Thực tiễn cho thấy, để tránh những vướng mắc và rủi ro trong kinh doanh XNK, doanh nghiệp Việt Nam cần lưu ý các vấn đề liên quan đến tìm hiểu thị trường đối tác, lựa chọn phương thức thanh toán,...

a/Tìm hiểu kỹ về thị trường, đối tác:

-Doanh nghiệp nên chủ động tìm kiếm thông tin thị trường, cơ hội kinh doanh với Rumani trên các trang web chính thức như trang www.vietnamexport.com, trang www.moit.gov.vn hoặc qua Vụ Thị trường Châu Âu - Bộ Công Thương cũng như liên hệ với Thương vụ - Đại sứ quán Việt Nam tại Rumani, hạn chế việc tìm kiếm và giao dịch với khách hàng qua các trang mạng internet.

-Hơn thế nữa, để hiểu rõ về tập quán và thực tiễn kinh doanh, tìm kiếm được các đối tác tin cậy và có tiềm năng, doanh nghiệp Việt Nam cần quan tâm đầu tư cho các hoạt động đi khảo sát thị trường, tiếp xúc doanh nghiệp, tham dự Hội chợ- Triển lãm…nhằm thiết lập các mối quan hệ hợp tác trực tiếp với các đối tác địa phương, giảm thiểu những rủi ro trong kinh doanh do thiếu thông tin về thị trường, bạn hàng hoặc do phải thông qua doanh nghiệp trung gian.

b/Lựa chọn phương thức thanh toán an toàn:

-Liên quan đến vấn đề thanh toán hàng xuất khẩu: ta nên đề nghị đối tác sử dụng Thư tín dụng (L/C) không hủy ngang mở tại các ngân hàng uy tín, đồng thời hạn chế cho khách mua hàng trả chậm. Hạn chế sử dụng hình thức thanh toán D/A (Document against Acceptance - nhờ thu chấp nhận chứng từ) bởi một khi áp dụng đề nghị hình thức thanh toán này, rất có thể doanh nghiệp xuất khẩu sẽ bị mất tiền, hàng.

-Nếu sử dụng hình thức thanh toán D/P (Document against Payement – Chấp nhận thanh toán khi giao chứng từ), doanh nghiệp Việt Nam cần phải kèm theo điều khoản yêu cầu tiền đặt cọc (deposit), tốt nhất là đàm phán với mức đặt cọc đạt từ 30% trở lên.

-Khi thanh toán hàng nhập khẩu: doanh nghiệp Việt Nam nên đàm phán với đối tác để không phải đặt cọc tiền hoặc nếu có chỉ phải đặt cọc với mức tối thiểu. Đối với những đơn hàng đầu tiên, chỉ nên mua với số lượng vừa phải.

c/Một số lưu ý khác:

-Việc kiểm định chất lượng hàng hóan xuất nhập khẩu (XNK) nên thông qua các công ty hoặc tổ chức giám định quốc tế có uy tín trước khi đưa hàng lên tàu (chẳng hạn như Văn phòng giám định Veritas, Công ty vận tải AGS Bucarest…).

-Khi ký kết hợp đồng XNK: doanh nghiệp Việt Nam nên lựa chọn những phương thức giao hàng thuận lợi (bán FOB, mua CIF), điều kiện thanh toán an toàn (yêu cầu mở L/C)… để tránh trường hợp đối tác không thanh toán hoặc không nhận hàng nhằm ép giảm giá.  

-Về chế tài: trong Hợp đồng ta nên đề nghị chọn Cơ quan giải quyết tranh chấp là Trung tâm Trọng tài quốc tế bên cạnh PTM&CNVN (VCCI) để làm cơ sở cho việc giải quyết các vướng mắc khi có tranh chấp phát sinh.

Hiện nay trên thế giới đang gia tăng xu hướng kẻ xấu sử dụng công nghệ tin học để lừa đảo chiếm đoạt tài sản, do vậy để tránh những rủi do nói chung trong giao dịch mua bán qua mạng, doanh nghiệp Việt Nam nên thận trọng và cảnh giác với các thủ đoạn của bọn tội phạm trong lĩnh vực tin học, cần áp dụng các biện pháp phòng ngừa như: tăng cường bảo mật đối với giao dịch trên mạng, chỉ sử dụng các địa chỉ thư điện tử chính thống trong giao dịch để hạn chế bị làm nhái địa chỉ, hạn chế những yêu cầu chuyển tiền thanh toán đến các tài khoản mà người hưởng thụ không phải là bên trực tiếp ký kết hợp đồng mua bán…

Nguồn: vietnamexport.com

Nguồn: Tin tham khảo