Mới đây, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Liên minh châu Âu (EU), thông qua Chương trình Tăng cường năng lực đàm phán Hiệp định Thương mại tự do (FTA) cho ASEAN, đã tổ chức Diễn đàn đối thoại với chủ đề hội nhập kinh tế ASEAN-EU tại Hà Nội. Tại diễn đàn, các đại biểu đã chia sẻ nhiều ý kiến về quan hệ Việt Nam-EU trước vòng đàm phán FTA song phương đầu tiên giữa hai bên, dự kiến sẽ diễn ra vào tháng 10 năm 2012.

Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam với EU (FTA Việt Nam – EU) hoặc giữa ASEAN với EU chắc chắn sẽ đem lại cả cơ hội và thách thức cho các nước, đặc biệt là các nước đang phát triển như Việt Nam. Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU và Hiệp định thương mại tự do ASEAN - EU sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu các nước tăng trưởng mạnh. Đồng thời, nhờ FTA Việt Nam – EU, Việt Nam sẽ có cơ hội đón nhiều dòng vốn đầu tư từ châu Âu, nơi có nhiều tập đoàn công nghệ hiện đại hàng đầu thế giới.

Tuy nhiên, đối với các nước đang phát triển như Việt Nam, việc đàm phán hiện nay sẽ phải làm thế nào để có những ưu đãi linh hoạt nhất định và những ưu đãi đấy chỉ có thể đạt được thông qua quá trình đàm phán giữa hai bên... Nếu có đươc thông tin đầy đủ của doanh nghiệp cùng với hỗ trợ của các viện nghiên cứu có chất lượng và kỹ năng đàm phán của đoàn đàm phán chính phủ thì quá trình đàm phán của chúng ta sẽ đạt được những kết quả có lợi nhất cho Việt Nam.

Một số thách thức với doanh nghiệp khi ký kết Hiệp đị nh tự do FTA Việt Nam – EU.

Thách thức: những doanh nghiệp nào không chủ động, không làm tốt về nguồn nguyên liệu đầu vào cũng như năng lực quản trị thì họ sẽ bị loại khỏi cuộc chơi, đấy là một thách thức. Đó sẽ là quá trình sàng lọc và chỗ đứng sẽ chỉ dành cho những doanh nghiệp nào chủ động nỗ lực, nâng cao năng lực cạnh tranh.

Trong FTA có nhiều vấn đề về hàng rào kỹ thuật, như các xuất xứ, tiểu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm…Các doanh nghiệp đều phải chủ động làm thế nào đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường mà chúng ta có FTA. Nhưng để có thể tận dụng, khai thác được cơ hội, các doanh nghiệp phải chủ động tiếp cận thông tin xem xu hướng của nó như thế nào. Ví dụ, để vượt qua được những quy định về xuất xứ thì chúng ta phải nghiên cứu về nguyên vật liệu đầu vào, phải tham gia tốt vào chuỗi giá trị để vượt qua các rào cản kỹ thuật, các doanh nghiệp cần chủ động xây dựng hệ thống chất lượng của mình trong việc kết nối với các nhà cung cấp để đảm bảo có nguồn nguyên liệu đầu vào tốt nhất .


Các chuyên gia kinh tế đều có chung nhận định: EU là một thị trường lớn và rất nhiều tiềm năng cho doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam. Thị trường này rất đa dạng, từ những mặt hàng yêu cầu chất lượng tốt đến trung bình. Đó là cơ hội rất tốt cho các doanh nghiệp Việt Nam. Hơn nữa, nếu nhìn vào mặt hàng đều thấy xuất khẩu của Việt Nam sang EU tập trung khá nhiều vào một số mặt hàng truyền thống và có thế mạnh của Việt Nam như dệt may, da giầy… Ngoài ra, các doanh nghiệp có thể tìm kiếm thêm những cơ hội mới ở những mặt hàng mà chúng ta chưa khai thác.

Nguồn: Thông tấn xã Việt Nam