Không chỉ doanh nghiệp Việt Nam hào hứng với thị trường Hàn Quốc mà không ít doanh nghiệp phân phối của quốc gia này cũng đang tìm cơ hội hợp tác. 
Nhưng để nông sản Việt thâm nhập và có chỗ đứng tại thị trường Hàn Quốc, các doanh nghiệp Việt cần đầu tư vào khâu kiểm soát chất lượng, tạo giá trị mới cho sản phẩm thì mới có thể cạnh tranh với các sản phẩm nông sản của các nước trong khu vực ASEAN cũng như Trung Quốc. 
Theo Đại sứ quán Việt Nam tại Hàn Quốc, các thế mạnh của Việt Nam xuất khẩu sang Hàn Quốc đó là thủy sản, bên cạnh đó là các mặt rau củ quả. Hiện có năm loại quả của Việt Nam được xuất khẩu vào thị trường này gồm dừa, dứa, thanh long, xoài, chuối. 
Ông Đỗ Kim Lang cho hay thời gian qua, quan hệ kinh tế, thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và Hàn Quốc không ngừng phát triển. Hàn Quốc là đối tác chiến lược quan trọng của Việt Nam và hiện nay, Hàn Quốc là nước dẫn đầu về đầu tư tại Việt Nam. 
Đặc biệt, thực thi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-Hàn Quốc (VKFTA) từ tháng 12/2015, Hàn Quốc đã là đối tác thương mại lớn thứ ba của Việt Nam, chỉ sau Trung Quốc và Hoa Kỳ. Trong hai tháng đầu năm 2018, tổng trị giá xuất khẩu của Việt Nam sang Hàn Quốc đạt 2,79 triệu USD, tăng tới 44% so với cùng kỳ năm 2017. 
Trong lĩnh vực nông sản, thực phẩm, Cục Xúc tiến thương mại đã tập trung hỗ trợ doanh nghiệp xúc tiến xuất khẩu ra nhiều thị trường trên thế giới thông qua đa dạng các hoạt động. Riêng với thị trường Hàn Quốc, Cục Xúc tiến thương mại đã tổ chức nhiều đoàn doanh nghiệp Việt Nam sang thị trường này thực hiện các chương trình giao dịch thương mại. Đồng thời, tham gia các hội chợ triển lãm chuyên ngành để tiếp cận trực tiếp với khách hàng tiềm năng. Từ đó, thu hút nhà nhập khẩu Hàn Quốc đến Việt Nam tìm nguồn hàng... 
Mới đây, một số doanh nghiệp phân phối, trong đó, có Tập đoàn K-holdings và Tập đoàn Coupang... hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh trực tuyến hàng đầu của Hàn Quốc, đã sang Việt Nam tìm nguồn cung sản phẩm nông sản, thực phẩm của Việt Nam. Hai Tập đoàn này có nhu cầu nhập khẩu các mặt hàng gia vị, nước chấm, các loại mỳ, miến, phở và sản phẩm từ gạo đã đóng gói thành phẩm; đồ hộp, hải sản đông lạnh đã thành phẩm; hoa quả sấy khô hoặc cấp đông; càphê, chocolate, hạt điều, tiêu, quế, hồi... 
Cùng với đó, họ cũng nhập khẩu các mặt hàng đồ khô như thịt bò khô, gà khô, cá bò tẩm gia vị, mực khô, quả tươi (dừa, dứa, chuối, xoài, thanh long) và một số mặt hàng thực phẩm chế biến khác. 
Đóng gói xoài tươi chuẩn bị cho xuất khẩu. (Ảnh: Đức Nhung/TTXVN)
 Ông Kim Dae Youn, Giám đốc phân phối ngành thực phẩm Tập đoàn Coupang (Hàn Quốc) cho biết bên cạnh các mặt hàng hoa quả tươi nhiệt đới, người tiêu dùng Hàn Quốc rất thích sản phẩm nông sản đã qua chế biến của Việt Nam. 
Sắp tới Tập đoàn Coupang sẽ dành một phần trên website bán hàng để giới thiệu về hàng hóa của Việt Nam. Mục tiêu đến năm 2019, Coupang sẽ tìm kiếm được khoảng 1.800 sản phẩm nông sản thực phẩm của Việt Nam để bày bán trên website của tập đoàn.
Coupang là một trong nhiều doanh nghiệp phân phối của Hàn Quốc có ý định tìm nguồn cung nông sản; trong đó, có nông sản đã qua chế biến từ Việt Nam. Điều này cho thấy, cơ hội cho nông sản Việt thâm nhập sâu hơn vào thị trường Hàn Quốc khá rộng mở. 
Trước cơ hội mới, doanh nghiệp trong nước lại tỏ ra khá lo lắng, bởi các quy định về tiêu chuẩn chất lượng khắt khe của thị trường này. Đó là, các mặt hàng nông sản đã qua chế biến, khi vào thị trường Hàn Quốc phải qua công đoạn kiểm dịch rất ngặt nghèo. Vì vậy, doanh nghiệp cần theo dõi và nắm bắt cụ thể các tiêu chuẩn kỹ thuật để có thể thuận lợi xuất hàng, tránh bị trả lại làm mất uy tín và tốn chi phí. 
Bà Đinh Thị Ánh Tuyết, Chủ tịch Hội đồng quản trị VietED Group là người có kinh nghiệm nhiều năm xuất khẩu nông sản sang các thị trường lớn cho biết, thị trường Hàn Quốc đặt ra những chỉ tiêu chất lượng rất cao. Đây là thách thức với doanh nghiệp xuất khẩu nông sản trong nước, nhất là đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Bởi, đây là những doanh nghiệp khó khăn về vốn, công nghệ và cả con người. 
VietED Group cũng đã mất nhiều năm để xây dựng bộ tiêu chuẩn về sản phẩm với 1.000 điểm. Tất cả sản phẩm của người dân khi đưa vào hệ thống sẽ được đánh giá từ khâu gieo trồng, các tiêu chuẩn áp dụng cho đến thu hoạch và chế biến. Công ty hiện có hai sản phẩm là cà rốt và dưa Quỳnh Lưu (Nghệ An) đạt 480 điểm, có nghĩa các sản phẩm này đủ tiêu chuẩn sạch, có thương hiệu chỉ dẫn về nhãn hiệu tập thể để đưa vào hệ thống siêu thị. Kết quả này là cơ sở để công ty tiếp tục nâng cấp xuất khẩu. 
Ông Lê Huy Bảy, Giám đốc Công ty chế biến nông sản Việt, cũng băn khoăn là doanh nghiệp mới khởi nghiệp được vài năm nên công ty còn rất khó khăn, cho dù tự tin về chất lượng sản phẩm hoa quả khô sấy lạnh, nhưng mẫu mã bao bì còn đơn giản, chưa truyền tải được thông điệp. Công ty chưa có điều kiện tìm hiểu rõ thông tin và nhu cầu tiêu dùng tại thị trường Hàn Quốc để có sự thay đổi hợp lý.
 Đây là những “rào cản” nhất định để Công ty chế biến nông sản Việt chinh phục thị trường Hàn Quốc. "Bên cạnh sự nỗ lực của bản thân, doanh nghiệp trong nước cần sự “trợ sức” của cơ quan chức năng về thông tin thị trường, thông tin đối tác để có những bước tiếp cận cụ thể nhằm đẩy mạnh xuất khẩu nông sản vào Hàn Quốc," ông Bảy nói./.