Ngày 23 tháng 4 năm 2015, Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Xây dựng tổ chức Hội thảo “Xuất khẩu xi măng hướng tới tăng trưởng bền vững” tại Hà Nội nhằm thảo luận về tình hình xuất khẩu xi măng, các vấn đề vướng mắc và đề xuất những giải pháp để thúc đẩy xuất khẩu xi măng trong thời gian tới.


Phát biểu khai mạc tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh cho biết: những năm gần đây, các doanh nghiệp xi măng Việt Nam đã liên tục mở rộng quy mô sản xuất và đầu tư nhiều dây chuyền công nghệ sản xuất tiên tiến, đưa Việt Nam trở thành một trong những nước sản xuất lớn về xi măng trong khu vực. Hiện Việt Nam không những đã đáp ứng tiêu thụ trong nước mà đã vươn ra xuất khẩu.

Sau nhiều năm phải nhập khẩu, từ năm 2010 Việt Nam đã xuất khẩu xi măng và clinker. Đến nay, sau 4 năm gia nhập nhóm các mặt hàng xuất khẩu, ngành xi măng đã xuất khẩu với mức tăng trưởng nhanh và ấn tượng, trở thành quốc gia xuất khẩu xi măng đứng đầu các nước Đông Nam Á. Năm 2014 kim ngạch xuất khẩu xi măng, clinker đã đạt mức 912 triệu USD tăng gần gấp 10 lần so với năm 2010 là năm đầu tiên Việt Nam tham gia xuất khẩu xi măng.

Con số này cho thấy sự nỗ lực cũng như cố gắng của các doanh nghiệp xi măng trong việc tiếp cận thị trường thế giới, tham gia hội nhập quốc tế theo xu hướng chung, đưa hoạt động xuất khẩu dần trở thành một kênh tiêu thụ quan trọng của ngành xi măng Việt Nam và thu được nhiều lợi ích từ hoạt động này.

Hoạt động xuất khẩu xi mang đang đi vào nề nếp; chất lượng sản phẩm đã dần ổn định hơn và được các thị trường nhập khẩu ghi nhận. Xuất khẩu xi măng đã đem lại hiệu quả thiết thực cho doanh nghiệp, góp phần bình ổn cho thị trường tiêu thụ, giúp giảm bớt gánh nặng cho tiêu thụ nội địa, đồng thời giảm lượng tồn kho, góp phần điều tiết lượng hàng của ngành, cân đối cung- cầu, chứ không là “giải pháp tình thế” như trước đây. Ngoài ra, với con số xuất khẩu gần 1 tỷ USD trong năm 2014, ngành xi măng đã góp phần vào tăng nguồn thu ngoại tệ và thu hẹp cán cân thanh toán của nước ta.

Tuy nhiên, hoạt động xuất khẩu của ngành xi măng nước ta được đánh giá là còn khá nhiều khó khăn và phát triển không bền vững. Doanh nghiệp xuất khẩu xi măng phần lớn là các doanh nghiệp nhỏ lẻ, quy mô và mức độ tập trung không cao, lại mới bắt đầu gia nhập thị trường quốc tế nên chưa có nhiều kinh nghiệm trong buôn bán thương mại quốc tế, cạnh tranh thương trường cũng như đáp ứng các quy định khắt khe của các nhà nhập khẩu.

Tại Hội Thảo, ông Lê Văn Tới, Vụ trưởng Vụ Vật liệu xây dựng- Bộ Xây dựng cũng giới thiệu tổng quan về ngành xi măng Việt Nam và vấn đề xuất khẩu. Những thuận lợi trong việc xuất khẩu xi măng của Việt Nam. Việt Nam có nguồn nguyên liệu sản xuất xi măng dồi dào và có chất lượng tốt cụ thể là trữ lượng trên toàn quốc dạng tài nguyên ước tính: đá vôi trên 32 tỷ tấn, đất sét xi măng trên 4,6 tỷ tấn, phụ gia làm xi măng trên 3,6 tỷ tấn. Việt Nam là đất nước có bờ biển dài, có lợi thế trong việc xuất khẩu. Tuy nhiên lợi thế này chưa được khai thác triệt để và hiệu quả, vì chúng ta chưa có cảng chuyên dùng để bốc dỡ sản phẩm xi măng, chưa có hệ thống loristics đảm bảo cho việc xuất khẩu hiệu quả.

