Ngày 24/2, JETRO đã công bố kết quả khảo sát tình hình hoạt động của doanh nghiệp Nhật Bản tại châu Á và châu Đại Dương trong năm 2013. Việt Nam được các doanh nghiệp Nhật Bản tin tưởng tiếp tục mở rộng đầu tư, kinh doanh, coi là cứ điểm quan trọng.

Theo kết quả khảo sát, các doanh nghiệp Nhật Bản vẫn hoạt động khá hiệu quả tại Việt Nam. Có đến 60% doanh nghiệp được khảo sát cho biết họ có lãi trong năm 2013, tuy nhiên con số doanh nghiệp thua lỗ lại tăng 5,3 điểm phần trăm so với năm ngoái, ở mức 25,6%.

Nếu tính theo loại hình doanh nghiệp thì các doanh nghiệp chế xuất hoạt động tốt hơn, còn các doanh nghiệp sản xuất không gia công xuất khẩu đến trên 30% trả lời là thua lỗ. Nguyên nhân thua lỗ do các doanh nghiệp này hướng vào thị trường nội địa, đang ở khâu đầu tư trang thiết bị, hơn nữa còn do ảnh hưởng của nền kinh tế Việt Nam trong năm qua chưa thật sự tốt.

Khảo sát cũng cho thấy, các doanh nghiệp Nhật Bản có xu hướng mở rộng kinh doanh ở Việt Nam. Có đến 70% doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư vào Việt Nam được hỏi cho biết, họ có kế hoạch mở rộng kinh doanh và tiếp tục coi Việt Nam là cứ điểm quan trọng. Khoảng 90% doanh nghiệp cho rằng, lý do để họ mở rộng kinh doanh là tăng doanh thu. Đối với doanh nghiệp phi sản xuất, thì trên 60% số doanh nghiệp cho rằng lý do mở rộng kinh doanh là khả năng tăng trưởng cao và có tiềm năng.

Kết quả khảo sát tình hình hoạt động của doanh nghiệp Nhật Bản tại châu Á và châu Đại Dương năm 2013 được thực hiện với 9.371 doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư vào 20 quốc gia vùng lãnh thổ, trong đó nhận được kết quả trả lời hợp lệ từ 4.561 doanh nghiệp. Tại Việt Nam, kết quả trả lời hợp lệ thu được từ 435 doanh nghiệp. Việc khảo sát nhằm mục đích nắm rõ tình hình hoạt động của các doanh nghiệp Nhật bản tại châu Á, châu Đại Dương, từ đó giúp cải thiện môi trường đầu tư và giúp doanh nghiệp Nhật Bản triển khai hoạt động tại khu vực này được thuận lợi.

Môi trường đầu tư của Việt Nam được doanh nghiệp Nhật Bản đánh giá khá tích cực. Hơn một nửa doanh nghiệp được hỏi đánh giá cao "Quy mô thị trường, khả năng tăng trưởng" và "Tình hình chính trị -  xã hội ổn định" của Việt Nam. Trong cuộc khảo sát này của JETRO, Việt Nam xếp ở vị trí thứ 4 trong số 15 quốc gia có nguồn lao động dễ tuyển dụng. Tuy nhiên, các nội dung Việt Nam còn đứng ở vị trí thấp là: Phát triển công nghiệp hỗ trợ (chỉ 1,9% số doanh nghiệp được hỏi đánh giá tốt); Hạ tầng điện, giao thông, viễn thông đồng bộ (4,8%); Ít gặp trở ngại trong giao tiếp, ngôn ngữ (7%).

Đáng tiếc là trong số 5 hạng mục được cho là rủi ro cao khi đầu tư, thì Việt Nam đều "dính" phải, đó là:  Chi phí nhân công tăng vọt; Thủ tục hành chính; Chính sách của chính phủ không minh bạch; Chế độ thuế, thủ tục hải quan; Hệ thống pháp luật. Đặc biệt, hơn 60% số doanh nghiệp cho rằng, chính sách pháp luật, thủ tục hành chính, chế độ thuế và thủ tục hải quan, chi phí nhân công tăng là những vấn đề lớn đang gây bất lợi cho Việt Nam. Tỷ lệ các yếu tố này ngày càng diễn biến xấu đi so với kết quả điều tra năm 2012.

Đối với ngành công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam, kết quả khảo sát cho thấy có sự tiến bộ nhỏ khi tỷ lệ nội địa hóa trong sản phẩm đã tăng 4,3 điểm phần trăm so với năm 2012, đạt 32,2%. Tuy nhiên, con số này vấn còn là quá thấp so với các quốc gia trong khu vực, như: Trung Quốc (64,2%); Thái Lan (52,7%); Malaysia (42,3%); Indonesia (40,8%). Điều bất ngờ là tỷ lệ mua nguyên liệu từ các doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam lại tăng, đạt 42,6% (tăng 5,9 điểm phần trăm so với năm 2012), trong khi tỷ lệ mua từ các doanh nghiệp Việt Nam lại giảm xuống còn 41% (giảm 4 điểm phần trăm).

Theo ông Atsusuke Kawada, Trưởng đại diện JETRO tại Hà Nội, để nâng cao tính cạnh tranh về chi phí, thì việc tăng tỷ lệ nội địa hóa là vô cùng cần thiết. Việc này đòi hỏi không chỉ hỗ trợ doanh nghiệp nước ngoài mà cần hỗ trợ cả doanh nghiệp Việt Nam hoạt động trong ngành công nghiệp phụ trợ.

Cũng theo ông Kawada, để giúp các doanh nghiệp Việt Nam và Nhật Bản, hàng năm JETRO đều có tổ chức triển lãm về những nguyên, phụ kiện mà các doanh nghiệp Nhật Bản cần mua tại Việt Nam để tăng tỷ lệ nội địa hóa, cũng như lập danh sách các doanh nghiệp cung cấp nguyên, phụ kiện xuất sắc của Việt Nam có thể đáp ứng yêu cầu. Hàng năm, danh sách này đều được cập nhật, phát cho doanh nghiệp Nhật Bản để tham khảo. Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JAICA) cũng có chương trình theo cơ chế cho vay 2 bước đối với doanh nghiệp phụ trợ Việt Nam. Tuy nhiên, cũng không có nhiều vốn được giải ngân, mà nguyên nhân chính là do doanh nghiệp Việt Nam không đáp ứng được tiêu chí cho vay của chương trình để ra.

Nhật Bản hiện đang là nhà đầu tư hàng đầu vào Việt Nam. Tính lũy kế tính đến hết năm 2013, đã có 34,58 tỷ USD vốn đầu tư của Nhật Bản vào Việt Nam, trong đó riêng năm 2013 đạt 5,747 tỷ USD.

Nguồn: Báo Tài chính