Chưa bao gờ, công việc đi chợ, mua gì, ăn gì, chọn thực phẩm như thế nào lại trở nên khó khăn với người dân như hiện nay, khi mà người tiêu dùng nhìn đâu cũng thấy thực phẩm bẩn: thịt có chất tạo nạc, thủy sản có kháng sinh vượt ngưỡng, trái cây "tắm" trong hóa chất độc hại… Người tiêu dùng bị khủng hoảng khi liên tiếp nhận những thông tin về các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm bẩn tràn lan.
Trước vấn đề này, luật sư Lê Thiên, Chủ tịch HĐTV công ty Luật Lê và Liên Danh chia sẻ, Căn cứ theo Điều 317 Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định về Tội vi phạm quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm, hành vi vi phạm quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm bao gồm sử dụng chất, hóa chất, kháng sinh, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, phụ gia thực phẩm hoặc chất hỗ trợ chế biến thực phẩm mà biết là cấm sử dụng hoặc ngoài danh mục được phép sử dụng trong sản xuất thực phẩm mà sản phẩm trị giá từ 10.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm; ….
Với mức hình phạt cao nhất là phạt tù 20 năm. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Tuy nhiên, ông Thiên cho biết, “Các khung hình phạt của Điều 317 Bộ luật Hình sự 2015 chưa đánh giá đúng tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội của tội danh này. Vì thế việc trừng trị những người đã có hành vi phạm tội chưa đủ sức răn đe. Do đó, mức phạt cần nâng lên cao nhất tới tù chung thân, tử hình mới hợp lý”.
Bên cạnh đó, việc buôn bán thực phẩm bẩn ảnh hưởng rất xấu đến chính thương hiệu và hình ảnh của nhiều doanh nghiệp buôn bán thực phẩm trong lòng người tiêu dùng.
Do vậy, ông Thiên cho rằng cần phải xây dựng và bảo vệ tốt thưng hiệu của chính những sản phẩm trong nước.
“Để xây dựng và bảo vệ thương hiệu, chúng ta cần lựa chọn mô hình thương hiệu hợp lý và hình thành chiến lược tổng thể cho xây dựng và phát triển thương hiệu. Trước hết các doanh nghiệp cần phải lựa chọn cho mình một mô hình thương hiệu hợp lý, phù hợp với chủng loại hàng hóa kinh doanh và điều kiện thực tiễn của doanh nghiệp về tài chính, nhân lực, thị trường. Từ đó xây dựng chiến lược tổng thể xây dựng và phát triển thương hiệu. Với từng doanh nghiệp cụ thể sẽ cần những chiến lược phù hợp khác nhau tùy theo lĩnh vực hoạt động cũng như bối cảnh cạnh tranh với các đối thủ
Bên cạnh đó, tiến hành ngay việc đăng ký nhãn hiệu cả trong nước và quốc tế. Theo quy định của pháp luật sở hữu công nghiệp Việt Nam, trong số những người cùng nộp đơn cho cùng một nhãn hiệu, quyền bảo hộ được dành cho người nộp đơn sớm nhất. Điều đó có nghĩa là chỉ có đơn đăng ký được nộp sớm nhất tại Cục Sở hữu trí tuệ là được bảo hộ. Vì vậy, để giữ nhãn hiệu của mình không bị “đánh cắp” cần đăng ký nhãn hiệu càng sớm càng tốt.
Ngoài ra, thuê tư vấn đối với việc xây dựng thương hiệu hay kiểu dáng sở hữu công nghiệp nhằm giảm thiểu những rủi ro do tranh chấp sau này. Một điều dễ nhận thấy kinh phí bỏ ra để thuê dịch vụ tư vấn thiết kế, đăng ký nhãn hiệu bao giờ cũng rẻ hơn rất nhiều so với chi phí mà doanh nghiệp tự bỏ ra để làm xét về mặt tài chính, thời gian, công sức, cơ hội kinh doanh... đó là chưa kể đến chi phí thue luật sư trong trường hợp tranh chấp có thể phát sinh về sau”, ông Thiên kết luận.

Nguồn: Vinanet