(VINANET) Thổ Nhĩ Kỳ là quốc gia nhập khẩu hàng Việt Nam lớn nhất khu vực Tây Á. 11 tháng năm 2014 kim ngạch xuất khẩu hàng hóa sang Thổ Nhĩ Kỳ đã đạt trên 1,38 tỷ USD, tăng trưởng 26,73% so với cùng kỳ năm 2013.

Là nước nhập khẩu lớn thứ 22 trên thế giới, Thổ Nhĩ Kỳ có nhu cầu nhập khẩu nhiều mặt hàng thế mạnh của Việt Nam để tiêu thụ tại thị trường nội địa, đồng thời tái xuất một phần sang các nước trong khu vực. Về chủng loại hàng hóa, hàng xuất khẩu từ Việt Nam sang Thổ Nhĩ Kỳ phần lớn là hàng công nghiệp và nguyên liệu sản xuất sản phẩm công nghiệp.

Trong 11 tháng năm 2014, điện thoại và linh kiện là nhóm hàng xuất khẩu nhiều nhất sang Thổ Nhĩ Kỳ, chiếm 46,9% trong tổng kim ngạch xuất khẩu, đạt 649,15 triệu USD, tăng trưởng 58,96% so với cùng kỳ năm ngoái. Nhóm hàng đứng thứ 2 là xơ sợi dệt chiếm 16,15%, đạt 233,37 triệu USD; tiếp sau đó là các nhóm hàng như máy vi tính, điện tử đạt 105,68 triệu USD, hàng dệt may đạt 62,1 triệu USD, máy móc thiết bị 42,88 triệu USD, cao su 32,3 triệu USD, giày dép 31,4 triệu USD…

Các nhóm hàng đạt mức tăng trưởng khá về kim ngạch trong 11 tháng gồm có: Phương tiện vận tải và phụ tùng tăng 116,14%; gỗ và sản phẩm gỗ tăng 67,66%; điện thoại các loại và linh kiện tăng 58,96%; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 56,93%...

Điều đáng chú ý là ngoài những mặt hàng truyền thống, năm 2014 chứng kiến sự vươn lên mạnh mẽ của nhiều mặt hàng xuất khẩu mới của Việt Nam sang Thổ Nhĩ Kỳ như linh kiện xe máy, cấu kiện nhà lắp ghép, thức ăn gia súc, đồ chơi, máy ảnh, máy quay phim... Dù giá trị xuất khẩu chưa cao song những mặt hàng kể trên đã góp phần làm đa dạng thêm cơ cấu các mặt hàng xuất khẩu vào thị trường này cũng như giúp cho các nhà cung cấp nhìn thấy cơ hội phát triển tại Thổ Nhĩ Kỳ.

Tập trung nhiều hơn cho mặt hàng nhựa

Ngoài các mặt hàng kể trên, nhựa cũng là một trong những mặt hàng rất có tiềm năng tại Thổ Nhĩ Kỳ bởi hàng năm thị trường này cần nhập khẩu trên 10 tỷ USD nhóm hàng nguyên liệu nhựa để đáp ứng nhu cầu sản xuất và tiêu dùng trong nước. Điều này tạo ra cơ hội lớn cho các nước xuất khẩu, trong đó có Việt Nam.

Theo Bộ Công Thương, do có lợi thế về sự ra đời muộn, sử dụng công nghệ tân tiến, nên sản phẩm nhựa của Thổ Nhĩ Kỳ khá đa dạng, được dùng trong lĩnh vực xây dựng, công nghiệp ô tô, đóng gói, dẫn nước, đồ dùng nhà bếp, trong nhà… đáp ứng được nhu cầu nội địa và quốc tế về chất lượng. Song, việc sử dụng nguồn nguyên liệu nội địa của Thổ Nhĩ Kỳ rất hạn chế, chỉ đáp ứng được khoảng 15-20% nhu cầu sản xuất và xuất khẩu (trong đó có đến 60% nhựa nguyên liệu được sản xuất trong nước dành cho xuất khẩu), còn lại phải nhập khẩu. Hiện nay, Thổ Nhĩ Kỳ đang nhập khẩu nhóm hàng nhựa từ hơn 100 quốc gia trên thế giới, trong đó 63% nhập khẩu từ Saudi Arabia, Đức, Bỉ, Hà Lan, Hàn Quốc, Tây Ban Nha, Italy, Pháp và Mỹ và Việt Nam.

Tuy nhiên, xuất khẩu nhóm hàng này của Việt Nam sang Thổ Nhĩ Kỳ vẫn chiếm tỷ trọng rất nhỏ trong tổng kim ngạch nhập khẩu nhóm hàng nguyên liệu nhựa của nước này, chỉ chiếm tỷ trọng trên 0,1% trong tổng kim ngạch nhập khẩu nhóm hàng này của Thổ Nhĩ Kỳ.

Bộ Công Thương cho rằng, để tận dụng tốt hơn cơ hội thị trường, doanh nghiệp Việt Nam cần nỗ lực chủ động hơn nữa trong việc nghiên cứu thị trường, xúc tiến thương mại, tìm kiếm đối tác… để gia tăng kim ngạch xuất khẩu nhựa sang thị trường đầy tiềm năng này.

Theo Bộ Công Thương, hai nền kinh tế Việt Nam và Thổ Nhĩ Kỳ có rất nhiều nét tương đồng, nhưng xét về tổng thể, Thổ Nhĩ Kỳ ở một trình độ sản xuất cao hơn. Một số ngành sản xuất đều được hai nước coi là thế mạnh, tập trung đầu tư, hướng tới xuất khẩu đặc biệt là các ngành sử dụng nhiều lao động như dệt may, da giầy, sản phẩm chất dẻo, sắt thép… Tuy nhiên, Việt Nam chiếm ưu thế xuất khẩu là do tận dụng tốt nguồn lao động dồi dào, chi phí nhân công thấp hơn.

Số liệu của TCHQ xuất khẩu sang Thổ Nhĩ Kỳ 11 tháng năm 2014. ĐVT: USD

Mặt hàng

 11T/2014

 11T/2013

 11T/2014 so cùng kỳ(%)

Tổng kim ngạch

       1.383.214.334

       1.091.480.470

+26,73

Điện thoại các loại và linh kiện

           649.145.106

           408.380.985

+58,96

Xơ sợi dệt các loại

           223.366.461

           291.646.303

-23,41

Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện

           105.682.457

             67.345.824

+56,93

Hàng dệt may

             62.093.322

             58.202.967

+6,68

Máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng

             42.876.354

             34.033.982

+25,98

Cao su

             32.295.937

             33.991.016

-4,99

Giày dép

             31.399.955

             28.280.044

+11,03

Gỗ và sản phẩm gỗ

             17.757.988

             10.591.792

+67,66

Phương tiện vận tải và phụ tùng

             13.763.736

               6.367.863

+116,14

Sản phẩm từ chất dẻo

             10.528.736

               7.867.854

+33,82

Hạt tiêu

               9.404.704

               8.048.506

+16,85

Chất dẻo nguyên liệu

               6.554.379

             11.531.310

-43,16

Hàng thuỷ sản

               6.448.283

               4.726.193

+36,44

Sắt thép

               6.124.402

               9.634.931

-36,44

Nguyên phụ liệu dệt may, da giày

               4.200.228

               6.250.624

-32,80

Sản phẩm từ cao su

               2.376.570

               4.093.254

-41,94

Gạo

               1.865.723

               3.142.093

-40,62

Chè

               1.245.422

               1.496.569

-16,78

Thủy Chung

Nguồn: Vinanet

Nguồn: Vinanet