Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch ngày 16/4/1999, có quy mô 21.284ha, thuộc 4 xã của huyện Bến Cầu (Lợi Thuận, Long Thuận, Tiên Thuận, An Thạnh) và 3 xã thuộc huyện Trảng Bàng (Phước Lưu, Bình Thạnh, Phước Chỉ). So với các cửa khẩu khác trên tuyến biên giới Việt Nam - Campuchia, cửa khẩu Mộc Bài có lợi thế đặc biệt vì nằm trên đường xuyên Á. Đây là cửa khẩu quốc tế đường bộ lớn nhất phía Nam, tạo tiền đề phát triển vùng kinh tế năng động Đông Nam bộ. Chính vì thế, Cửa khẩu Mộc Bài không chỉ là cửa ngõ của tỉnh Tây Ninh trong việc phát triển giao lưu thương mại với Campuchia mà còn giữ vai trò quan trọng trong xây dựng, phát triển kinh tế hướng ngoại, trở thành trung tâm giao dịch thương mại quốc tế, thực hiện chương trình hợp tác tiểu vùng trong chiến lược phát triển kinh tế ở Việt Nam.
Tuy nhiên, lãnh đạo tỉnh Tây Ninh cũng đã từng thừa nhận, Mộc Bài vẫn chưa phát huy hết được lợi thế của khu vực kinh tế cửa khẩu quốc tế ở một vị trí quan trọng. Cho đến nay, tiến độ triển khai và vốn thực hiện của các dự án đầu tư nước ngoài vẫn còn thấp,
Nhận định của Ban quản lý Khu kinh tế tỉnh Tây Ninh, đến thời điểm hiện tại, Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài không đáp ứng được nhu cầu quản lý quy hoạch xây dựng, cũng như yêu cầu về quản lý đô thị theo xu hướng phát triển. Vì vậy, các định hướng trong quy hoạch cũ cần phải được điều chỉnh phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế xã hội của tỉnh.
Cùng với Mộc Bài, Khu kinh tế cửa khẩu Xa Mát cũng được rà soát, điều chỉnh lại quy hoạch cho phù hợp với thực tế. Khu kinh tế cửa khẩu Xa Mát nằm trên địa bàn 2 xã Tân Lập và Tân Bình, thuộc huyện Tân Biên, với quy mô 34.197ha, được thành lập theo Quyết định số 186/2003/QĐ-TTg ngày 11/9/2003 của Thủ tướng Chính phủ. Sau 10 năm triển khai, do quy hoạch quá lớn, lại có tình trạng chồng lấn ranh đất rừng phòng hộ và bao trùm luôn phần diện tích Vườn quốc gia Lò Gò - Xa Mát, nên Khu kinh tế cửa khẩu Xa Mát không đạt hiệu quả như mong muốn.
Kể từ khi thành lập đến nay, Khu kinh tế cửa khẩu Xa Mát chỉ có 6 dự án đầu tư trong nước, với tổng số vốn đăng ký 158,5 tỷ đồng, sử dụng 17,46ha đất. Các dự án kinh doanh kho bãi, chợ đường biên, dịch vụ tổng hợp cửa khẩu, bãi đậu xe, thương mại quốc tế, kho ngoại quan…, do không giải phóng được mặt bằng, nên đến nay chỉ có 1 dự án (diện tích 4,7ha) là bãi đậu xe của một doanh nghiệp hoạt động, số dự án còn lại vẫn chưa được triển khai. Ngoài ra, quy hoạch đô thị cửa khẩu đã không còn khả thi trong tình hình hiện nay…
Tính đến nay, tỉnh Tây Ninh có 298 dự án đầu tư vào các khu công nghiệp, khu kinh tế cửa khẩu còn hiệu lực. Trong đó, có 201 dự án có vốn đầu tư nước ngoài và 97 dự án có vốn đầu tư trong nước. Tổng vốn đầu tư của các dự án tương đương 5.436,67 triệu USD.
Nguồn: Thanh Tâm/Báo Công Thương điện tử