Với sức mua của người tiêu dùng tăng, số lượng các siêu thị mọc lên ngày càng nhiều tại Ma-rốc và Tuy-ni-di.

Thương vụ Việt Nam - Tại Ma-rốc, năm 2009 được đánh dấu bởi việc ký kết một thoả thuận giữa Carrefour và tập đoàn Label’Vie cũng như sự xuất hiện tập đoàn Thổ Nhĩ Kỳ BIM. Riêng trong năm nay, Ma-rốc sẽ có hơn 15 siêu thị mới mang thương hiệu Marjane, Acima hay Label’Vie. Còn tại Tuy-ni-di, tập đoàn số 1 Mabrouk (với các đại siêu thị Géant, chuỗi cửa hàng Monoprix) sẽ có thêm một đối thủ cạnh tranh mới là siêu thị Hyper U của tập đoàn Mhiri khai trương tại phía nam thủ đô Tunis vào năm 2011. Xa hơn một chút, tại TP Sfax, các tập đoàn Poulina và Bayahi, cổ đông của chuỗi cửa hàng Magasin Général cũng thông báo mở một đại siêu thị vào năm 2012. Trong danh sách các nước đầy tiềm năng trong lĩnh vực bán lẻ năm 2010, văn phòng Mỹ AT Kearney đã xếp Tuy-ni-di đứng ở vị trí 11 và Ma-rốc ở vị trí 15 trên 30 quốc gia. Với lần lượt tiến thêm 3 và 4 bậc, hai nước Maghreb này nằm trong số những thị trường đáng chú ý, trước cả Thổ Nhĩ Kỳ, Bun-ga-ri, thậm chí trước cả Nam Phi. Thế mạnh của Ma-rốc và Tuy-ni-di là có môi trường ít cạnh tranh và mức độ rủi ro thấp.

Sự phát triển của hệ thống phân phối lớn tại Ma-rốc (chiếm 12% GDP) và Tuy-ni-di (10% GDP) bắt nguồn từ nhiều yếu tố. Trước tiên là việc cầu nội địa tăng mạnh từ 10 năm qua nhờ sức mua liên tục tăng. Tại Tuy-ni-di, thu nhập của các hộ gia đình đã vượt 2600 euro vào năm 2009 và sẽ đạt 3635 euro vào năm 2014. Tương tự, ở Ma-rốc, thu nhập của các hộ gia đình cũng tăng 2,8% mỗi năm giai đoạn 2002-2008, đạt 3430 euros.

Sự mở rộng mạng lưới siêu thị cũng nhằm đáp ứng xu hướng phương tây hoá tầng lớp trung bình của người dân địa phương với lối sống hướng đến thú vui tiêu dùng. Ông Riad Laisaoui, phó tổng giám đốc tập đoàn Label’Vie cho biết: «Một trong những điểm mạnh của chúng tôi là tạo ra sự khác biệt so với các cửa hàng gia vị trong phố bằng cách đưa ra những sản phẩm có ít điểm chung hơn như rượu vang hay pho mát nhập khẩu».

Nếu như có sự cạnh tranh đối với các siêu thị thì sự cạnh tranh này trước tiên đến từ thương mại truyền thống, hiện vẫn chiếm tới 88% thị trường Ma-rốc và 80% tại Tuy-ni-di. Trong bối cảnh đó, giá vẫn là yếu tố quyết định để thu hút khách hàng. Số đông người tiêu dùng Ma-rốc vẫn mua sắm ở góc phố bởi khi cần, họ có thể được tạo điều kiện dễ dàng trong khâu thanh toán (chẳng hạn mua chịu).

Những rào cản khác như khó khăn trong việc xin giấy phép hành chính, thuê đất, tìm nhân công có tay nghề… cũng làm chậm quá trình phát triển hệ thống siêu thị, hạn chế việc thu hút vốn và kỹ năng quản lý của nước ngoài. Tuy nhiên, có vẻ như chính quyền địa phương đang quyết tâm giải quyết vấn đề này. Năm ngoái, Tuy-ni-di đã giảm bớt những quy định về thành lập các trung tâm mua sắm trong khi đầu năm 2010, Ma-rốc lại đưa ra kế hoạch hỗ trợ lĩnh vực phân phối lớn với tổng số tiền 3,4 triệu euro

Nguồn: thuongvuvietnam.com.vn

Nguồn: Vinanet