Theo Phó Giám đốc Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh - Nguyễn Huỳnh Trang, tổng giá trị hàng hóa cho 2 tháng trước và sau Tết Mậu Tuất 2018 của các doanh nghiệp (DN) sản xuất, cung ứng gần 18.000 tỷ đồng, tăng hơn 743 tỷ đồng so với dịp Tết năm ngoái, riêng hàng bình ổn thị trường hơn 7.000 tỷ đồng.
Để kích cầu và tạo ổn định giá bán hàng Tết, Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh đã làm việc với các DN, nhà phân phối tổ chức nhiều đợt khuyến mại lớn trong thời gian mua sắm cao điểm với tổng giá trị khuyến mại lến đến 1.200 tỷ đồng. Các DN tham gia chương trình bình ổn cam kết giữ ổn định giá, không điều chỉnh tăng giá bán trước và sau Tết 1 tháng và giảm giá sâu trong 2 ngày cận Tết đối với các mặt hàng thiết yếu như thịt heo, thịt gà, trứng gia cầm... Một số hệ thống phân phối lớn như Sài Gòn Co.op, Satra, BigC tổ chức giảm giá từ 5-49% cho hàng ngàn mặt hàng như nước giải khát, bánh, kẹo, mứt để phục vụ Tết.
Các DN tham gia kinh doanh bình ổn thị trường dự kiến phát triển thêm 221 điểm bán hàng bình ổn giá. Các DN còn thực hơn 300 chuyến bán hàng lưu động để phục vụ người dân các huyện ngoại thành, khu công nghiệp, người lao động có thu nhập thấp mua sắm Tết.
Cùng với việc sản xuất và trữ hàng, ngành Công Thương cũng đang gấp rút lên kế hoạch tổ chức hội nghị kết nối cung - cầu hàng hóa giữa TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh/thành, thời gian tổ chức từ ngày 8-10/12/2017.
Theo bà Trang, lượng hàng hóa thiết yếu đã chuẩn bị cho Tết Mậu Tuất sắp tới tăng từ 15 - 20% so với kế hoạch UBND TP. Hồ Chí Minh giao và tăng 20-30% so với kết quả thực hiện Tết Đinh Dậu 2017. Nhiều nhóm hàng phục vụ Tết năm nay sản lượng dự trữ lớn, dự đoán chi phối từ 32-55% nhu cầu thị trường.
Cụ thể, thịt gia cầm chiếm 57,1%, trứng gia cầm 47,1%, thực phẩm chế biến 39,1%, thịt gia súc 35,5%, dầu ăn 34,5%, gạo 29,3%...
Đối với mặt hàng bia, nước giải khát, nhu cầu tiêu thụ của thị trường trong dịp Tết dự báo khoảng 41,1 triệu lít bia và 47,2 triệu lít nước giải khát, tăng khoảng 30% so với tháng thường.
Theo ông Nguyễn Văn Việt - Chủ tịch Hiệp hội Bia - rượu - nước giải khát Việt Nam, năm nay không có chuyện khan hàng vào dịp Tết, do các DN đồ uống đang tồn kho một lượng lớn, chỉ riêng 8 tháng đầu năm 2017, tỷ lệ tồn kho của các mặt hàng này tăng 62% so với năm 2016. Với mặt hàng bánh, mứt, kẹo, sở dự báo con số tiêu thụ khoảng 18.000 tấn.
Hoa Tết dự kiến thị trường tiêu thụ khoảng 600.000-700.000 chậu mai, 250.000 - 300.000 chậu bonsai, 135 triệu cành hoa hoa cúc, hồng, cát tường, ly, cẩm chướng… do 4 chợ chuyên kinh doanh hoa như Hồ Thị Kỷ, Sen và hai chợ đầu mối Thủ Đức và Bình Điền cung ứng khoảng 80% thị phần hoa tươi của TP. Hồ Chí Minh.
Lượng hàng nhập tại 3 chợ đầu mối nông sản thực phẩm là Bình Điền, Hóc Môn và Thủ Đức dự kiến tăng khoảng 80% so với ngày thường, đạt mức 15.000 - 16.000 tấn/ngày.
Theo đánh giá của Sở Công Thương thành phố, hàng hóa phục vụ Tết năm nay đã có cải tiến về chất lượng, mẫu mã đa dạng, nhiều mặt hàng mới phục vụ theo nhu cầu của thị trường. Nhiều nhóm thực phẩm tươi sống như thịt heo, thịt và trứng gia cầm, rau củ quả... được truy xuất nguồn gốc và bảo đảm an toàn thực phẩm hơn.
“Trong dịp Tết sắp đến, xu hướng người tiêu dùng quan tâm nhiều đến các đặc sản địa phương nên người tiêu dùng thành phố sẽ có thêm nhiều lựa chọn về hàng Tết. Lượng hàng hóa năm nay nhìn chung dồi dào, ổn định, chất lượng ngày càng được nâng lên và giá cả hợp lý hơn do nhà sản xuất và nhà phân phối đã chuẩn bị kỹ kế hoạch sản xuất, kinh doanh khá bài bản từ trước” - lãnh đạo Sở Công Thương nhận định.
Tại TP. Hồ Chí Minh, lượng hàng hóa thiết yếu đã chuẩn bị cho Tết Mậu Tuất sắp tới tăng từ 15 - 20% so với kế hoạch UBND TP. Hồ Chí Minh giao và tăng 20 - 30% so với kết quả thực hiện Tết Đinh Dậu 2017. Nhiều nhóm hàng phục vụ Tết năm nay sản lượng dự trữ lớn, dự đoán chi phối từ 32 - 55% nhu cầu thị trường.
Nguồn: Thế Vĩnh- Nguyễn Phượng/Báo Công Thương điện tử