Thiết lập một ASEAN hội nhập là trọng tâm của Tổng thể xây dựng Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC), trong đó trụ cột quan trọng là hướng đến một thị trường chung và cơ sở sản xuất thống nhất.

Thông qua đó mang lại cơ hội khai thác tiềm năng khu vực và hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế quốc tế cho các quốc gia thành viên, tận dụng tốt những cơ hội đó để mang lại lợi ích kinh tế cho mỗi quốc gia.

Đây là những nội dung được nhấn mạnh tại hội thảo “Định hướng giải pháp để doanh nghiệp tận dụng cơ hội từ cam kết hội nhập và Cộng đồng Kinh tế ASEAN” do Văn phòng Ủy ban hợp tác kinh tế quốc tế (Bộ Công Thương) phối hợp với Viện nghiên cứu phát triển, Trung tâm WTO Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức ngày 14/11.

Việt Nam trước vấn đề cạnh tranh nội khối

Theo lộ trình, AEC sẽ được hình thành từ ngày 31/12/2015, mang lại cơ hội phát triển sản xuất cho quy mô thị trường ASEAN, với 600 triệu người, GDP đạt 3.000 tỷ USD, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi để khai thác tiềm năng khu vực như tài nguyên, lao động…

Ông Nguyễn Trọng Hòa, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển Thành phố Hồ Chí Minh, cho rằng giai đoạn 2014-2015 là thời điểm nhiều cơ hội phát triển sản xuất, kinh doanh nhưng Việt Nam cần chuẩn bị những gì để tận dụng được các cơ hội này là vấn đề đặt ra hiện nay.

Điển hình, AEC giúp tăng cường khả năng thu hút đầu của khu vực ASEAN nói chung nhưng cũng tạo ra sự cạnh tranh nội khối giữa các nước trong khu vực, trong đó một số quốc gia sẽ mất lợi thế thu hút đầu tư do chính sách bảo hộ và nguồn đầu tư sẽ chuyển sang những nước có môi trường cạnh tranh hơn.

Phân tích về lợi thế của Việt Nam đối với các quốc gia thành viên ASEAN, ông Nguyễn Duy Kiên, đại diện Vụ thị trường châu Á-Thái Bình Dương, Bộ Công Thương cho rằng, hàng hóa Việt Nam sẽ có lợi thế cạnh tranh tại các thị trường Campuchia, Lào và Myanmar về giá cả và chất lượng, đặc biệt là cơ hội tiềm năng khi đầu tư vào các lĩnh vực bất động sản, phân phối, tài chính, sản xuất chế biến…

Tuy nhiên, để đẩy mạnh khai thác hiệu quả các thị trường Campuchia, Lào và Myanmar, Việt Nam cần nỗ lực vượt qua các rào cản do cơ chế, chính sách quản lý của các nước này còn nhiều bấp cập.

Đơn cử, hiện nay Myanmar là một trong những thị trường tiềm năng về thương mại, đầu tư, do năng lực sản xuất hiện tại của Myanmar chỉ đáp ứng khoảng 10% nhu cầu nội địa, trong đó các sản phẩm có tiềm năng như hàng tiêu dùng, vật liệu xây dựng, máy móc thiết bị, nguyên liệu nông- lâm sản cùng cơ hội đầu tư vào những lĩnh vực tài chính, ngân hàng, du lịch, viễn thông, sản xuất vật liệu xây dựng, lâm nghiệp…

Đây đều là những lĩnh vực thế mạnh của Việt Nam, tuy nhiên để khai thác tiềm năng thị trường Myanmar, Việt Nam cũng phải cạnh tranh gay gắt với nhiều quốc gia khác như Singapore, Indonesia, Thái Lan…

Còn nhiều thách thức

AEC là không gian kinh tế của 10 nước ASEAN, hướng đến thị trường chung với sự lưu chuyển tự do của hàng hóa, dịch vụ, đầu tư, lao động kỹ năng, đặc biệt là cho phép lưu chuyển tự do dòng vốn hơn hiện nay.

Bên cạnh đó, AEC hình thành một khu vực kinh tế cạnh tranh với những thể chế pháp luật hỗ trợ cạnh tranh bình đẳng, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, hệ thống cơ sở hạ tầng hiện đại, phát triển ứng dụng công nghệ thông tin.

Với vai trò trung tâm của ASEAN, AEC là công cụ hiệu quả để hội nhập sâu sắc và toàn diện vào các nền kinh tế toàn cầu, đồng thời hỗ trợ phát triển cân bằng thông qua chiến lược phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ, thu hẹp khoảng cách giữ các quốc gia thành viên.

Đánh giá về AEC, ông Nguyễn Sơn, Phó Chánh Văn phòng Ủy ban hợp tác kinh tế quốc tế (Bộ Công Thương) cho biết, AEC kế thừa và phát huy các thành tựu hợp tác và tự do hóa thương mại ASEAN đã đạt được. Trong đó, AEC được thiết lập dựa trên các Hiệp định Thương mại hàng hóa (ATIGA); Thương mại dịch vụ (AFTS); Đầu tư (ACIA); Thuận lợi hóa thương mại và đàm phán các Hiệp định khu vực tự do với một số đối tác khác.

Điển hình về thương mại hàng hóa, sáu nước thành viên cũ (ASEAN-6) loại bỏ hoàn toàn thuế quan vào năm 2015, nhưng hiện nay các nước này đã loại bỏ 99,4% số dòng thuế quan từ năm 2010. Các quốc gia Campuchia, Lào, Myanmar, Việt Nam được linh hoạt đến 2018 với 98,7% vào cuối lộ trình.

Tuy nhiên, đối với Việt Nam có 72% số dòng thuế 0% vào năm 2014 (riêng các ngành ô tô, xe máy và xăng dầu ở mức 3-5%); 90% số dòng thuế 0% vào năm 2015, còn lại 7% số dòng thuế sẽ linh hoạt đến năm 2018 và 3% được loại trừ miễn giảm thuế.

Trong lĩnh vực thương mại dịch vụ, cần quan tâm là có 9 gói cam kết về xóa bỏ các hạn chế cung cấp dịch vụ qua biên giới về tiêu dùng nước ngoài, từng bước dỡ bỏ những rào cản với hiện diện thương mại và di chuyển thể nhân. Trong đó, vấn đề có tác động trực tiếp đến lĩnh vự lao động là thỏa thuận công nhận lẫn nhau ở 7 lĩnh vực gồm dịch vụ kỹ thuật, điều dưỡng, kiến trúc, giám sát thi công, kế toán, du lịch.

Bên cạnh đó, AEC cũng cho phép sở hữu hơn 70% cho một số ngành ưu tiên như nông sản, du lịch hàng không, ô tô, điện tử, thủy sản, y tế, dệt may; đồng thời thuận lợi hóa thương mại trong AEC góp phần thúc đẩy nhanh quá trình kết nối hạ tầng, tiến đến cơ chế “một cửa ASEAN”.

Theo nhận định chung của các chuyên gia, AEC còn nhiều thách thức phía trước để hình thành vào cuối năm 2015 và chuyển sang giai đoạn thực thi, trong đó các nước thành viên ASEAN luôn phải nỗ lực phấn đấu trở thành một cộng đồng kinh tế thực sự hội nhập.

Thách thức đối với các nước thành viên ASEAN là hướng đến một khu vực hội nhập, cạnh tranh cao, năng động, toàn diện, đồng thời tham gia sâu vào phần còn lại của Đông Á và thế giới.

Nguồn: TTXVN