Lễ Tôn vinh và trao Giải thưởng được tổ chức tại Nhà hát Lớn Hà Nội và truyền hình trực tiếp trên kênh VTV1 – Đài truyền hình Việt Nam.
Đến dự buổi Lễ có đồng chí Trương Thị Mai - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương; đồng chí Vương Đình Huệ - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ; đồng chí Trần Thanh Mẫn - Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; đồng chí Trần Tuấn Anh - Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương; đồng chí Vũ Hồng Thanh - Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội; đồng chí Hầu A Lềnh - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; đồng chí Đỗ Thắng Hải - Thứ trưởng Bộ Công Thương, Trưởng Ban Tổ chức Giải thưởng; đồng chí Trương Thị Ngọc Ánh - Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; đồng chí Bùi Trường Giang - Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước, cùng nhiều đồng chí là lãnh đạo các Bộ, ban ngành Trung ương, đại diện Ủy ban nhân dân, Sở Công Thương các địa phương cùng các Doanh nghiệp đạt Giải và cộng đồng Doanh nghiệp trên địa bàn Hà Nội cũng như các địa phương lân cận. 
Trên 30 cơ quan thông tấn báo chí Trung ương đã có mặt để đưa tin về sự kiện đặc biệt này. 
Đây là giải thưởng động viên, tôn vinh các doanh nghiệp sản xuất, thương mại dịch vụ Việt Nam thực hiện tốt Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Lễ trao Giải lần thứ II cũng là sự kiện chuẩn bị cho chuỗi các sự kiện hướng tới kỷ niệm 10 năm (2009-2019) theo thông báo kết luận số 264-TB/TW ngày 31/7/2009 của Bộ Chính trị về tổ chức Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” sẽ được tổ chức vào năm 2019. 
Giải thưởng được khởi động từ tháng 10/2017 sau khi có công văn số 11100/VPCP-TCCV ngày 18/10/2017 của Văn phòng Chính phủ truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình về việc cho phép Bộ Công Thương tổ chức Giải thưởng. Bộ Công Thương đã ra quyết định thành lập Hội đồng xét tặng và Ban tổ chức với các thành viên là cán bộ quản lý các Bộ, ngành, chuyên gia kinh tế…. Ban Thư ký Giải thưởng là các Nhà báo, cán bộ thuộc Báo Công Thương và Văn phòng Bộ Công Thương. 
Sau 04 tháng triển khai, Ban Thư ký đã nhận được gần 300 đề cử từ hơn 30 Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Sở Công Thương các địa phương, Hiệp hội ngành hàng, ngành nghề và tự ứng cử cho các danh hiệu “Top 10 Sản phẩm Thương hiệu Việt xuất sắc”; “Top 10 Doanh nghiệp có Dịch vụ Thương hiệu Việt xuất sắc” và “Top 80 Doanh nghiệp Thương hiệu Việt tiêu biểu”. 
Qua công tác sơ loại gồm 2 vòng, công tác thẩm định thực tế tại Doanh nghiệp thuộc một số địa phương trải dài từ Bắc vào Nam, Ban Thư ký đã lựa chọn được 98 hồ sơ Doanh nghiệp hợp lệ, đáp ứng đúng các tiêu chí đề ra, trình Hội đồng xét tặng và Ban tổ chức thông qua. Ngoài Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh luôn là các địa phương có số lượng Doanh nghiệp tham gia đông đảo với chất lượng hồ sơ tốt, còn lại được phân bổ đều, có đầy đủ yếu tố vùng sâu, xa như Cao Bằng, Quảng Ninh (phía Bắc), An Giang, Tiền Giang (miền Tây) hay khu vực Tây Nguyên như Gia Lai, Lâm Đồng…Về cơ cấu lĩnh vực, có đầy đủ các Doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực sản xuất và Thương mại dịch vụ…
Căn cứ kết quả cuộc họp Hội đồng xét tặng Giải thưởng ngày 09/02/2018 và cuộc họp Ban tổ chức Giải thưởng ngày 28/02/2018, Ban tổ chức đã quyết định 96 doanh nghiệp đạt Giải, trong đó:
- 10 Doanh nghiệp đạt Giải Top 10 Sản phẩm Thương hiệu Việt xuất sắc hưởng ứng Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”;
- 10 Doanh nghiệp đạt Giải Top 10 Doanh nghiệp có Dịch vụ Thương hiệu Việt xuất sắc hưởng ứng Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”;
- 76 Doanh nghiệp đạt Giải Doanh nghiệp Thương hiệu Việt tiêu biểu hưởng ứng Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.
Qua 8 năm thực hiện, Cuộc vận động đã được các cấp, ngành, đông đảo doanh nghiệp và tầng lớp nhân dân hoan nghênh đón nhận. Cuộc vận động đã thực sự thay đổi thói quen mua sắm của người tiêu dùng Việt Nam, đồng thời tạo động lực lớn cho các doanh nghiệp nâng cao chất lượng sản phẩm cũng như vị thế cạnh tranh. Theo báo cáo của một số Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, thị phần của hàng Việt tại thị trường trong nước vẫn tiếp tục tăng, đặc biệt là nhóm ngành hàng tiêu dùng nhanh tại thị trường nông thôn; Trong hệ thống siêu thị của một số doanh nghiệp trong nước, hàng hoá sản xuất trong nước vẫn chiếm tỷ trọng lớn từ 80 - 90% là hàng sản xuất trong nước (hệ thống siêu thị Big C có tới gần 90% là hàng sản xuất trong nước, hệ thống siêu thị của Saigon Coop có tới gần 95% là hàng sản xuất trong nước). Tại hệ thống các điểm bình ổn thị trường có tới gần 90% là hàng sản xuất trong nước. Tốc độ phát triển của các hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi bán hàng Việt Nam là rất nhanh (như CoopMart đến cuối năm 2017 đã mở được khoảng 100 siêu thị trên toàn quốc, có hơn 181 cửa hàng coopfood, tập trung ở hai thành phố lớn là Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, tốc độ phát triển thêm từ 20-30 cửa hàng/năm; Vingroup đã mở được khoảng hơn 1.000 siêu thị Vinmar và cửa hàng Vinmart+...)...