Phát triển bền vững khu vực sông Mekong; thúc đẩy mối quan hệ song phương với Malaysia và Bulgaria; tích cực tham gia vào các hoạt động ngoại giao đa phương là những dấu ấn nổi bật trong đối ngoại tháng 4.

Phát triển bền vững khu vực sông Mekong

Ngày 5/4, Hội nghị Cấp cao lần thứ 2 Ủy hội sông Mekong quốc tế đã khai mạc tại TP Hồ Chí Minh với sự tham gia của đoàn đại biểu cấp cao 4 nước thành viên, gồm: Campuchia, Lào, Thái Lan, Việt Nam và 2 nước đối tác đối thoại: Trung Quốc, Myanmar cùng đại diện các đối tác phát triển, quan sát viên.

Với chủ đề “An ninh nguồn nước, năng lượng và lương thực trong bối cảnh biến đổi khí hậu ở lưu vực sông Mekong”, Hội nghị đã góp phần vào nỗ lực của cộng đồng quốc tế nhằm tăng cường an ninh nguồn nước, năng lượng và lương thực.

Tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng bày tỏ tin tưởng, thông qua hợp tác, đối thoại trên tinh thần hợp tác Mekong sẽ góp phần giải quyết hiệu quả các thách thức liên quan đến an ninh nguồn nước, năng lượng và lương thực, đồng thời bảo đảm lợi ích chính đáng của nhân dân các nước trong lưu vực sông Mekong về phát triển kinh tế, an sinh xã hội và bảo vệ môi trường.

Hội nghị Ủy hội sông Mekong quốc tế lần thứ 2 đã thông qua "Tuyên bố TP Hồ Chí Minh" về "An ninh nguồn nước, năng lượng và lương thực trong bối cảnh biến đổi khí hậu ở lưu vực sông Mekong".

Dấu mốc mới trong quan hệ hợp tác với Malaysia và Bulgaria

Hoạt động đối ngoại tháng 4 đánh dấu bước tiến mới trong quan hệ giữa Việt Nam với hai đối tác quan trọng Malaysia và Bulgaria qua chuyến thăm chính thức của Thủ tướng Malaysia Najib Razak (từ ngày 3-5/4) và Thủ tướng nước Cộng hòa Bulgaria Plamen Oresharski (từ ngày 6-9/4) tới Việt Nam.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Malaysia Najib Razak đã nhất trí sẽ tiến tới đưa quan hệ hai nước lên tầm cao mới: Đối tác chiến lược, vì lợi ích của nhân dân hai nước, vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở châu Á-Thái Bình Dương và trên thế giới.

Hai nhà lãnh đạo nhất trí phấn đấu đưa kim ngạch thương mại hai chiều lên 11 tỷ USD trước năm 2015.

Trao đổi về Hiệp định Đối tác Kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP), hai Thủ tướng nhất trí sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ và ủng hộ lẫn nhau, thúc đẩy kết thúc đàm phán.

Sau buổi hội đàm, hai Thủ tướng đã chứng kiến lễ ký MOU về hợp tác nông nghiệp giữa Bộ NNPTNT Việt Nam và Bộ Nông nghiệp và Công nghiệp thực phẩm Malaysia.

Tại buổi hội đàm với Thủ tướng Bulgaria, hai nhà lãnh đạo hài lòng ghi nhận những phát triển quan trọng trong quan hệ Việt Nam-Bulgaria và nhất trí tăng cường hợp tác trên mọi lĩnh vực, nhất là kinh tế, thương mại, đầu tư, khoa học-giáo dục-đào tạo, văn hóa, du lịch, an ninh-quốc phòng.

Sau hội đàm, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Plamen Oresharski đã chứng kiến lễ ký một số văn kiện hợp tác song phương.

Vào giữa tháng 4, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã tiếp thân mật Đoàn đại biểu cấp cao Đảng Tiến bộ và Chủ nghĩa xã hội Morocco (PPS) do đồng chí Mohamed Nabil Benabdallah, Tổng Bí thư PPS, Bộ trưởng Nhà ở và Chính sách đô thị Vương quốc Morocco dẫn đầu sang thăm Việt Nam.

Cũng trong tháng này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã tiếp đón Đoàn nghị sỹ Mỹ do Chủ tịch Thường trực Thượng viện Mỹ Patrick Leahy dẫn đầu và Phó Chủ tịch Hạ viện Đức, bà Edelgard Buhlmahn.

Việt Nam nỗ lực vì một châu Á hòa bình, ổn định, hợp tác

Từ ngày 8-11/4, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã tham dự Hội nghị thường niên Diễn đàn Châu Á Bác Ngao 2014 tại Hải Nam, Trung Quốc và có bài phát biểu quan trọng tại Lễ khai mạc.

Trong bài phát biểu, Phó Thủ tướng nhấn mạnh tới việc tăng cường kết nối giữa các nền kinh tế và giữa các khu vực thông qua các khuôn khổ hợp tác như Cộng đồng ASEAN, Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) và các hiệp định thương mại tự do khác.

