất (khoảng 96% trong tổng giá trị sản xuất công nghiệp), đây là yếu tố chính, đóng góp cho sự tăng trưởng của ngành. Đặc biệt, sản xuất hàng may mặc, túi xách, giày dép có nhiều đơn hàng sản xuất nên sản lượng tăng trưởng khá so cùng kỳ.
Các địa phương có tỷ trọng giá trị sản xuất công nghiệp cao của vùng là Long An (chiếm 23,8%, tăng 15,3%), Cần Thơ (chiếm 15,7%, tăng 3,74%), Tiền Giang (chiếm 13,8%, tăng 20,8%), Đồng Tháp (chiếm 8,1%, tăng 6%), Kiên Giang (chiếm 6,17%, tăng 7,8% so cùng kỳ)…
Đối với hoạt động thu hút đầu tư vào các cụm, khu công nghiệp, tính đến hết quý II/2017, toàn vùng có 53 cụm công nghiệp với tổng diện tích 1.901,4 ha đã đi vào hoạt động, thu hút được 558 dự án đầu tư sản xuất, kinh doanh; tỷ lệ lấp đầy bình quân khoảng 68,5%, đã tạo việc làm cho khoảng 53.500 lao động ở các địa phương. Trong đó, các địa phương có cụm công nghiệp đi vào hoạt động khá là Long An (có 14 cụm công nghiệp), tỉnh An Giang (có 9 cụm công nghiệp) và Đồng Tháp (có 16 cụm công nghiệp).
Một tín hiệu đáng mừng là các địa phương trong vùng đã rất nỗ lực trong hoạt động mở rộng, tìm kiếm thị trường xuất khẩu, kéo theo kim ngạch xuất khẩu trong 6 tháng tăng 11,3% và đạt giá trị 6,75 tỷ USD. Trong số này, mặt hàng rau quả và thủy sản chiếm tỷ lệ từ 75-80% tổng lượng xuất khẩu của cả nước. Toàn vùng cũng đã nhập khẩu 3,18 tỷ USD, tăng 11% so với cùng kỳ và chủ yếu là phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thiết bị phụ tùng máy móc để phục vụ sản xuất. Như vậy, tính trên cơ cấu xuất – nhập, toàn vùng ĐBSCL đã xuất siêu khoảng 3,5 tỷ USD.
Bên cạnh sự tăng trưởng đáng khích lệ của xuất khẩu, tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ của vùng cũng tăng trên 11% so với cùng kỳ, đạt 389.110 tỷ đồng (chiếm 19,2% so cả nước). Kết quả này có được một phần do sự đầu tư hạ tầng giao thông của vùng được cải thiện, mạng lưới bán lẻ truyền thống, hiện đại có sự gia tăng mạnh, đặc biệt là hệ thống bán lẻ hiện đại. Thống kê cho thấy, toàn vùng đang có 78 siêu thị, 13 trung tâm thương mại và chủ yếu tập trung ở Đồng Tháp, Cần Thơ, An Giang, Bạc Liêu - đây là mạng lưới góp phần không nhỏ vào việc tăng doanh thu bán lẻ của các địa phương trong vùng.
Theo đánh giá của Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ, trong bối cảnh nền kinh tế vẫn còn khó khăn, thị trường có nhiều diễn biến phức tạp như hiện nay, việc tăng trưởng sản xuất công nghiệp, xuất khẩu của ĐBSCL là sự nỗ lực rất lớn của chính quyền địa phương và cộng đồng doanh nghiệp.
Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ cũng cho biết, để hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch năm 2017, trong các tháng tới, Ban chỉ đạo sẽ phối hợp với các địa phương tổ chức các hội nghị như: Hội nghị bàn về phát triển doanh nghiệp và thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) vào vùng ĐBSCL; Hội nghị các đối tác trong nước và nước ngoài trong đầu tư phát triển vùng ĐBSCL; Hội thảo về phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số trên địa bàn Tây Nam Bộ... để hỗ trợ doanh nghiệp thu hút đầu tư, tăng cường hợp tác và đẩy mạnh xuất khẩu.
Nguồn: Minh Long/Báo Công Thương điện tử