Năm 2007 có bước chuyển lớn trong đầu tư của Ấn Độ vào Việt Nam, với các dự án đầu tư của các tập đoàn Essar và Tata trong lĩnh vực sản xuất thép. Trong ASEAN, Việt Nam trở thành nước thu hút nguồn FDI lớn nhất từ Ấn Độ. Thời gian gần đây, các dự án sử dụng nguồn tín dụng của Ấn Độ đã và đang được triển khai ngày càng có hiệu quả hơn.
Đối với Ấn Độ, Việt Nam là đối tác truyền thống, gắn bó, tin cậy, đồng thời là thị trường nhiều tiềm năng cả về thương mại, đầu tư, khoa học công nghệ và năng lượng. Việt Nam là nước đầu tiên mà Ấn Độ đặt vấn đề ký Hiệp định thương mại tự do – FTA (từ năm 2001) và thiết lập quan hệ đối tác chiến lược (từ năm 2003).
Đối với Việt Nam, phát triển quan hệ đối tác chiến lược với Ấn Độ phù hợp với chủ trương đa phương hoá, đa dạng hoá quan hệ quốc tế của ta. Về kinh tế, Ấn Độ có nhiều tiềm năng trở thành thị trường lớn cho hàng xuất khẩu của Việt Nam. Tuy nhiên, giá trị thương mại giữa Việt Nam và Ấn Độ hiện còn ở mức khiêm tốn và cán cân thương mại vẫn nghiêng về phía Ấn Độ.
Tính đến nay, Việt Nam và Ấn Độ đã ký các hiệp định thương mại, hiệp định tránh đánh thuế hai lần và hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư. Kim ngạch buôn bán hai chiều giữa hai nước tăng 20-30%/năm trong giai đoạn 2001-2005: năm 2002 đạt 375 triệu USD (trong đó hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam sang Ấn Độ trị giá 53 triệu USD), năm 2003, con số đó tăng lên gần 500 triệu USD (xuất khẩu 35,8 triệu USD); năm 2004 đạt 667,05 triệu USD; năm 2005 đạt 697 triệu USD (xuất khẩu của Việt Nam chiếm khoảng 98 triệu USD) năm 2006 đạt 1,018 triệu USD (Việt Nam xuất khẩu 137,8 triệu USD); năm 2007 đạt 1,536 triệu USD. Năm 2008, Việt Nam - Ấn Độ phấn đấu nâng tổng kim ngạch thương mại hai nước lên 2 tỉ USD, về trước 2 năm so với mục tiêu của tuyên bố chung.
Ấn Độ là thị trường đang không ngừng mở rộng với dân số trên 1,1 tỉ người, có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao thứ hai ở châu Á. Thị trường Ấn Độ dễ tính nên hàng hoá Việt Nam có cơ hội thâm nhập. Thời gian qua, nhiều mặt hàng của Việt Nam thâm nhập tốt vào Ấn Độ là hạt tiêu, cao su, phần cứng vi tính và các mặt hàng điện tử, quế và gia vị, hàng dệt may... Việt Nam nhập khẩu từ Ấn Độ các sản phẩm y dược, hoá chất đã qua chế biến, nhiên  liệu nhựa dẻo, thảm trải sàn, máy công cụ, bông vải sợi sơ chế, thép...
Phân tích về triển vọng hợp tác giữa hai nước, các doanh nghiệp Việt Nam có thể tham gia vào nhiều lĩnh vực, từ công nông nghiệp, chế biến thực phẩm đến mỹ phẩm và dệt may. Điển hình là với tiềm năng to lớn về nguyên liệu và nhân công cùng kỹ thuật mới, ngành dệt may hai nước có đủ điều kiện kết hợp xây dựng những nhà máy liên doanh với tầm cỡ thế giới. Thị trường Ấn Độ vẫn còn mở rộng cửa cho ngành mỹ phẩm Việt Nam tham gia vào cả hai lĩnh vực đầu tư và thương mại.
Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ hiện đang triển khai các hoạt động xúc tiến kinh tế thương mại, du lịch tại một số bang và trung tâm lớn ở Ấn Độ, nhất là việc giới thiệu các tập đoàn kinh tế lớn của Ấn Độ vào làm ăn với Việt Nam. Phấn đấu nâng tổng kim ngạch thương mại giữa hai nước lên 2 tỉ USD ngay trong năm 2008, về trước hạn 2 năm so với mục tiêu đề ra trong tuyên bố chung.

Nguồn: Vinanet