Bà Mai cho biết Nghị định 134 năm 2016 có hiệu lực từ 1-9-2016 chưa hướng dẫn rõ là thuế đối với xuất khẩu, nhập khẩu tại chỗ như thế nào. Và xuất khẩu, nhập khẩu có phải là hình thức xuất nhập khẩu không, được miễn thuế hay không? Chính vì thế, Tổng cục Hải quan là cơ quan quản lý thuế xuất nhập khẩu, để đảm bảo chặt chẽ nên đã ra công văn 5826 đề nghị truy thu và xử phạt đối với doanh nghiệp. 
"Bộ Tài chính nhận được rất nhiều kiến nghị của doanh nghiệp từ khi có công văn 5826 ngày 5-10-2018 của Tổng cục Hải quan về xử lý thuế đối với hàng xuất nhập khẩu tại chỗ. Hiện chúng tôi đang yêu cầu Tổng cục Hải quan tập hợp và báo cáo Thủ tướng, Chính phủ để giải quyết vướng mắc của doanh nghiệp" - bà Mai cho hay.
Ghi nhận ý kiến của doanh nghiệp về xử lý các vấn đề thuế, cũng theo bà Mai, Bộ Tài chính đã họp với các bộ Công thương, Kế hoạch và đầu tư về nội dung xuất nhập khẩu tại chỗ. Bộ Tài chính cũng họp rất nhiều phiên về chính sách này.
Đến nay, Bộ Tài chính đã chốt lại phương án hướng dẫn làm sao để đúng quy định pháp luật mà vẫn tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp. Mục đích là góp phần để doanh nghiệp của VN tạo được chuỗi cung ứng và hàng hóa tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, thúc đẩy công nghiệp hỗ trợ.
 "Theo đó, đối với xuất khẩu tại chỗ, đây cũng là hình thức xuất khẩu và sẽ được miễn thuế. Còn nhập khẩu tại chỗ, Luật thuế xuất nhập khẩu quy định nhập khẩu tại chỗ có chịu thuế. Dự kiến, thuế suất của nhập khẩu tại chỗ sẽ theo mức thuế MFN. Còn khi hàng hóa nhập khẩu tại chỗ đó được sản xuất để xuất khẩu thì sẽ được hoàn thuế. Dự kiến sửa nghị định 134 sẽ trình Chính phủ vào tháng 12 năm nay" - bà Mai nhấn mạnh.
 Trước đó, tại hội nghị đối thoại, bà Nguyễn Thị Minh Phương, giám đốc tài chính Công ty TNHH dệt Pacific Crystal, kể doanh nghiệp của bà đang gặp rất nhiều khó khăn sau khi Tổng cục Hải quan ban hành công văn số 5826 yêu cầu cơ quan hải quan ấn định thuế nhập khẩu và tính tiền chậm nộp đối với các doanh nghiệp có hoạt động xuất khẩu tại chỗ. 
Bà Phương nói: là doanh nghiệp nhập khẩu nguyên liệu về và sản xuất vải, vải đó được bán cho doanh nghiệp gia công ở VN để sản xuất hàng xuất khẩu ra nước ngoài, nhưng theo hướng dẫn của Tổng cục Hải quan, hình thức xuất khẩu tại chỗ không được miễn thuế xuất khẩu. Ngoài ra, doanh nghiệp còn bị truy thu thuế xuất khẩu trong 2 năm qua và còn bị xử phạt hành chính. 
Thực tế, các doanh nghiệp đang cố gắng tạo ra chuỗi cung ứng từ nguyên liệu, sản xuất, gia công đến xuất khẩu sản phẩm VN ra thị trường thế giới. Song việc đánh thuế nhập khẩu vô hình trung đã phá vỡ chuỗi cung ứng.
Việc đánh thuế nhập khẩu đối với nguyên liệu sản xuất hàng xuất khẩu là không khuyến khích các doanh nghiệp trong nước sử dụng hàng hóa trong nước, hay không khuyến khích doanh nghiệp phụ trợ phát triển, gây bất lợi cho doanh nghiệp trong nước.
 Do đó, khi chưa có hướng dẫn rõ ràng về cơ sở pháp lý tính thuế đối với hàng xuất khẩu tại chỗ, bà Phương kiến nghị không truy thu thuế nhập khẩu và tiền phạt của doanh nghiệp có hoạt động xuất khẩu tại chỗ. Về lâu dài, Chính phủ nên sửa đổi nghị định 134 cho miễn thuế nhập khẩu đối với hoạt động xuất nhập khẩu tại chỗ.
 Nguồn: Lê Thanh/Tuổi trẻ