Theo CIEM, Việt Nam bước vào năm 2019 với kỳ vọng về không ít cơ hội và thách thức đan xen. Niềm tin của cộng đồng DN trong và ngoài nước tiếp tục gia tăng sau những cam kết cải cách của Chính phủ cũng như khả năng ứng phó hiệu quả của Chính phủ trước cú sốc từ bên ngoài.
Các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (CPTPP, EVFTA, RCEP) và cách mạng công nghiệp 4.0 có thể tạo thêm xung lực cho cải cách và tiếp cận nguồn lực (kỹ năng, công nghệ, vốn) từ bên ngoài.
Tuy nhiên, CIEM cho rằng, Việt Nam cần tiếp tục xử lý thách thức mang tính căn bản về chất lượng thể chế, hạ tầng và nguồn nhân lực. Cạnh tranh chiến lược giữa Mỹ và Trung Quốc còn tiếp diễn, buộc Việt Nam phải cân nhắc thấu đáo hơn trong tham gia các sáng kiến cho hai nước này dẫn dắt. Bản thân hoạt động kinh tế, thương mại và đầu tư có thể gặp khá nhiều bất định, đặc biệt trong nửa đầu năm 2019, do rủi ro suy giảm kinh tế ở không ít nền kinh tế chủ chốt.
Kịch bản mà CIEM dự báo cho nền kinh tế Việt Nam trong điều kiện “bình thường” trong năm 2019, phù hợp với kỳ vọng chung về bối cảnh kinh tế thế giới và tình hình phát triển kinh tế trong nước.
Theo đó, GDP của các đối tác tăng 2,9% vào năm 2019, mức giá của Hoa Kỳ tăng 2,44%, giá hàng nông sản xuất khẩu tăng 0,2%, giá dầu thô thế giới giảm 2,9% so với mức giá XK trung bình năm 2018.
Về phía Việt Nam, tỷ giá VND/USD trung tâm được điều chỉnh tăng 2%; tổng phương tiện thanh toán tăng khoảng 12,5%; tăng trưởng tín dụng ở mức 14% và giá NK giữ nguyên.
Về đầu tư, vốn thực hiện của khu vực FDI tương đương với năm 2018; đầu tư từ nguồn NSNN (bao gồm cả trái phiếu chính phủ) được bổ sung 400 nghìn tỷ đồng, theo kịch bản của CIEM, giả thiết ở đây là lượng vốn đầu tư này được giải ngân đều trong các quý của năm 2019.
Với bối cảnh trên, CIEM dự báo kết quả cho thấy tăng trưởng kinh tế năm 2019 ước đạt 6,93%, tăng trưởng XK dự báo ở mức 9,4%. Cũng trong 2019, thặng dư thương mại ở mức 2,04 tỷ USD và mức tăng giá tiêu dùng bình quân năm 2019 so với bình quân năm 2018 là khoảng 3,88%.
Theo CIEM, diễn biến kinh tế vĩ mô trong năm 2019 có thể chịu ảnh hưởng của một số yếu tố quan trọng. Trước hết căng thẳng thương mại Mỹ - Trung Quốc còn diễn biến khó lường, do còn phụ thuộc vào khả năng đàm phán thương mại (và mức độ thực chất của kết quả, nếu có) giữa Mỹ và Trung Quốc.
Tuy nhiên, các chuyên gia đến từ CIEM khuyến nghị, Việt Nam không nên quá lạc quan về khả năng đạt được thỏa thuận thương mại giữa Mỹ với Trung Quốc, bởi cả hai bên đều biết cạnh tranh quyền lực giữa hai bên không chỉ nằm ở vấn đề thương mại. Theo đó, bản thân Trung Quốc cũng hiểu nhượng bộ với Mỹ là không đủ để kết thúc chiến tranh thương mại, và cũng hiểu nhượng bộ với Mỹ là không đủ để giữ chân nhà đầu tư nước ngoài.
Bên cạnh đó, rủi ro suy giảm ở các nền kinh tế chủ chốt có thể ảnh hưởng đến nhu cầu đối với hàng XK của Việt Nam, trong bối cảnh ấy, hàng XK của Việt Nam có thể phải đối mặt với nhiều hàng rào kỹ thuật hơn ở các thị trường nước ngoài.
Cũng theo CIEM, việc thực hiện CPTPP, khả năng phê chuẩn EVFTA và khả năng kết thúc đàm phán RCEP có thể tạo thêm sức hút cho nhà đầu tư nước ngoài đến Việt Nam. Đồng thời, cam kết ổn định kinh tế vĩ mô trên cơ sở đánh giá đúng và kịp thời tình hình có ý nghĩa quan trọng để có những giải pháp điều hành linh hoạt. Ngoài ra, cộng đồng doanh nghiệp vẫn tiếp tục kỳ vọng vào những nỗ lực tái cơ cấu kinh tế, cải thiện môi trường kinh doanh của Chính phủ.
Nguồn: Baohaiquan.vn