Nằm trong khu vực sôi động của thị trường gỗ, đây là những thị trường không phải khó tính, mức bảo hộ thấp, điều này sẽ tạo điều kiện cho Việt Nam tiếp cận thị trường và tăng cường buôn bán các mặt hàng gỗ (kể cả sản phẩm gỗ và gỗ nguyên liệu) với các thị trường khác.
Sự phát triển mạnh mẽ của thị trường gỗ sẽ tác động đến việc hình thành, phát triển thị trường công nghệ, quan hệ hợp tác giữa các quốc gia xuất khẩu đồ gỗ, tạo điều kiện cho công nghiệp chế biến gỗ Việt Nam phát triển, tham gia vào thị trường công nghiệp chế biến gỗ khu vực và thế giới, nhất là đối với các quốc gia có điều kiện tương đồng.
Việt Nam là quốc gia có nhiều tiềm năng, lợi thế cho phát triển công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản:
-Việt Nam nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới, á nhiệt đới và một phần ôn đới ở khu vực núi cao. Đất nước lại chạy dài theo nhiều vĩ độ, hình thành nên nhiều vùng sinh thái khác nhau.Đặc điểm khí hậu này tạo ra sự đa dạng, phong phú cho rừng Việt Nam nói chung và về các chủng loại gỗ nói riêng, đồng thời cho phép tổ chức các hoạt động khai thác, chế biến quanh năm.
-Về quỹ đất phát triển lâm nghiệp: theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, về tổng quan sử dụng đất, diện tích đất hiện còn chưa sử dụng của cả nước là trên 12 triệu ha, trong đó có trên 7 triệu ha có khả năng phát triển sản xuất lâm nghiệp, hình thành các vùng nguyên liệu tập trung.
-Với nguồn lao động dồi dào, khéo léo, giá nhân công thấp, Việt Nam có nhiều lợi thế trong việc phát triển ngành công nghiệp chế biến gõo và mộc mỹ nghệ, ngành được coi là thâm dụng nhiều lao động. Trong sản xuất, gia công hàng đồ gỗ xuất khẩu, bên cạnh yếu tố công nghệ đảm bảo cho việc nâng cao năng suất, hiệu quả thì lao động thủ công chính là yếu tố tạo nên sự khác biệt, độc đáo cho sản phẩm.
-Chi phí sản xuất đồ gỗ của Việt Nam tương đối thấp, trong khi thị trường Mỹ hiện đang được coi là thị trường nhập khẩu đồ gỗ lớn nhất thế giới lại đang đánh thuế chống phá giá rất cao đối với mặt hàng đồ gỗ của Trung Quốc, đối thủ cạnh tranh chính của Việt Nam tại thị trường Mỹ. Đây là điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp chế biến gỗ Việt Nam tăng cường xuất khẩu vào Mỹ.
Bên cạnh những triển vọng, thuận lợi, ngành công nghiệp chế biến gỗ Việt Nam hiện cũng đang phải đối mặt với những thách thức không nhỏ.
-Thị trường gỗ thế giới luôn chịu sự chi phối lớn của các thương lượng mậu dịch quốc tế. Do vậy, ngành công nghiệp chế biến gỗ của Việt Nam sẽ phải đối mặt với mặt hàng gỗ của các thành viên trong tổ chức WTO cả ở thị trường trong và ngoài nước.
-Các lợi thế tương đối của ngành công nghiệp chế  biến gỗ, lâm sản Việt Nam sẽ bị hạn chế bởi các sản phẩm tương tự của các nước có điều kiện tương đồng trong khu vực; hạn chế đến khả năng tiếp cận thị trường các nước thuộc khu vực phát triển khác, đặc biệt sức ép cạnh tranh từ Trung Quốc, Đài Loan và các nước trong khu vực như Thái Lan, Indonesia, Malaysia... Chỉ tính riêng Trung Quocó đã có trên 50.000 cơ sở sản xuất với hơn 50 triệu nhân công và sản xuất với doanh số gần 20 tỷ USD/năm.
-Sự dao động về giá cả mặt hàng gỗ trên thị trường thế giới luôn ở mức độ cao và xảy ra thường xuyên, do sự nhạy cảm của mặt hàng này và do chính sách lâm sản của các nước xuất khẩu luôn thay đổi; trong đó, nguyên liệu gỗ thường có biên độ dao động cao hơn các sản phẩm gỗ chế biến (từ năm 2006 đến nay giá gỗ nguyên liệu thế giới đã tăng 40-100%/năm tuỳ từng loại). Trong khi khoảng 80% nguyên liệu của ngành công nghiệp chế biến gỗ Việt Nam (chiếm tới 60% giá thành sản phẩm hiện đang phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu. Điều này tác động rất lớn tới chi phí đầu vào, khả năng đáp ứng yêu cầu của khách hàng và khai thác năng lực sản xuất của các doanh nghiệp chế biến.
-Năng lực cạnh tranh của ngành công nghiệp chế biến gỗ Việt Nam còn yếu. Phần lớn  các doanh nghiệp chế biến gỗ chưa có sự chuẩn bị đầy đủ cho quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, thiếu chiến lược và các chính sách thích ứng để thâm nhập vào thị trường thế giới. Mức độ phổ cập thông tin liên quan đến WTO và các quy định quốc tế về quản lý khai thác, chế biến gỗ tới các doanh nghiệp còn thiếu và chưa đồng bộ.
-Chất lượng mặt hàng gỗ Việt Nam nhìn chung chưa cao; hiện mới chỉ có 200/2000 doanh nghiệp chế biến gỗ tại Việt Nam đạt tiêu chuẩn quốc tế. Mẫu mã sản phẩm đồ gỗ Việt Nam còn đơn điệu, chưa thật sự phong phú, đa dạng và còn lệ thuộc vào mẫu mã của nước ngoài, nên kém sức cạnh tranh. Nhiều doanh nghiệp, kể cả doanh nghiệp lớn vẫn chạy theo gia công, chưa chú trọng đến việc đầu tư công nghệ, đào tạo công nhân kỹ thuật có tay  nghề cao, thiếu các nhà thiết kế các sản phẩm gỗ mang bản sắc riêng nhưng có tính công nghệ cao.
-Một rào cản khác đối với ngành công nghiệp chế biến gỗ Việt Nam là năng suất lao động quá thấp. Hiện năng suất của ngành công nghiệp chế biến gỗ xuất khẩu Việt Nam chỉ xấp xỉ bằng 25% của châu Âu và chưa đến 50% của Trung Quốc. Mới chỉ có khoảng 30% lao động ngành chế biến gỗ Việt Nam được đào tạo bài bản, do vậy ngành có giá trị xuất khẩu dưới 10.000 USD/công nhân/năm, trong khi tại Trung Quốc là 16.000 USD, Malaysia là 17.000 USD. Mặc dù Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị ssố 19 từ năm 2004 đẩy mạnh phát triển các trường và trung tâm đào tạo chế biến gỗ nhưng đến nay vẫn chưa có đề án nào được chính thức thực hiện.
 

Nguồn: Vinanet