Các nhà đầu tư từ EU là một trong những đối tác không thể bỏ lỡ khi xúc tiến đầu tư vào Việt Nam. Việc hình thành các khu công nghệ cao của Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh, Bình Dương… như đón đầu dòng đầu tư mang nội hàm chất xám cao từ EU đến.

Tác động đầu tư của EU vào Việt Nam

Tác động 1: Nguồn bổ sung vốn quan trọng đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế- xã hội và tăng trưởng kinh tế của Việt Nam

Đầu tư của EU góp phần phát triển một số ngành kinh tế kỹ thuật cao mà trong bước đi ban đầu Việt Nam đang thiếu và cần nhiều. Với sự tiến bộ nhanh về công nghệ thông tin, tại Việt Nam hiện nay,chúng ta đã có những sản phẩm mang dấu ấn của công nghệ châu Âu

Tác động 2: Góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao năng suất lao động

Đây là hệ quả của sự đóng góp năng lực sản xuất từ các cơ sở đầu tư của EU theo chuỗi năng suất, chất lượng và hiệu quả của những hàng hóa và dịch vụ.

Tác động 3: Thúc đẩy chuyển giao công nghệ

Đây là một trong những mục tiêu chính của việc thu hút đầu tư nước ngoài nói chung và EU nói riêng. Những cơ sở sản xuất của EU đầu tư vào Việt Nam gợi mở nhu cầu muốn tiếp nhận chuyển giao công nghệ hiện đại. Hình khối thiết bị không cồng kềnh, cơ sở chiếm diện tích, không gian không nhiều, nhưng công suất lại cao và chất lượng sản phẩm thì đạt tiêu chuẩn châu Âu. Quan trọng hơn là các cơ sở đầu tư của EU đã áp dụng phương thức quản lý tiên tiến của chính quốc – một trong những hình thức chuyển giao chất xám, nội hàm quan trọng của chuyển giao công nghệ.

Tác động 4: Góp phần để Việt Nam tiếp cận và mở rộng thị trường quốc tế, nâng cao năng lực xuất khẩu và hội nhập quốc tế

Bằng những sản phẩm của đầu tư, Việt Nam đã tăng năng lực xuất khẩu và hướng nhập khẩu vào những công nghệ tiên tiến.Đây chính là việc chuẩn bị tốt nhất về thế và lực để ta bước vào đấu trường lớn, vào sân chơi toàn cầu mà hội tụ ở các chỉ tiêu “Môi trường kinh doanh thuận lợi” và “Năng lực cạnh tranh cao”.

Tác động 5: Tạo việc làm, đào tạo nguồn nhân lực

Những lao động Việt Nam được tiếp nhận vào làm việc trong các cơ sở của EU đầu tư, chẳng những có thu nhập ổn định ở mức cao mà qua đó đã tiếp thu được kỹ năng quản lý, tác phong công nghiệp và nâng cao tay nghề.

Ngoài ra, phần lớn các doanh nghiệp có vốn đầu tư của EU tuân thủ tốt các tiêu chuẩn về môi trường của Việt Nam so với số đông các doanh nghiệp trong nước, và các doanh nghiệp do các quốc gia có nền công nghệ thấp đầu tư vào nước ta.

Tuy nhiên, ở khía cạnh khác, đầu tư của EU vào Việt Nam còn bộc lộ những điểm chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của EU, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam. Các nhà đầu tư của EU vào Việt Nam dường như vẫn chậm hơn về thời gian so với các đối tác đến từ châu Á. Cho đến nay chưa có quốc gia nào của EU thuộc nhóm đầu tư lớn nhất vào Việt Nam. Về số vốn và số dự án đầu tư, đầu tư của EU vẫn chưa thể vượt qua lượng đầu tư đến từ một vài quốc gia châu Á. Bên cạnh đó, lĩnh vực đầu tư còn dè dặt nhất là thông qua việc đầu tư để chuyển giao công nghệ tiền tiến cho Việt Nam. Điều này có ít nhiều ảnh hưởng tới nhịp điệu trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa của nước ta. Chính vì vậy mà cho đến nay, đầu tư của EU chưa giúp được nhiều cho nền công nghiệp nặng của Việt Nam như sản xuất máy cái, máy công cụ, thiết bị toàn bộ, dây chuyên công nghiệp sản xuất phụ tùng cho cơ khí, ôtô, điện tử…

Sửa đổi, bổ sung chính sách, khuyến khích, đẩy mạnh xúc tiến đầu tư, nhằm thu hút vào những mục tiêu trọng điểm như công nghệ cao, công nghệ điện tử, công nghệ thông tin, năng lượng mới, năng lượng tái tạo, các dự án phát triển đô thị mới hiện đại đạt quy chuẩn quốc tế… là những định hướng để Việt Nam thu hút đầu tư từ EU.

Định hướng mới

Thông qua việc tiếp nhận đầu tư trực tiếp từ EU cũng như các quốc gia khác, định hướng của thời kỳ phát triển chiến lược 2011- 2020 và những năm tiếp theo vẫn tiếp tục thu hút đầu tư nước ngoài với công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường và tăng cường liên kết với doanh nghiệp trong nước. Do vậy, chúng ta cần cải thiện môi trường đầu tư, thu hút đầu tư đa dạng, tranh thủ ngoại lực cho phát triển,khuyến khích đầu tư vào các ngành công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ công nghệ cao và các giải pháp công nghệ mới…, tham gia ngày càng nhiều, có hiệu quả vào những khâu và công đoạn có hàm lượng khoa học, giá trị gia tăng cao trong mạng sản xuất và phân phối toàn cầu.

Ngoài ra, định hướng phát triển của Việt Nam trong giai đoạn tiếp theo cũng tập trung đẩy nhanh tốc độ xây dựng cơ sở hạ tầng trong lĩnh vực năng lượng, cảng biển, mạng lưới giao thông kết nối từ các trung tâm kinh tế lớn đến các địa phương và trong mỗi địa phương. Việc phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật sẽ làm tăng sự hấp dẫn đối với các nhà đầu tư, tăng khả năng thu lợi nhanh hơn từ dòng vốn nước ngoài đã thu hút được, nhờ tăng thu từ dịch vụ vận tải, thương mại, tài chính, thông tin…

Việc tiếp tục cải cách hành chính, tạo lập môi trường đầu tư ngày càng thuận lợi theo “cơ chế một cửa”, đẩy nhanh quy hoạch đất đai, cải tiến thủ tục hải quan, nâng cao hiệu quả tính minh bạch của các thủ tục hành chính cũng sẽ tạo nên sức hấp dẫn nhất định.

Nhằm trang bị đội ngũ lao động đáp ứng được yêu cầu của các nhà đầu tư, chúng ta cần tăng cường đào tạo lại, đào tạo mới nguồn nhân lực, trong đó chú trọng phát triển nguồn nhân lực đầu đàn trình độ cao, đội ngũ thợ tay nghề giỏi cung ứng cho những dự án đầu tư trọng điểm.

Những giải pháp trên chính là chuẩn bị tốt, chủ động “nền tảng thể lực ” của kinh tế nước ta trước một cuộc “giao duyên” với nền kinh tế lớn, hùng mạnh như EU.

Nguồn: Báo Công Thương điện tử

Nguồn: Vinanet