Ông Trương Văn Cẩm - Tổng thư ký Hiệp hội dệt may Việt Nam (Vitas) - cho biết, trong tương quan giá trị gia tăng với một số ngành hàng khác như da giày đạt 30-35%, điện tử, điện thoại chưa vượt 10% thì giá trị tăng thêm của ngành dệt may không phải thấp.
Tuy nhiên, đại diện Vitas cũng nhìn nhận: Việc nâng cao hơn nữa giá trị gia tăng là bài toán khó do phải đầu tư vào khâu thượng nguồn rất tốn kém. Ước tính, vốn đầu tư cho một chỗ làm việc ở khâu may mất khoảng 3.000 USD, khâu sản xuất vải từ 8.000-10.000 USD, khâu dệt nhuộm hoàn tất phải chi phí tới vài chục nghìn USD. Trình độ nhân lực của ngành chưa đáp ứng được yêu cầu cho phát triển thượng nguồn. Thậm chí, một số kỹ sư, công nhân kỹ thuật dệt nhuộm sau khi tuyển dụng, DN phải đào tạo lại.
Mặt khác, các hiệp định thương mại tự do đã ký kết đem lại cơ hội mở rộng XK cho dệt may nhưng quy tắc xuất xứ lại là rào cản lớn. Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam- EU mặc dù quy định quy tắc xuất xứ cộng gộp từ Hàn Quốc. Nghĩa là, nguyên phụ liệu nhập khẩu từ Hàn Quốc để sản xuất, thành phẩm tạo ra cũng được hưởng ưu đãi thuế quan như nguyên liệu được nhập từ các nước EU. Nghe có vẻ hấp dẫn nhưng thực tế tận dụng được điều này không dễ, hiện Việt Nam mới chỉ khai thác nguyên liệu vải từ Hàn Quốc được khoảng 18%/năm. Khoảng cách địa lý, chi phí vận chuyển cao khiến giá nguyên phụ liệu nhập khẩu từ Hàn Quốc cao hơn rất nhiều so với nhập từ Trung Quốc. Với nhiều DN, nhất là DN nhỏ và vừa, đây là rào cản lớn để thay đổi nguồn cung nguyên phụ liệu, tận dụng ưu đãi từ quy tắc xuất xứ cộng gộp cũng như tạo thêm giá trị gia tăng.
Thêm nữa, sự liên kết giữa khối DN FDI và DN trong nước cũng lỏng lẻo nên không tận dụng được tối đa nguồn nguyên phụ liệu do DN FDI sản xuất trong nước. Do đó, ông Trương Văn Cẩm cho rằng, cần tạo cơ chế để gắn kết giữa hai khu vực DN này, hạn chế việc nhập khẩu nguyên phụ liệu.
Việc chủ động nguồn nguyên phụ liệu, tăng tỷ lệ nội địa hóa nguyên liệu đầu vào là đòi hỏi tất yếu giúp DN dệt may nâng cao giá trị gia tăng.
 Nguồn: Việt Nga/Báo Công Thương điện tử