EVFTA mở ra cơ hội mới cho xuất khẩu nông sản sang EU

Tại Diễn đàn Thương mại Việt Nam - EU, ông Trần Văn Công, Phó Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản cho hay nhiều lợi thế sau khi hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) được kí kết, hiệp định này tạo ra nhiều cơ hội cho doanh nghiệp hai nước thúc đẩy xuất khẩu nông, lâm thủy sản.

Đối với các doanh nghiệp xuất nhập khẩu gỗ Việt Nam với Hiệp định VPA/FLEGT việc bán hàng sang thị trường EU càng trở nên thuận lợi hơn.

Việt Nam có thế mạnh trong sản xuất và có thể xuất khẩu các loại nông, lâm, thủy sản nhiệt đới.

 “Đây được coi là tiềm năng xuất khẩu các sản phẩm thực phẩm, nông sản chế biến sang EU, ví dụ như các loại trái cây và rau nhiệt đới, các loại gia vị, đồ nội thất bằng gỗ, các loại hải sản và nhuyễn thể nhiệt đới”, ông Công cho biết.

Bên cạnh đó, ông Công cho biết thêm Việt Nam đã tạo ra môi trường thông thoáng thu hút các nhà nhà đầu tư EU trong lĩnh vực nông nghiệp, đặc biệt là nông nghiệp công nghiệp cao.

Việt Nam cũng mong muốn nhập và liên kết hợp tác, công nghệ, thiết bị, vật liệu, phục vụ sản xuất, bảo quản, chế biến, các giống cây trồng vật nuôi của EU để phát triển tại Việt Nam.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng cho biết, tính đến hết 10 tháng năm 2018, có 27 nước và vùng lãnh thổ EU đầu tư tại Việt Nam với 2.948 dự án với tổng vốn đầu tư 44,27 tỉ USD. Đối với hoạt động xuất khẩu nông sản sang thị trường, Việt Nam thu về 4,3 tỉ USD từ thị trường EU trong 10 tháng đầu năm.

Bà Miriam Garcia Ferrer, Truởng ban kinh tế và thương mại Phái đoàn Liên minh Châu Âu tại Việt Nam cho biết Việt Nam xuất khẩu nhiều hơn rất nhiều so với nhập khẩu từ châu Âu.

Do vậy, với sự ra đời của EVFTA và hàng rào thuế quan được hạ xuống, cơ hội mang lại cho cả hai nước là rất lớn.

Việt Nam đứng thứ 10 trong số đối tác thương mại. Mặc dù thị phần Việt Nam nhỏ hơn rất nhiều so với Trung Quốc, chỉ 2% nhưng điều này đồng nghĩa dư địa cho Việt Nam tại EU vẫn còn rất lớn.

Còn nhiều thách thức về tiêu chuẩn an toàn thực phẩm

Bên cạnh những triển vọng tích cực từ thị trường EU, ông Trần Văn Công cũng chỉ ra những thách thức mà hàng nông sản Việt Nam sẽ phải đối mặt trong thời gian tới.

Theo ông Công, ngoài sức ép từ quá trình cạnh tranh gay gắt, nông sản Việt Nam còn phải đối mặt với những thách thức nội tại như năng lực chế biến chuyên sâu, chưa phát triển mạnh về thương hiệu.

Đây cũng chính là lí do mặc dù nông sản và thực phẩm của Việt Nam xuất khẩu với số lượng lớn nhưng giá trị lại chưa cao.

Hiện nay, khoảng 70% nguyên liệu nông sản được thu mua từ nông dân, tỉ lệ doanh nghiệp tự đầu tư hoặc mua từ các trang trại nhà nước lại rất ít. Trong khi đó, nông dân lại chưa được hướng dẫn về kĩ thuật nuôi trồng an toàn. Do vậy, để xuất khẩu sang thị trường khó tính EU trở nên khó khăn hơn.

Nói về các tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, bà Miriam Garcia Ferrer nhận định “EU có lịch sử nhập khẩu nông sản rất lâu và với số lượng lớn từ các quốc gia như Australia, Nhật Bản…

Vì vậy EU phải đặt ra một quy chuẩn chung. Quy định phải được xác định bởi các quốc gia thành viên và Ủy ban Châu Âu.

Do đó, chúng tôi không có cơ chế đặc thù cho bất cứ quốc gia nào xuất khẩu nông sản sang EU, và không có chuyện một quốc gia được đặc cách xuất khẩu những sản phẩm dưới tiêu chuẩn”.

Ông Alexandre Bouchot, Tham tán Nông nghiệp của Pháp, đề xuất cần phân cấp thực hiện trong quản trị chính sách lương thực. Bên cạnh đó, Việt Nam cần tăng cường thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp và thực phẩm nông nghiệp cũng như quan tâm đào tạo đáp ứng yêu cầu thực tế.

Nguồn: Vietnambiz.vn