Thời gian tới, ngành chăn nuôi gia súc ăn cỏ sẽ tập trung rà soát, điều chỉnh từ cơ chế chính sách, cách tổ chức sản xuất để khai thác tốt nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường thực phẩm, khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế.
Nhiều lợi thế và dư địa
Phát biểu tại hội nghị, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi Tống Xuân Chinh cho biết, hiện sản lượng thịt gia súc ăn cỏ chiếm tỷ lệ rất nhỏ so với thịt lợn và gia cầm.
"Cả nước hiện sản xuất khoảng 5,5 triệu tấn thịt các loại, trong đó sản lượng thịt gia súc ăn cỏ sản xuất trong nước chỉ chiếm 8,6% tổng sản lượng. Tiêu thụ sữa bình quân đầu người ở Việt Nam năm 2018 đạt 27 kg/người/năm. Dự báo đến năm 2020, mức tiêu thụ sữa khoảng 28 kg/người/năm" - ông Chinh cho biết.
Trong các sản phẩm được tạo ra từ gia súc ăn cỏ, Việt Nam mới xuất khẩu chính ngạch được sữa và các sản phẩm từ sữa đến gần 50 nước; thịt và sản phẩm thịt được xuất khẩu tiểu ngạch qua Trung Quốc. Sau hơn 6 năm đàm phán, ngày 26/4/2019, Nghị định thư về xuất khẩu sữa, sản phẩm sữa của Việt Nam sang Trung Quốc đã được ký kết sẽ tạo cơ hội rộng mở cho sữa và các sản phẩm sữa của Việt Nam xuất khẩu vào thị trường 1,4 tỷ dân này.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê năm 2018 và tính toán của Cục Chăn nuôi, mức tiêu thụ thịt bò trung bình của người Việt Nam trong năm 2018 là 3,15 kg thịt xẻ/người/năm.
Bên cạnh đó, mức tiêu thụ thịt bò của Việt Nam thấp hơn mức tiêu thụ thịt bò trung bình của thế giới và một số nước, khu vực xung quanh như: Trung Quốc, Nhật Bản, Mỹ, EU. Điều này cho thấy, ngành chăn nuôi bò thịt còn rất nhiều tiềm năng để phát triển trong thời gian tới.

Cục Chăn nuôi kiến nghị Chính phủ thành lập Ban chỉ đạo sữa quốc gia do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm trưởng ban, thành viên là các bộ, ngành có liên quan và các tỉnh chăn nuôi bò sữa trọng điểm để thống nhất chỉ đạo chương trình sữa học đường. Ban chỉ đạo sữa quốc gia cũng có tiếng nói quan trọng để tác động đến chương trình quốc gia về sữa học đường, hạn ngạch nhập khẩu sữa bột và các chính sách khuyến khích phát triển chăn nuôi bò sữa bền vững ở quy mô quốc gia.

Đồng thời, mức tiêu thụ sữa của Việt Nam cao hơn một số nước trong khu vực như: Indonesia; Philippines nhưng thấp hơn rất nhiều mức tiêu thụ sữa trung bình của thế giới. Thời gian qua, chăn nuôi bò sữa của nước ta phát triển tốt và đang dần tiệm cận với các nước chăn nuôi bò sữa phát triển trên thế giới. Trong năm 2018, tổng doanh thu toàn ngành sữa ước đạt 109.000 tỷ đồng (khoảng 4,781 tỷ USD).
Dù Việt Nam đã vươn lên đứng thứ 6 các nước châu Á về sản lượng sữa và đứng thứ 4 về năng suất của đàn bò vắt sữa, nhưng sản xuất trong nước vẫn không đáp ứng đủ nhu cầu và hàng năm nước ta vẫn phải nhập khẩu một lượng lớn sữa và sản phẩm sữa về để phục vụ tiêu dùng trong nước. Tính riêng trong năm 2019, nước ta đã nhập khẩu 962 triệu USD sữa và sản phẩm từ sữa. Điều đó cho thấy ngành chăn nuôi bò sữa của nước ta có rất nhiều cơ hội để phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới...
