Nhiều hạn chế
Với mục tiêu xuất khẩu hạt sachi sang thị trường EU, bà Nguyễn Thị Kim Thông - Chủ tịch Hội đồng quản trị Hợp tác xã (HTX) Thương mại, dịch vụ, du lịch và xuất nhập khẩu Kim Thông - cho biết, dù được sự hỗ trợ của Thương vụ Việt Nam tại một số nước như Đức, Italia, HTX vẫn gặp nhiều khó khăn khi xúc tiến xuất khẩu sang thị trường EU. Nguyên do, việc thực hiện thủ tục hành chính mất quá nhiều thời gian, chi phí cho các hoạt động xúc tiến lớn. Đặc biệt, HTX rất thiếu thông tin về nhu cầu sản phẩm, nhất là thông tin về các nhà nhập khẩu có uy tín.
Những vấn đề Kim Thông gặp phải là hiện trạng chung của các DNNVV khi thực hiện hoạt động xúc tiến thương mại (XTTM), mở rộng thị trường EU. Ông Mạc Quốc Anh - Phó Chủ tịch Hiệp hội DNNVV - đánh giá: Thị trường EU cho dù có EVFTA nhưng vẫn không phải “miếng bánh dễ ăn” khi nguồn vốn, công nghệ sản xuất, khả năng cạnh tranh và đáp ứng các tiêu chuẩn, quy chuẩn hàng hóa… của các DNNVV Việt Nam rất hạn chế. Thiếu vốn, kinh nghiệm thương mại quốc tế hạn chế, sản phẩm chưa được xây dựng và bảo hộ thương hiệu… đang “bó chân” DN khi thực hiện các hoạt động XTTM.
Khó khăn tiếp theo đối với các DNNVV là rào cản ngôn ngữ, khác biệt văn hóa cũng như hiểu biết hạn chế đối với các quy định tại thị trường EU. Ông Vũ Bá Phú - Cục trưởng Cục XTTM (Bộ Công Thương) - chia sẻ, đáp ứng các yêu cầu về sản phẩm hữu hình là bước bắt đầu cơ bản nhất. Để giao dịch, trao đổi thành công với khách hàng EU, còn có nhiều yếu tố, giá trị và dịch vụ vô hình; những nhân tố này thực ra lại đóng vai trò vô cùng quan trọng. Để có thể cạnh tranh, DN Việt Nam vẫn còn nhiều khoảng cách cần hoàn thiện.
Giải pháp khắc phục
Với 49% thị phần chưa khai thác, thị trường EU được nhận định sẽ tạo bứt phá cho hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam. Ông Mạc Quốc Anh đề xuất: Với nguồn tài chính hạn chế, thay vì hỗ trợ cho hàng nghìn DNNVV, nhà nước dồn lực hỗ trợ dài hơi và toàn diện cho một vài DN lớn thâm nhập và có chỗ đứng trên thị trường EU. Những DN này sẽ liên kết với DNNVV khác; đồng thời, đứng đầu chuỗi sản xuất, cung ứng hàng hóa sang EU.
Sự hỗ trợ của các cơ quan quản lý nhà nước là cần nhưng điều kiện đủ phải là nỗ lực của DN chủ động tận dụng sự hỗ trợ để tham gia các hoạt động XTTM, mở rộng thị trường... “Cách trợ sức tốt nhất là giúp DNNVV khắc phục 3 hạn chế lớn: Tiếp cận thị trường, năng lực cạnh tranh và chất lượng nhân lực. Bộ Công Thương đã xây dựng kế hoạch khắc phục, gia tăng hiệu quả XTTM” - ông Phú nói. Theo đó, Bộ Công Thương sẽ cung cấp tài liệu online, cẩm nang chuyên ngành hướng dẫn chi tiết yêu cầu kỹ thuật về quản lý xuất nhập khẩu và hướng dẫn cách khai thác với từng sản phẩm cụ thể của thị trường EU. Phối hợp với cơ quan XTTM của Việt Nam tại các nước EU tổ chức hội nghị trực tuyến, kết nối DN Việt Nam với DN EU. Lồng ghép hoạt động XTTM cho DNNVV với các chương trình khác của Bộ để huy động nguồn lực và tạo hiệu ứng tốt nhất cho DN.Trong giai đoạn 5 năm đầu sau khi hiệp định có hiệu lực, Bộ Công Thương có kế hoạch tập huấn chuyên môn thông qua đào tạo kỹ năng quản trị kinh doanh, marketing quốc tế, XTTM quốc tế… Tập trung truyền thông quảng bá thương hiệu cho DN; hướng dẫn DN đăng ký chỉ dẫn địa lý, gia tăng giá trị sản phẩm; ứng dụng công nghệ…

Ông Vũ Bá Phú- Cục trưởng Cục XTTM:

Cuối năm 2020, Bộ Công Thương sẽ đưa hệ sinh thái XTTM vào hoạt động, giúp DNNVV Việt Nam kết nối rộng rãi DN EU với chi phí hầu như không đáng kể, góp phần giải quyết “bài toán” chi phí cho DN.

Nguồn: Congthuong.vn