Bà Trần Thị Phương Lan - Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội - cho biết, đối tượng khảo sát, điều tra của Đề án là các cửa hàng kinh doanh trái cây bao gồm các hộ kinh doanh, hợp tác xã, công ty, tập đoàn,... thực hiện kinh doanh trái cây ở các tuyến phố, khu dân cư... (không bao gồm việc kinh doanh trái cây ở chợ, siêu thị, trung tâm thương mại) thuộc 12 quận nội thành.
Để thực hiện tốt Đề án, Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Lê Hồng Thăng đề nghị UBND các quận chỉ đạo UBND các phường thành lập các tổ công tác, phối hợp với phòng Kinh tế, các phòng thuộc quận, đội quản lý thị trường trên địa bàn triển khai thực hiện việc khảo sát, nắm thực trạng các cửa hàng kinh doanh trái cây trên địa bàn, xây dựng cơ sở dữ liệu, phân loại được các cửa hàng kinh doanh trái cây thành các đối tượng như cơ sở kinh doanh trái cây có đăng ký kinh doanh do Thành phố hoặc quận, huyện, thị xã cấp, đã được cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP hoặc xác nhận bản cam kết ATTP, xác nhận kiến thức về ATTP; cơ sở kinh doanh trái cây có đăng ký kinh doanh do Thành phố hoặc quận, huyện, thị xã cấp; chưa được cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP hoặc xác nhận bản cam kết ATTP, xác nhận kiến thức ATTP; các cơ sở kinh doanh trái cây chưa có đăng ký kinh doanh và chưa được cấp các loại giấy về ATTP theo quy định.
Sau khi tổng hợp danh sách các cửa hàng kinh doanh trái cây trên địa bàn các quận thuộc đối tượng điều chỉnh của Đề án, UBND các quận phối hợp với Sở Công Thương và các sở liên quan thực hiện tổ chức, đào tạo, tập huấn kiến thức pháp luật quy định về kinh doanh trái cây, kiến thức về ATTP, thực hiện việc cấp các loại giấy tờ về ATTP,... cho các cán bộ, công chức có liên quan, các đối tượng kinh doanh trái cây trên địa bàn. Bảo đảm 100% các đối tượng, các cửa hàng kinh doanh trái cây được đào tạo, tập huấn xong trong tháng 10/2017.
Ông Lê Hồng Thăng cũng đề nghị UBND các quận nội thành chỉ đạo đội quản lý thị trường, UBND các phường trong quá trình khảo sát, điều tra hướng dẫn người kinh doanh thực hiện việc truy xuất nguồn gốc trái cây theo quy định. Việc này cần làm trong suốt quá trình thực hiện Đề án.
Để giúp người tiêu dùng nhận biết các cửa hàng kinh doanh trái cây tham gia Đề án, xây dựng uy tín, niềm tin trong nhân dân về chất lượng các sản phẩm trái cây được bán tại các cửa hàng tham gia Đề án, sau khi rà soát các cửa hàng đủ điều kiện, UBND các quận nội thành tổ chức cấp giấy chứng nhận về việc cấp biển nhận diện (logo) đối với cửa hàng kinh doanh trái cây đáp ứng điều kiện ATTP theo Đề án.
Các cửa hàng kinh doanh trái cây đều phải trang bị bảo quản theo quy định của Đề án. Sau khi rà soát thống kê các cửa hàng, UBND các quận thông báo cho các cửa hàng phải mua sắm các trang thiết bị theo quy định; khuyến khích các cửa hàng mua trang thiết bị cửa các hãng phù hợp với quy mô, kích thước, yêu cầu chất lượng, giá cả,...
Tại cuộc họp, các sở, ban, ngành và các quận huyện đều cơ bản nhất trí với nội dung dự thảo và các nội dung hướng dẫn của Sở Công Thương đối với Đề án. Các quận huyện cũng thống nhất việc để Sở Công Thương báo cáo Thành phố trong việc xây dựng và in logo nhận diện chung sau đó chuyển cho các quận, huyện thực hiện.
Phát biểu kết luật Hội nghị, bà Trần Thị Phương Lan – Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết: Sở Công Thương sẽ tiếp thu ý kiến, và chỉnh sửa nội dung trong kế hoạch và các nội dung trong văn bản hướng dẫn Đề án để phù hợp với quy định của pháp luật và phù hợp với việc thực tiễn thực hiện của các địa phương.
Bà Trần Thị Phương Lan đề nghị các quận huyện, các sở ngành cho ý kiến bằng văn bản gửi về Sở Công Thương đối với các nội dung hướng dẫn trước ngày 20/9, nếu các đơn vị sở ngành không có ý kiến thì coi như thống nhất với các chỉnh sửa. Sở Công Thương sẽ tổng hợp trình UBND thành phố ban hành và gửi hướng dẫn về các quận, huyện triển khai thực hiện.
Nguồn: Hạnh - Lộc/Báo Công Thương điện tử