Đó là một trong những mục tiêu của Đề án tái cơ cấu ngành hàng lúa gạo Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 vừa được phổ biến tại Hội nghị sơ kết sản xuất vụ Hè Thu, vụ Mùa năm 2016, triển khai kế hoạch sản xuất vụ Đông Xuân 2016-2017 các tỉnh phía Bắc do Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tổ chức sáng nay (29/11), tại Hà Nội.

Ông Trần Xuân Định, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) cho biết, sau gần 2 năm nghiên cứu, khảo sát với sự đóng góp của nhiều tỉnh, thành, Đề án tái cơ cấu ngành hàng lúa gạo Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã được Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn ký quyết định phê duyệt.

Đề án đã đề ra một số chỉ tiêu cụ thể đến năm 2020 như giảm lượng giống gieo sạ ở các tỉnh phía Nam xuống còn bình quân 80kg/ha; giảm tổn thất sau thu hoạch xuống dưới 8%; diện tích lúa có liên kết trong sản xuất, tiêu thụ chiếm từ 20% trở lên. Đồng thời đảm bảo lợi nhuận cho người trồng lúa ở vùng sản xuất lúa hàng hóa từ 30% trở lên; tỷ lệ sử dụng giống xác nhận chiếm trên 75% tại các vùng chuyên canh của Đồng bằng sông Cửu Long.

Theo đó, mục tiêu cụ thể đến năm 2020 của Đề án là tổ chức sản xuất, chế biến và phân phối các sản phẩm gạo trắng, gạo thơm và đặc sản, phấn đấu đạt 20% sản lượng gạo xuất khẩu mang thương hiệu "Gạo Việt Nam" đồng thời quảng bá, giới thiệu thương hiệu rộng rãi trong nước và đến ít nhất 20 thị trường xuất khẩu. Thương hiệu gạo quốc gia được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ dưới hình thức nhãn hiệu chứng nhận tại Việt Nam và ít nhất 50 quốc gia.

Đến năm 2030, các vùng sản xuất lúa gạo xuất khẩu ổn định, hiệu quả và bền vững, đưa gạo Việt Nam trở thành thương hiệu hàng đầu thế giới về chất lượng, an toàn thực phẩm. Phấn đấu đạt 50% sản lượng gạo xuất khẩu mang thương hiệu "Gạo Việt Nam", trong đó 30% tổng sản lượng gạo xuất khẩu là nhóm gạo thơm và gạo đặc sản.

Để thực hiện các mục tiêu trên, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã đề ra 9 giải pháp lớn bao gồm: tái cơ cấu sản xuất lúa, trong đó duy trì và sử dụng linh hoạt 3,8 triệu hécta đất trồng lúa; tổ chức sản xuất và đổi mới thể chế; cải tiến công nghệ sau thu hoạch và chế biến; phát triển thị trường; giảm tác động của biến đổi khí hậu và tăng cường quản lý rủi ro thiên tai, dịch bệnh; bảo vệ tài nguyên, môi trường và di sản lúa gạo; đảm bỏa chất lượng, an toàn thực phẩm và dinh dưỡng; vấn đề giới trong sản xuất lúa và hợp tác quốc tế.

Ông Định cũng cho biết, trước mắt Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn sẽ triển khai mạnh mẽ một số giải pháp ưu tiên như nghiên cứu phát triển các giống lúa chất lượng phù hợp với nhu cầu của thị trường trong nước và xuất khẩu, trong đó chủ lực là lúa thơm. Ưu tiên lựa chọn 3 giống đặc sản tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long để hỗ trợ xây dựng, phát triển thành thương hiệu gạo vùng, địa phương hướng tới trở thành thương hiệu gạo quốc gia bao gồm: giống jasmine, giống lúa thơm và giống nếp đặc sản.

“Đổi mới chương trình khuyến nông lúa gạo theo chuỗi giá trị; đầu tư thích đáng cho các trường, viện, tổ chức khoa học công nghệ. Riêng khu vực Đồng bằng sông Cửu Long sẽ phát triển hệ thống đường thủy, bộ để tăng kết nối với các vùng chuyên canh và cảng Cần Thơ để có thể thực hiện xuất khẩu gạo ngay từ miền Tây…” Phó Cục trưởng Trần Xuân Định nói.

Nguồn: Vietnamplus.vn