Trong đó, tỉnh chú trọng quy hoạch, xác định vùng trồng, chuyển giao kỹ thuật thâm canh và hướng dẫn nông dân quản lý chất lượng nông sản đầu vào thông qua nhiều giải pháp thiết thực như tập huấn kỹ thuật phòng trừ sâu bệnh trên cây vú sữa, không sử dụng 5 hoạt chất thuốc bảo vệ thực vật mà phía Mỹ cảnh báo dư lượng đặc biệt là hoạt chất Carbendazim bị cấm sử dụng tại Mỹ. Thay vào đó, sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật sinh học khác, hướng dẫn bao trái vú sữa và sản xuất theo tiêu chuẩn xuất khẩu.
Bên cạnh đó, hỗ trợ doanh nghiệp xác định vùng trồng mới để được cấp mã Code đồng thời với mở rộng diện tích vùng đã được cấp mã Code. Mặt khác, tỉnh yêu cầu các doanh nghiệp tham gia xuất khẩu vú sữa cần phối hợp chặt chẽ với cơ quan quản lý chuyên môn để được hỗ trợ kịp thời về mặt kỹ thuật.
Ông Nguyễn Văn Mẫn cũng cho biết, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn Tiền Giang định hướng sản xuất theo quy trình VietGAP cho các vùng trồng vú sữa đã được cấp mã Code đồng thời tiến tới chứng nhận VietGAP cho vùng trồng nhằm đảm bảo chất lượng trái vú sữa xuất khẩu. Qua đó, vừa đảm bảo vệ sinh, an toàn thực phẩm và truy xuất được nguồn gốc cũng như tiếp tục hỗ trợ cho nông dân vùng trồng vú sữa các loại thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc sinh học và túi bao trái đạt tiêu chuẩn.
Để đảm bảo chất lượng trái vú sữa xuất khẩu sang thị trường Mỹ, lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang cũng kiến nghị Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) tiếp tục rà soát việc cấp mã Code cho các doanh nghiệp tham gia xuất khẩu trái vú sữa và kiểm tra chặt chẽ nguồn gốc, mẫu mã, chất lượng các lô trái vú sữa xuất khẩu của các doanh nghiệp trong quá trình làm thủ tục xuất khẩu để không làm ảnh hưởng đến chất lượng và thương hiệu trái vú sữa Việt Nam.
Ngoài ra, Cục Bảo vệ thực vật cần thường xuyên cung cấp thông tin cho các địa phương về tình hình kiểm dịch thực vật các lô trái vú sữa xuất khẩu để phối hợp chấn chỉnh kịp thời những sai phạm. Từ đó, không làm ảnh hưởng đến uy tín, chất lượng trái vú sữa Việt Nam khi vào thị trường Mỹ.
Đối với tỉnh Tiền Giang, địa phương đang tập trung những giải pháp đầu tư vùng trồng lâu dài mang tính chiến lược nhằm đảm bảo sản xuất và cung ứng nguồn vú sữa xuất khẩu ổn định với chất lượng tốt nhất. Trong đó, tiếp tục củng cố, duy trì và mở rộng diện tích vú sữa hiện có để được cấp mã Code mà trọng tâm là khẩn trương xây dựng, triển khai “Dự án thí điểm khôi phục cây vú sữa Lò Rèn trên địa bàn tỉnh Tiền Giang” với những nội dung trọng tâm như xây dựng và hoàn thiện hệ thống thủy lợi đảm bảo nguồn nước phục vụ sản xuất; thiết kế lại vườn cây theo hướng chuyên canh, tập trung gắn mã Code vùng trồng và chuyển giao kỹ thuật thâm canh cho nông dân.
Mặt khác, tổ chức lại sản xuất, tiêu thụ theo chuỗi giá trị, lấy liên kết chuỗi làm trung tâm; củng cố và nâng chất các hợp tác xã, tổ hợp tác làm hạt nhân thực hiện liên kết chuỗi. Ngoài ra, tăng cường hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại, đẩy mạnh xuất khẩu trái vú sữa sang thị trường Mỹ cũng như mở rộng sang thị trường các nước khác trong tương lai.
Tại Đồng bằng sông Cửu Long, Tiền Giang là một trong ba tỉnh có diện tích trồng vú sữa tập trung lớn trong đó giống vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim (Tiền Giang) là một trong các loại trái cây đặc sản của tỉnh, đã khẳng định được thương hiệu trong nước cũng như xuất khẩu.
Cuối tháng 12/2017 vừa qua, tại Tiền Giang, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kết hợp với Ủy ban Nhân dân tỉnh Tiền Giang long trọng tổ chức Lễ công bố “Xuất khẩu lô vú sữa Việt Nam đầu tiên sang thị trường Mỹ” sau một thời gian dài 10 năm đàm phán.
Để đáp ứng nhu cầu xuất khẩu vú sữa sang Mỹ, Tiền Giang đã có vùng nguyên liệu trên 120ha đã được cấp mã Code do 5 doanh nghiệp được cấp mã Code xuất khẩu vú sữa sang Mỹ đầu tư.
Theo ông Võ Văn Men, Phó Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) tỉnh Tiền Giang, từ sau Lễ công bố đến nay, toàn tỉnh đã xuất khẩu được 73 tấn vú sữa sang Mỹ thông qua các doanh nghiệp chủ lực như Công ty trách nhiệm hữu hạn sản xuất và chế biến nông sản Cát Tường, Công ty trách nhiệm hữu hạn Đại Lâm Mộc…
Đây là thành tựu bước đầu trên lĩnh vực xuất khẩu trái vú sữa Tiền Giang sang Mỹ. Việc tỉnh tiếp tục thực hiện những giải pháp quyết liệt và quản lý nghiêm ngặt nhằm đảm bảo chất lượng trái vú sữa xuất khẩu nhằm phát huy tiềm năng và thế mạnh cây trồng đặc sản, giúp nông dân làm giàu bền vững cũng như tạo nguồn nông sản chất lượng cao xuất khẩu ổn định để xây dựng đất nước, tạo chuyển biến mạnh mẽ về nông nghiệp, nông dân, nông thôn tỉnh nhà nói riêng và thương hiệu vú sữa Việt Nam nói chung.