Tuy nhiên, tại hội nghị các đại biểu cho rằng, giá trị xuất khẩu thấp khiến ngành thiếu đi động lực để phát triển, bên cạnh đó sự mất cân đối trong cơ cấu sản phẩm là những nút thắt cần phải được tháo gỡ kịp thời trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, chăn nuôi nhỏ lẻ chiếm tỷ lệ cao dẫn đến chưa kiểm soát hiệu quả vấn đề dịch bệnh, an toàn thực phẩm và năng suất, giá thành, tính cạnh tranh của sản phẩm chăn nuôi các loại gia súc ăn cỏ của Việt Nam còn thấp so với các nước phát triển. Nguy cơ khủng hoảng kinh tế, xung đột thương mại có thể tác động đến kinh tế khu vực hoặc toàn cầu trong đó có ngành chăn nuôi nước ta.
Chính sách bảo hộ, yêu cầu khắt khe về chất lượng liên quan đến các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, nhất là các mặt hàng liên quan đến tiểu ngành chăn nuôi. Việc xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi còn gặp nhiều trở ngại do sản phẩm chăn nuôi chưa đáp ứng được yêu cầu về công tác thú y...
Tạo cơ chế chính sách để tận dụng thị trường tiềm năng
Theo ông Tống Xuân Chinh, ngành chăn nuôi gia súc ăn cỏ đặt mục tiêu nâng và duy trì mức tăng trưởng trung bình giá trị sản phẩm của gia súc ăn cỏ giai đoạn 2019 - 2025 đạt 5 - 6%/năm.
Về xuất khẩu, thị trường thế giới năm 2019 được dự báo tăng 3% so với năm 2018 với 98,4 triệu tấn thịt từ gia súc ăn cỏ. Đây là tỷ lệ tăng trưởng mạnh nhất trong vòng 5 năm qua, phần lớn do nhu cầu tăng tại Trung Quốc. Nhu cầu của Trung Quốc sẽ mạnh lên khi các ổ dịch bệnh dịch tả lợn châu Phi làm cho người tiêu dùng quay sang với các nguồn protein khác.
Về xuất khẩu sữa, sản phẩm sữa, chủ yếu là của Công ty cổ phần sữa Việt Nam (Vinamilk). Các sản phẩm của Vinamilk hiện có mặt tại hàng loạt các quốc gia như Campuchia, Thái Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, Nga, Canada, Mỹ, Australia... Công ty này đang tiếp tục tìm kiếm và mở rộng thị trường sang châu Âu, châu Phi và Nam Mỹ...
Như vậy, trong tương lai, chỉ có khả năng mở rộng thị trường xuấu khẩu các sản phẩm sữa, sản phẩm chế biến từ sữa; nhung hươu, các sản phẩm chế biến từ chúng đi các thị trường sẵn có và các thị trường tiềm năng khác trên thế giới.
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh, với những lợi thế phát triển chăn nuôi gia súc ăn cỏ, thời gian tới, ngành chăn nuôi cần tập trung từ cơ chế chính sách, cách tổ chức sản xuất để khai thác tốt nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường thực phẩm, khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế.
Theo đó, ngành sẽ rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội; trong đó có chăn nuôi. Từng bước chuyển dần chăn nuôi nhỏ lẻ sang chăn nuôi theo quy mô trang trại, công nghiệp, phù hợp với thực tế địa phương. Quy hoạch phát triển chăn nuôi gắn với quy hoạch giết mổ và thị trường tiêu thụ.
Để đẩy mạnh sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, ngành sẽ đẩy mạnh xúc tiến thương mại, dự báo thị trường và tìm kiếm cơ hội xuất khẩu sản phẩm đến các thị trường tiềm năng. Ngành sẽ tổ chức liên kết giữa các khâu trong sản xuất chăn nuôi theo chuỗi giá trị; tiếp tục hỗ trợ các hộ chăn nuôi phát triển sản xuất trở thành các trang trại chăn nuôi, liên kết với các doanh nghiệp thông qua tổ hợp tác, hợp tác xã…
Ngoài ra, các đại biểu đều cho rằng, cần thực hiện tối đa xã hội hóa, hỗ trợ cho các doanh nghiệp tư nhân phát triển chăn nuôi. Nhà nước tập trung đầu tư hạ tầng kỹ thuật cho công tác khảo sát, kiểm nghiệm giống vật nuôi và hỗ trợ các doanh nghiệp theo luật định...
Nguồn: Khánh Linh/Thời báo tài chính Việt Nam