Tăng về lượng và chất
Chi Lăng là huyện nằm ở phía Tây của tỉnh Lạng Sơn gồm 212 thôn bản, khu phố thuộc 19 xã, 2 thị trấn. Những năm qua, nhằm chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, khai thác các tiềm năng, thế mạnh của địa phương về phát triển kinh tế vườn đồi, trồng cây lâm nghiệp, cây ăn quả, cây công nghiệp ngắn ngày, huyện Chi Lăng đã hình thành các vùng sản xuất tập trung như: vùng trồng na, vùng trồng ớt, vùng trồng gừng... Tính đến hết năm 2016, tổng diện tích cây ăn quả các loại trên toàn huyện đạt 3.100 héc-ta, trong đó cây na chiếm khoảng 1.500 héc-ta.
Để nâng cao năng suất cũng như chất lượng quả na, những năm qua, huyện Chi Lăng đã phối hợp các cơ quan chức năng hướng dẫn cho người dân nơi đây thực hiện chăm sóc cây và quả na theo hướng sản xuất nông nghiệp tốt. Trong đó, chủ động ngăn chặn sâu bệnh hại phát sinh trên cây na bằng biện pháp canh tác, bón phân, kỹ thuật đốn tỉa cành, kỹ thuật phòng trừ sâu bệnh hại để nâng cao năng suất chất lượng, tạo sản phẩm na sạch, đảm bảo an toàn thực phẩm.
Đặc biệt, trong năm 2016, huyện Chi Lăng đã phối hợp xây dựng các mô hình điểm trồng na theo quy trình VietGap với 10,7 héc-ta tại khu vực Lân Ba Tài, thôn Minh Hòa, thị trấn Chi Lăng và 30 héc-ta tại khu vực Lân Giao, thôn Làng Ngũa, xã Chi Lăng.
Tính đến nay, tổng diện tích na sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap của Chi Lăng đã đạt 40,7 héc-ta, với sản lượng trung bình đạt 370 tấn/năm. Tính cả năm 2016, tổng sản lượng na Chi Lăng đạt khoảng 15.000 tấn, mang lại giá trị kinh tế ước đạt 300 tỷ đồng.
Nâng giá trị thương hiệu
Để tiếp tục nâng cao giá trị thương hiệu na Chi Lăng, vụ na năm 2017, huyện Chi Lăng có chủ trương hỗ trợ những vùng trồng na VietGap bao bì đóng gói quả na. Trong đó, sẽ có hộp, túi giấy, thùng cát tông đẹp để phục vụ khách có nhu cầu mua biếu, làm quà tặng và các túi nylon, thùng cát tông, hộp xốp bình thường có dán tem nhãn để phục vụ khách mua tiêu dùng, kinh doanh với số lượng lớn. Thậm chí băng dính dùng để đóng gói cũng sẽ được in tem nhãn mác “Na Chi Lăng”. Đồng thời, tới đây, huyện sẽ xây dựng khu trưng bày, quảng bá sản phẩm hàng hóa đặc trưng của huyện thuộc địa phận xã Quang Lang để phục vụ du khách thập phương khi có dịp lên thăm Lạng Sơn.
Bên cạnh đó, huyện Chi Lăng cũng như tỉnh Lạng Sơn tiếp tục tăng cường chuyển giao kỹ thuật trồng, chăm sóc na và định hướng nông dân áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nhằm chuẩn hóa quy trình canh tác, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh hại cho cây, hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, đảm bảo chất lượng an toàn thực phẩm. Tổ chức quản lý, sử dụng tốt nhãn hiệu tập thể chứng nhận na Chi Lăng… Đặc biệt, tại Hội nghị Phát động sản xuất na an toàn theo hướng sản xuất nông nghiệp tốt năm 2017 diễn ra mới đây, huyện Chi Lăng đã ký kết nhiều biên bản ghi nhớ hợp tác như: ký kết Biên bản ghi nhớ giữa UBND huyện Chi Lăng và Viện Cơ điện Nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; ký hợp đồng hỗ trợ xây dựng mô hình sản xuất na VietGAP tại xã Quang Lang giữa UBND xã Quang Lang và Viện Bảo vệ thực vật; ký Biên bản ghi nhớ đầu tư, bao tiêu sản phẩm giữa Công ty CP Đầu tư và Xây dựng CMT Việt Nam với Tổ hợp tác sản xuất na theo tiêu chuẩn VietGAP thị trấn Chi Lăng; ký cam kết sản xuất na an toàn năm 2017 giữa UBND các xã, thị trấn vùng trồng na của huyện Chi Lăng.
Với nhiều giải pháp đồng bộ, thiết thực, chắc chắn giá trị thương hiệu “Na Chi Lăng” sẽ tiếp tục được nâng cao hơn nữa, góp phần cải thiện đời sống nhân dân, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội huyện Chi Lăng.

Nguồn: baocongthuong.com.vn