Vì vậy chúng ta nên duy trì mức độ xuất khẩu hợp lý. Trong điều kiện bình thường, nước ta vẫn nên bố trí tỷ lệ xuất khẩu từ 10- 15% sản lượng xi măng tiêu thụ. Trong giai đoạn suy thoái chúng ta có thể xuất khẩu trên 20% sản lượng để điều tiết mà không lo ảnh hưởng đến nguồn nguyên liệu trước mắt và lâu dài.

Ông Trần Thanh Hải, Cục Phó Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương đã đưa ra một số giải pháp để xuất khẩu xi măng hiệu quả và bền vững: Các nhà hoạch định chính sách cũng như doanh nghiệp cần quan tâm đổi mới công nghệ sản xuất tiết kiệm chi phí nhiên liệu, ít gây ô nhiễm môi trường, nâng cao năng lực quản lý, áp dụng các giải pháp để tiết kiệm điện năng. Điều này có ý nghĩa lớn trong việc giảm chi phí, giá thanh cho sản phẩm, nâng cao chất lượng sản phẩm và năng lực cạnh tranh khi xuất khẩu cho doanh nghiệp; tiêu thụ xi măng cần đảm bảo hài hòa giữa tiêu thụ nội địa và xuất khẩu; các doanh nghiệp cần tăng cường công tác giám sát, kiểm tra chất lượng sản phẩm xuất khẩu, để đảm bảo rằng hàng hóa xuất đi luôn đồng đều, giữ chữ tín với nhà nhập khẩu.

Hiện nay, Việt Nam đã ký kết 8 Hiệp định thương mại tự do (FTA) với một số nước và khu vực và đang quá trình đàm phán, tiến tới ký 7 FTA tiếp theo. Các FTA này đều nhằm mục đích mở cửa thị trường cho các sản phẩm của Việt Nam thâm nhập sâu hơn vào các nước đối tác ký kết Hiệp định thông qua việc giảm thuế hoặc thuế suất bằng 0% khi xuất khẩu vào các thị trường này.

Một số tham luận của các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu xi măng đã nêu lên thuận lợi, khó khăn trong hoạt động phát triển thị trường, những đặc điểm trong công tác giao nhận và bán sản phẩm xi măng. Các doanh nghiệp cũng nêu lên những bài hoạc kinh nghiệm và kiến nghị cần thiết để xuất khẩu xi măng có tính ổn định và thu được lợi ích tối đa.

Các doanh nghiệp bảo hiểm, vận tải cũng nêu lên các giải pháp hỗ trợ, liên kết với doanh nghiệp xuất khẩu xi măng để giúp cắt giảm chi phí logistics, phòng tránh những rủi ro khi xuất khẩu xi măng sang các thị trường mới.

Để thúc đẩy hoạt động xuất khẩu xi mang trở thành một trong những lĩnh vực xuất khẩu chủ lực và có tính bền vững thu nhu cầu cấp thiết đặt ra là các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu xi măng cũng như các cơ quan quản lý nhà nước, hiệp hội, doanh nghiệp cần phối hợp chặt chẽ nhằm xác định một chiến lược phát triển xuất khẩu dài hạn và bài bản, tiến tới hợp tác, tạo sự đồng thuận giữa các nhà sản xuất, đơn vị xuất khẩu để tăng cường chất lượng sản phẩm, mở cửa thị trường, thúc đẩy xuất khẩu.

T.Nga
Nguồn: Vinanet
 

Nguồn: Vinanet