Đặc biệt, Phó Thủ tướng cho rằng tương lai châu Á và động lực tăng trưởng của châu Á chỉ có ý nghĩa khi môi trường khu vực hòa bình, ổn định, hợp tác. Việt Nam luôn nỗ lực hợp tác cùng các dân tộc, đối tác trên tinh thần và vì mục tiêu đó.

Một điểm nhấn khác trong quan hệ đối tác, hợp tác, chiến lược và toàn diện giữa Việt Nam và Trung Quốc là chuyến thăm Việt Nam chính thức của Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Đông Hồ Xuân Hoa.

Sau các cuộc tiếp xúc song phương với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Đông Hồ Xuân Hoa đã dự Hội thảo hợp tác kinh tế thương mại Việt Nam-Trung Quốc (Quảng Đông).

Trong khuôn khổ Hội thảo, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh và ông Hồ Xuân Hoa đã chứng kiến lễ ký kết các thỏa thuận hợp tác, hợp đồng thương mại và đầu tư trong các lĩnh vực nông sản, điện tử, viễn thông… với tổng trị giá trên 200 triệu USD.

Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh gặp đại diện các Quỹ đầu tư lớn của Anh. Ảnh: VGP

Tăng cường quan hệ với các quốc gia Châu Âu

Trong tháng 4 cũng đã diễn ra một số hoạt động ngoại giao nổi bật như: Chuyến thăm chính thức Thụy Điển và Vương Quốc Anh (từ ngày 9-18/4) của Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh và chuyến thăm chính thức Việt Nam của Bộ trưởng Ngoại giao Liên bang Nga Sergei Lavrov (ngày 15-16/4).

Mở đầu chuyến thăm chính thức Thụy Điển, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đã có các cuộc làm việc với Quyền Thống đốc Ngân hàng Trung ương Thụy Điển, bà Krestin Jochnick; Bộ trưởng Thị trường tài chính Thụy Điển Peter Norman; Bộ trưởng Thương mại và Hợp tác Bắc Âu của Thụy Điển Ewa Bjorling.

Phó Thủ tướng đề nghị Thụy Điển tích cực thúc đẩy sớm hoàn tất đàm phán Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU và công nhận quy chế kinh tế thị trường đối với Việt Nam cũng như kêu gọi Chính phủ Thụy Điển tiếp tục khuyến khích các tập đoàn của Thụy Điển tham gia đầu tư, kinh doanh tại thị trường Việt Nam.

Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Vương quốc Anh, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đã hội đàm với Bộ trưởng Ngoại giao Anh William Hague.

Phó Thủ tướng mong muốn Anh tiếp tục hỗ trợ ODA cho Việt Nam sau giai đoạn 2016; thông qua kênh đa phương, đề nghị Anh ủng hộ World Bank tiếp tục cung cấp vốn vay hỗ trợ hợp tác phát triển quốc tế (IDA) cho Việt Nam.

Bộ trưởng William Hague cho biết, Anh ủng hộ lập trường của Việt Nam trong giải quyết tranh chấp ở Biển Đông bằng các biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, đồng thời mong muốn Việt Nam ủng hộ việc đề cao các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế trong việc giải quyết tranh chấp ở các khu vực trên thế giới.

Sự kiện Bộ trưởng Ngoại giao Liên bang Nga Sergei Lavrov thăm chính thức Việt Nam đã đánh dấu bước phát triển mới trong quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Liên bang Nga.

Tại cuộc hội đàm giữa Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh với Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Lavrov, hai bên đã thảo luận các biện pháp thúc đẩy quan hệ song phương, đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế, thương mại, văn hóa, giáo dục, khoa học kỹ thuật và sự phối hợp giữa hai nước trên trường quốc tế.

Hai bên cũng đã ký kết Kế hoạch hợp tác giữa hai Bộ Ngoại giao giai đoạn 2015-2016 trong nỗ lực góp phần tăng cường quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Việt-Nga.

Ngoài ra, một hoạt động đối ngoại nữa ghi dấu vai trò của Việt Nam trong khu vực là sự kiện Đại tướng Phùng Quang Thanh, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng dẫn đầu đoàn đại biểu quân sự cấp cao Việt Nam tham dự Hội nghị không chính thức Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN và Hoa Kỳ trong các ngày 1-3/4.

Bộ trưởng Phùng Quang Thanh đề nghị Hoa Kỳ tăng cường chia sẻ thông tin cho Việt Nam cũng như các nước ASEAN, tăng cường giúp đỡ trong tham gia diễn tập về tìm kiếm cứu nạn trong khu vực ASEAN.

Các chuyến thăm chính thức của một số lãnh đạo nước ngoài tới Việt Nam trong tháng 4 như Huân tước De Mauley, Quốc vụ khanh phụ trách môi trường, thực phẩm, nông thôn Vương quốc Anh; Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Mông Cổ Damba GanKhuyag; Bộ trưởng Văn hóa Trung Quốc Thái Vũ; Viện trưởng Viện Kiểm sát Mông Cổ Dorligjav Dambii và Giám đốc Cơ quan bảo vệ môi trường Hoa Kỳ Gina McCarthy đã góp phần thúc đẩy quan hệ giữa Việt Nam và các nước.

Nguồn: chinhphu.vn

Nguồn: Vinanet