Cơ hội lớn
Theo Bộ Công Thương, hiện tại, hệ thống kho bãi tại các cửa khẩu biên giới Việt Nam - Lào, Việt Nam - Campuchia còn nhỏ lẻ, phân tán, manh mún dẫn tới việc doanh nghiệp xuất nhập khẩu (XNK) phải ký kết hợp đồng với nhiều đối tác, gây lãng phí và khó khăn cho việc hình thành mối quan hệ lâu dài trong chuỗi cung ứng... Bất cập này, không những không thúc đẩy mà còn kìm hãm hoạt động xuất khẩu.
Vì vậy, Đề án “Quy hoạch phát triển hệ thống kho hàng hóa tại các cửa khẩu khu vực biên giới Việt Nam - Lào và biên giới Việt Nam - Campuchia đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035” sẽ tạo cơ hội phát triển thương mại biên giới Việt Nam -Lào, Việt Nam - Campuchia. Cụ thể, đề án được thực hiện dựa trên mục tiêu phát triển hệ thống kho bãi tại các cửa khẩu đồng bộ, tích hợp trong dịch vụ logistics, từng bước đi vào chuyên nghiệp và hiện đại; đáp ứng đầy đủ và thường xuyên nhu cầu tập kết, lưu giữ và bảo quản hàng hóa XNK.
Đề án đặt mục tiêu đến năm 2035, các cửa khẩu trên toàn tuyến biên giới Việt Nam - Lào, Việt Nam - Campuchia có hệ thống kho bãi hoàn chỉnh và đồng bộ, đáp ứng được 100% nhu cầu về kho bãi của hàng hóa XNK; cung cấp trọn gói theo hướng tích hợp đồng bộ các dịch vụ logistics gắn với kho bãi.
Theo quy hoạch của đề án, đến năm 2025, hệ thống kho bãi đáp ứng được 100% nhu cầu về diện tích, sức chứa của hàng hóa XNK tại khu vực cửa khẩu; 80% kho bãi cung cấp đủ dịch vụ quan trọng và cần thiết cho quá trình tập kết, lưu giữ, chỉnh lý, bảo quản, xếp đặt, kiểm tra và làm thủ tục hải quan hàng hóa XNK; nâng cấp, cải tạo hoặc xây mới để đưa vào hoạt động ít nhất 1 kho bãi/khu vực cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu chính nhằm đáp ứng nhu cầu XNK; duy trì sự ổn định và từng bước nâng cao tốc độ tăng trưởng XNK tại các cửa khẩu trên tuyến biên giới Việt Nam - Lào, Việt Nam - Campuchia.
Khởi sắc kinh tế vùng biên
Trên toàn tuyến biên giới Việt Nam - Lào, Việt Nam - Campuchia hiện có 19 khu kinh tế cửa khẩu, 18 cửa khẩu quốc tế, 20 cửa khẩu chính, trên 43 cửa khẩu phụ cùng nhiều đường mòn. Việc phát triển dịch vụ tại khu vực cửa khẩu cũng được chú trọng như: Dịch vụ vận tải, kho bãi, trung chuyển hàng hóa, dịch vụ tư vấn để thúc đẩy hoạt động XNK.
Thời gian qua, các tỉnh có đường biên giới với Lào và Campuchia đã quan tâm, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng thương mại tại khu vực cửa khẩu biên giới. Bên cạnh đó, các cặp cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu chính và cửa khẩu phụ đã được mở, nâng cấp, tạo điều kiện thuận lợi cho giao lưu kinh tế - thương mại. Hoạt động của mạng lưới chợ biên giới dần đi vào ổn định, tăng trưởng, về cơ bản đáp ứng nhu cầu cư dân biên giới, tạo đà để kinh tế vùng biên khởi sắc.
Với đề án được phê duyệt, tại các cửa khẩu có quy mô XNK lớn, triển vọng tăng trưởng cao, mang tính ổn định, hệ thống kho bãi sẽ được đầu tư có sức chứa lớn, đa dạng về công năng, từng bước liên kết và hợp nhất thành các khu, cụm kho bãi tập trung, kiên cố và hiện đại.
XNK qua các cửa khẩu biên giới với Lào, Campuchia thời gian qua luôn duy trì tốc độ tăng trưởng khá và ổn định.
Nguồn: Lan Anh/Báo Công Thương điện tử