Trong bối cảnh cạnh tranh thu hút đầu tư nước ngoài trong khu vực và trên thế giới diễn ra gay gắt, hoạt động đầu tư nước ngoài tại Việt Nam đang gặp không ít khó khăn, thách thức.

Do đó, việc hoàn thiện hành lang pháp lý về đầu tư, kinh doanh là một nhiệm vụ trọng tâm trong việc thực hiện các giải pháp đồng bộ nhằm cải thiện môi trường đầu tư và nâng cao năng lực quản lý nhà nước về đầu tư nước ngoài.

Thông thoáng cấp phép, kiểm soát hoạt động

Với lý do trên, ngày 16/5, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp Đầu tư nước ngoài đã tổ chức Hội thảo “Định hướng nâng cao hiệu quả thu hút và sử dụng vốn đầu tư nước ngoài,” nhằm lấy ý kiến đại diện các cơ quan quản lý nhà nước, chính quyền các địa phương, các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài cùng các chuyên gia đóng góp hoàn thiện hai dự thảo Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư (sửa đổi).

Giáo sư, Tiến sĩ Khoa học Nguyễn Mại nhấn mạnh, việc sửa đổi, bổ sung Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp năm 2005 phải đặt trong bối cảnh nền kinh tế nước ta tuy đã có dấu hiệu phục hồi nhưng tốc độ tăng trưởng vẩn sụt giảm so với mức bình quân 7%- 7,5% đã đạt được và so với tiềm năng có thể khai thác, vì thế cần phải tạo ra một số đột phá theo yêu cầu cải cách thể chế, để khắc phục được những khiếm khuyết hiện tại, tạo tiền đề để phát triển kinh tế với tốc độ nhanh hơn và bền vững hơn.

Giáo sư Mại phân tích, Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp được hình thành theo nguyên tắc  “Doanh nghiệp được kinh doanh tất cả ngành nghề mà pháp luật không cấm hoặc không hạn chế”. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là vận dụng nguyên tắc này như thế nào trong việc quy định một số điều khoản có liên quan đến đầu tư và kinh doanh để thuận lợi cho doanh nghiệp, đồng thời bảo đảm hiệu năng quản lý nhà nước.

Bên cạnh đó, Giáo sư cũng nhấn mạnh, Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp cũng cần quán triệt phương châm “tự do hóa thương mại và đầu tư” trong hoạt động thương mại và đầu tư quốc tế có liên quan đến việc dỡ bỏ dần rào cản về thuế quan và phi quan thuế, hài hòa hóa thủ tục hải quan xuyên biên giới.

“Trên cơ sở đó, Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) phải xử lý đồng thời hai nhược điểm chủ yếu của Luật hiện hành, thứ nhất là chưa hình thành được hành lang pháp lý thông thoáng để tạo tiền đề cho doanh nghiệp được quyền tự chủ  thực hiện ý tưởng, sáng kiến trong kinh doanh và đầu tư. Thứ hai là còn nhiều kẻ hở về luật pháp nên vừa không bảo vệ được hành vi kinh doanh chân chính, vừa bị lợi dụng để tiến hành các hoạt động bất chính,” Giáo sư thẳng thắn trao đổi.

Ghi nhận ý kiến đóng góp,  Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Đỗ Nhất Hoàng đưa ra so sánh bằng hình ảnh rất sinh động, theo xu thế thế giới hoạt động cấp phép đầu vào thuận lợi và quản lý hoạt động sau cấp phép theo hình phễu. Tuy nhiên thực tiễn tại Việt Nam lại là hình phễu úp ngược, khâu cấp phép thì chặt chẽ trong khi khâu quản lý hoạt động nguồn vốn thì lại lỏng.

“Do đó, Việt Nam phải tạo ra sự thông thoáng thông qua cải cách thủ tục hành chính, cải thiện cơ sở hạ tầng, phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao… và phải đảm bảo tính đồng bộ,” ông Hoàng nói.

Giấy phép con vẫn còn cửa "sống"

Tại Hội thảo, các đại biểu tham dự ghi nhận sự cải thiện thông thoáng, minh bạch hơn từ hai dự thảo luật nói trên. Tuy nhiên, nhiều ý kiến vẫn cho rằng các quy định của Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) phải có các quy định cụ thể hơn để khuyến khích đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực công nghệ cao và tăng cường chuyển giao công nghệ, tạo sức lan tỏa lớn hơn đối với nền kinh tế, cũng như có các chế tài mạnh mẽ để đảm bảo pháp luật được thực thi hiệu quả.

Cụ thể, các nội dung được trao đổi tại Hội thảo tập trung các vấn đề về khái niệm doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, nhà đầu tư nước ngoài liên quan đến tỷ lệ sở hữu và thương quyền, bỏ quy định ngành nghề trong Giấy chứng nhận Đăng ký kinh doanh, tách Giấy chứng nhận đầu tư và đăng ký kinh doanh, các quy định hậu kiểm đối với doanh nghiệp và dự án đầu tư, bảo vệ cổ đông thiểu số trong Luật Doanh nghiệp, các quy định về ưu đãi đầu tư và bảo đảm đầu tư…

Bà Vũ Hương, Phó Tổng Giám đốc, Công ty Kiểm Toán Quốc Tế Ernst & Young Việt Nam đề cập đến những mặt hạn chế tại Luật Đầu tư (sửa đổi) như định nghĩa về nhà đầu tư nước ngoài có sự không thống nhất trong cách áp dụng giữa hai trường hợp nhà đầu tư thực hiện đầu tư trực tiếp hoặc thông qua liên doanh như nêu trên.

Bên cạnh đó, bà Hương cũng chỉ ra các quy định Áp dụng đối với công ty đại chúng, đăng ký thay đổi, đăng ký doanh nghiệp và cả quy định về địa điểm kinh doanh (yêu cầu hàng loạt các tài liệu, giấy tờ liên quan đến bên cho thuê đất...,) tạo ra danh mục hồ sơ cấp phép của nhà đầu tư ngày càng dài thêm một cách vô lý.

“Yêu cầu này là rất bất hợp lý, gây nhiều phiền toái cho nhà đầu tư và làm giảm đáng kể tiến độ cấp giấy phép đầu tư. Vì vậy chúng tôi đề xuất, Dự thảo luật nên làm rõ nội dung này để tránh tình trạng các cơ quan cấp phép địa phương yêu cầu nhà đầu tư cung cấp quá nhiều tài liệu không cần thiết và không thuộc phạm vi trách nhiệm của mình gây cản trở hoạt động đầu tư,” bà Hương kiến nghị.

Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Đặng Huy Đông, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, hoan nghênh các ý kiến đóng góp thiết thực và mang tính xây dựng, cũng như những đề xuất sửa đổi, bổ sung mang tính khả thi nhằm đưa các đạo luật mới đi vào cuộc sống. Từ đó tạo ra những bước chuyển biến mạnh mẽ trong hoạt động thu hút và quản lý đầu tư nước ngoài, tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư, doanh nghiệp tiếp cận thị trường và mở rộng hoạt động làm ăn chính đáng tại Việt Nam.

“Các ý kiến đóng góp của đại biểu trong Hội thảo sẽ được các Ban soạn thảo Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu vào các dự thảo luật để trình Chính phủ và Quốc hội,” Thứ trưởng nói.

Nguồn: TTXVN