Không dễ
Theo đánh giá, thị trường nội địa có tiềm năng rất lớn bởi dân số đông, gần 97 triệu người và hơn 13 triệu lượt khách du lịch mỗi năm. Hơn nữa, cơ hội cho ngành chế biến thủy sản trong nước là rất lớn khi tiêu thụ thủy sản bình quân của người Việt Nam ở mức cao, 31 kg/người/năm, dự kiến đạt mức 40 kg/người/năm vào năm 2020. 
Ngoài ra, theo TS Đào Trọng Hiếu, Phó Trưởng phòng Phát triển thị trường thủy sản, Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, việc chế biến, tiêu thụ các sản phẩm thủy sản tại thị trường nội địa còn có nhiều thuận lợi khác như: Vốn đầu tư cho chế biến sản phẩm thủy sản thị trường nội địa không nhiều; vòng quay sản phẩm ngắn nên hiệu quả sản xuất - kinh doanh tương đối cao; trang thiết bị, máy móc, công nghệ chế biến đơn giản, dễ thực hiện; lực lượng lao động theo mùa vụ dồi dào, không đòi hỏi khắt khe về tay nghề; nguồn nguyên liệu đa dạng phong phú; chất lượng nguyên liệu ngày càng được cải thiện, số lượng đáp ứng tốt nhu cầu tiêu thụ nội địa…
Phát triển tiêu thụ thủy sản tại thị trường nội địa là hướng đi bền vững và hỗ trợ tích cực cho xuất khẩu, song nhiều chuyên gia cho rằng, vẫn còn nhiều rào cản cần được tháo gỡ. Cụ thể, vẫn là việc tiếp cận các cơ chế, chính sách của Chính phủ về khuyến khích đầu tư; việc quản lý, giám sát chồng chéo; điều kiện cơ sở vật chất phục vụ sản xuất hạn chế... dẫn đến chất lượng sản phẩm chưa cao, thiếu ổn định. Ngoài ra, việc cạnh tranh về giá khi thu mua nguyên liệu giữa xuất khẩu và tiêu thụ nội địa còn lớn. Một yếu tố quan trọng khác là đa số người tiêu dùng Việt Nam vẫn có thói quen sử dụng sản phẩm tươi sống… 
Giải bài toán khó
Theo báo cáo của Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, sản lượng tiêu thụ hải sản tại thị trường nội địa tăng từ 478.000 tấn lên gần 550.000 tấn vào năm 2017, đạt tốc độ tăng trưởng bình quân 5,5%/năm. Về giá trị, tăng từ 13.146 tỷ đồng lên đến 20.321 tỷ đồng, đạt tốc độ tăng trưởng bình quân 13%/năm. Đặc biệt tốc độ tăng trưởng về giá trị đang tăng mạnh hơn so tốc độ tăng trưởng số lượng, điều này cho thấy giá trị gia tăng các sản phẩm thủy sản đang cải thiện. 
Nhiều chuyên gia cho rằng, trước bối cảnh xuất khẩu thủy sản Việt Nam đang phải chịu nhiều sức ép cạnh tranh vì các hàng rào thuế quan và hàng rào kỹ thuật thì việc đẩy mạnh tiêu thụ thủy sản tại thị trường nội địa là hướng đi đúng đắn mà doanh nghiệp cần chú trọng. Tuy nhiên, điểm mấu chốt cần quan tâm ở đây chính là chất lượng sản phẩm phải được nâng cao và giá cả sao cho phù hợp nhất. Bởi hiện nay thị trường nội địa đang bị xem nhẹ về vấn đề chất lượng. Việt Nam mới chỉ có các quy định cụ thể, chi tiết về chất lượng cho các mặt hàng thủy sản xuất khẩu như ASC, BAP, GlobalGAP… mà chưa có bộ tiêu chí đầy đủ, thống nhất cho thị trường nội địa. Mặt khác, việc kết nối giữa các nhà sản xuất, chế biến với hệ thống bán lẻ chưa chặt chẽ dẫn tới thủy sản đông lạnh bán qua hệ thống siêu thị không đắt hàng. Hơn nữa, tâm lý người tiêu dùng chỉ tin vào sản phẩm nhập ngoại, mặc dù chất lượng sản phẩm trong nước không hề thua kém.
“Trước kia, nhiều doanh nghiệp thủy sản quan niệm thị trường trong nước dễ tính nên không chú ý tới chất lượng. Cứ cái gì ngon, bổ, an toàn thì đem đi xuất khẩu. Tuy nhiên, quan điểm này cần xem xét lại. Người Việt cũng cần phải được sử dụng sản phẩm an toàn, ít nhất là bằng hoặc thậm chí cao hơn so với sản phẩm xuất khẩu”, TS Đào Trọng Hiếu nói. 

Ông Nguyễn Quốc Toản, Quyền Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản: Thực tế cho thấy, các sản phẩm có dán tem truy xuất nguồn gốc được tiêu thụ rất lớn. Đứng dưới góc độ người tiêu dùng, tôi đặc biệt quan tâm đến vấn đề truy xuất nguồn gốc bởi hệ thống ao nuôi, sản xuất của chúng ta còn nhiều vấn đề. Do đó, đây là cơ hội để chúng ta hoàn thiện các khâu sản xuất để phục vụ cho thị trường nội địa gần 97 triệu dân.

Nguồn: Hồng Thắm/Thuỷ sản Việt Nam