Đức có 236 dự án FDI tại Việt Nam, kim ngạch xuất nhập khẩu song phương 8 tháng đạt gần 5 tỷ USD, nhiều thương hiệu tên tuổi với công nghệ hiện đại của Đức như Mercedes Benz, Siemens, Bosch, Adidas, Xella… đã xây dựng cơ sở ở Việt Nam ..

Về đầu tư

Tính đến nay, có khoảng hơn 300 DN Đức đang đầu tư tại Việt Nam với tổng vốn FDI khoảng 1,3 tỷ USD. Thống kê của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và đầu tư) cho biết, Đức đang có 236 lượt dự án FDI ở Việt Nam, xếp thứ 22 trong số 101 quốc gia và vùng lãnh thổ có hoạt động đầu tư trực tiếp tại Việt Nam.

So với các đối tác đầu tư khác của Việt Nam như Hàn Quốc, Nhật Bản … thì các con số nói trên không quá lớn. Nhưng điểm đáng kể tới là có nhiều thương hiệu tên tuổi với công nghệ hiện đại của Đức như Mercedes Benz, Siemens, Bosch, Adidas, Xella… đã xây dựng cơ sở ở Việt Nam. Đồng thời, nhiều công ty lớn của Đức cũng đang muốn tìm thị trường mới thay thế Trung Quốc.

Đức cũng là một trong những nước viện trợ ODA nhiều và thường xuyên cho Việt Nam. ODA của Đức tập trung chủ yếu vào 3 lĩnh vực: Hỗ trợ cải cách kinh tế, phát triển kinh tế bền vững; Chính sách môi trường, bảo vệ và sử dụng bền vững nguồn tài nguyên thiên nhiên bao gồm cung cấp nước và xử lý nước và rác thải; Y tế, kế hoạch hóa gia đình và phòng chống HIV/AIDS.

Về phía Việt Nam, các DN có vốn đầu tư trực tiếp sang Đức còn hạn chế do khó khăn về vốn và rào cản thương mại. Hiện một số DN Việt Nam đã bắt đầu có sự hiện diện ở Đức, như FPT, Vietinbank đã tạo cơ sở thanh toán cho các doanh nghiệp Việt Nam khi làm ăn tại Đức.

Một yếu tố thuận lợi mà các nhà đầu tư Việt Nam có thể được hưởng đó là cuộc cách mạnh công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra ở Đức, do đó sẽ có sự chuyển đổi giữa các ngành thế mạnh truyền thống tại đất nước này. Một quốc gia sẵn có cơ sở sản xuất hùng mạnh, đi đầu về công nghệ và lực lượng lao động có tay nghề cao như Đức sẽ là đích đến tiềm năng cho các nhà đầu tư Việt Nam.

Về xuất nhập khẩu

Theo thống kê của Hải quan Việt Nam, tính đến hết tháng 8/2014, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Đức đạt hơn 4,95 tỷ USD, đóng góp gần 2,6% vào tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước sau 8 tháng đầu năm.

Về xuất khẩu, 8 tháng đầu năm 2014, Việt Nam đã xuất khẩu sang thị trường Đức gần 3,32 tỷ USD, chiếm 3,4% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Trong đó, mặt hàng xuất khẩu chủ yếu bao gồm: Điện thoại, linh kiện chiếm 25,23%; hàng dệt may chiếm 15,77%; giày dép chiếm 11,3%; cà phê chiếm 10,1% và hàng thủy sản chiếm 4,76% …

Về nhập khẩu, kim ngạch hàng hóa nhập khẩu của Việt Nam từ Đức đạt hơn 1,63 tỷ USD, chiếm khoảng 1,7% tổng kim ngạch nhập khẩu. Mặt hàng nhập khẩu chính từ thị trường Đức gồm: Máy móc linh kiện chiếm 46,6%, dược phẩm chiếm 7,67%, sản phẩm hóa chất chiếm 5,7%, sữa và các sản phẩm từ sữa chiếm 2,27% ….

Như vậy, tính riêng 8 tháng năm 2014, Việt Nam đã xuất siêu sang Đức 1,69 tỷ USD, góp phần nâng cán cân thương mại Việt Nam đạt mức kỷ lục hơn 3 tỷ USD.

Có thể thấy, quan hệ thương mai Việt – Đức thể hiện rõ tính bổ trợ qua cơ cấu hàng hóa xuất nhập khẩu: Việt Nam xuất khẩu sang Đức linh kiện điện thoại, dệt may, da giày, thủy sản, cà phê... và nhập khẩu từ Đức máy móc, thiết bị, hóa chất...

Về các hiệp định thương mại song phương

Một lợi thế vị trí địa lý có thể kể đến là Đức nằm ở trung tâm EU, giáp biên với Pháp, Thụy Sỹ, Áo, CH Séc, Ba Lan, Bỉ, Lúc-xăm-bua và cách Việt Nam khoảng 11 giờ bay thẳng. Đây là một điểm đến hấp dẫn cho hàng hóa Việt Nam và thuận lợi cho hàng Việt Nam sang các thị trường Châu Âu khác.

Năm 2014, quan hệ thương mại Việt – Đức đã có bước tăng trưởng đáng kể nhờ hàng loạt các hiệp định quan trọng đã ký kết, gồm Hiệp định tránh đánh thuế 2 lần, Hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư, các hiệp định hợp tác hàng hải, hàng không.

Trong giai đoạn hiện nay, Việt Nam và EU đang nỗ lực khẩn trương kết thúc đàm phán Hiệp định thương mại tự do (FTA) đến cuối năm 2014. Đức là một trong những đối tác thương mại lớn của Việt Nam và là một trong những nền kinh tế dẫn dắt Châu Âu. Hiệp định FTA giữa Việt Nam – EU sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho hàng Việt Nam thâm nhập thị trường Đức cũng như thị trường các nước EU.

Nguồn: CafeF