Xóa bỏ từ 97% đến 100% dòng thuế nhập khẩu
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam, ngày 14/1/2019, Hiệp định CPTPP đã chính thức có hiệu lực với Việt Nam. Như vậy, Việt Nam đã trở thành quốc gia thứ 7 thực thi Hiệp định này. Ngoài hai hiệp định thương mại tự do (FTA) đa phương thế hệ mới là CPTPP và EVFTA thì các hiệp định FTA khác cũng được dự báo sẽ mang lại nhiều cơ hội thuế quan cho các DN thủy sản Việt Nam.
Các nước CPTPP cam kết xóa bỏ hoàn toàn từ 97% đến 100% số dòng thuế nhập khẩu đối với hàng hóa có xuất xứ từ Việt Nam, tùy theo cam kết của từng nước. Như vậy, gần như toàn bộ hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, trong đó có thủy sản XK vào các nước CPTPP khác sẽ được xóa bỏ thuế nhập khẩu hoàn toàn ngay khi Hiệp định có hiệu lực hoặc theo lộ trình.
Chẳng hạn, Australia, thuế về 0% ngay khi hiệp định có hiệu lực với tất cả sản phẩm thủy sản (thuế cơ bản vốn là 0% trừ cá ngừ sọc dưa chế biến HS160414 giảm từ 5% xuống 0%)
Canada, tất cả hàng thủy sản về 0% ngay. Trong đó, các sản phẩm thủy sản hun khói có lợi thế do thuế giảm từ 4% về 0%; Chile, sản phẩm thủy sản đều được giảm từ 6% về 0% ngay.
Mexico, một số sản phẩm giảm từ 10-20% về 0% ngay. Một số sản phẩm cá: hồi, rô phi, thu, giò, kiếm, tôm... giảm theo lộ trình 5-10 năm; New Zealand, tất cả sản phẩm thủy sản thuế về 0% ngay. (Một số sản phẩm surimi và cá hộp giảm từ 5% về 0%).
Nhật Bản, hầu hết sản phẩm chế biến đang chịu thuế cơ bản 4,8 – 10,5% được giảm về 0% ngay, trừ sản phẩm từ cá trích, cá thu có lộ trình 6 năm và sản phẩm có gạo có lộ trình 11 năm. Sản phẩm HS03 bao gồm cá ngừ vây xanh, cá ngừ mắt to, cá ngừ albacore, cá hồi, cá trích, cá thu, cá cơm, cá kiếm, cá tuyết, cá minh thái lộ trình giảm thuế 6 – 11 năm...
EVFTA: Thuế thủy sản về 0% trong vòng 3-4 năm
Cuối tháng 10/2018, Ủy ban châu Âu (EC) đã thống nhất thông qua việc trình lên Hội đồng châu Âu để chấp thuận ký chính thức Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) dự kiến vào cuối năm 2018 và trình Nghị viện châu Âu phê chuẩn đầu năm 2019. Nhiều chuyên gia phân tích cho rằng, ngành thủy sản sẽ hưởng lợi ngay khi EVFTA có hiệu lực khi 90% dòng thuế đánh vào các mặt hàng thủy sản xuất khẩu qua EU sẽ giảm về 0% trong 3 – 4 năm (mức thuế nhập khẩu vào EU hiện tại khoảng 14%).
Khoảng 840 dòng thuế suất cơ sở (chiếm 50% số dòng thuế) đối với sản phẩm thủy sản hiện đang mức từ 0-22% (trong đó phần lớn thuế cao từ 6-22%) sẽ giảm về 0% khi Hiệp định có hiệu lực; 50% số dòng thuế cơ sở còn lại từ 5,5-26% sẽ về 0% sau từ 3-7 năm. Riêng sản phẩm cá ngừ đóng hộp và surimi, EU dành cho Việt Nam hạn ngạch thuế quan lần lượt là 11.500 tấn và 500 tấn.
VJEPA: Có 64/330 dòng thuế về 0% ngay; 28 dòng thuế (chiếm 71% XK gồm tôm sú, tôm chế biến, ghẹ, cua…) thực chất về 0%, các dòng còn lại vốn đã 0% hoặc hưởng 0% theo GSP.
Có 8 dòng thuế có lộ trình 3 năm từ mức thuế MFN 3,5% - 7,2%, chiếm 8% XK thủy sản bao gồm động vật thân mềm, cá đông lạnh.
Năm 2019, hoàn thành lộ trình cắt giảm thuế - cơ hội cho DN tận dụng tốt hơn ưu đãi thuế 0% đối với tất cả các dòng sản phẩm thủy sản.
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản, để tận dụng được các cơ hội mà các FTA sẽ mang lại, các DN thủy sản cần nắm vững cam kết của Việt Nam; Tăng cường hợp tác giữa các doanh nghiệp, chú trọng liên kết chuỗi để nâng cao năng suất, chất lượng, kiểm soát tốt an toàn vệ sinh thực phẩm.
Nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp và sản phẩm xuất khẩu (đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng, kỹ thuật), nắm bắt thông tin quy định và rào cản thị trường để kịp thời ứng phó và đáp ứng.
Đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại tại thị trường các nước tham gia FTA, tăng cường truyền thông quảng bá sản phẩm thủy sản Việt Nam.
Đặc biệt, hiểu và áp dụng linh hoạt và trung thực quy tắc xuất xứ của các hiệp định FTA (chú ý hàng hóa phải đáp ứng quy tắc xuất xứ được quy định riêng cho mỗi FTA); Tìm kiếm và phát triển nguồn nguyên liệu trong nước, tại các đối tác FTA. Tận dụng tối đa ưu đãi về thuế quan (hiện nay tỷ lệ tận dụng thấp).
Nguồn: Baohaiquan.vn