Trong những năm gần đây, thị trường khối ASEAN luôn được xác định là thị trường XK trọng điểm của TP.HCM với kim ngạch XK ngày càng tăng. Trong định hướng xúc tiến thương mại và đầu tư năm 2015 và các năm sắp tới, TP.HCM vẫn chú trọng vào khu vực thị trường này, trong đó tiếp tục đẩy mạnh XK hàng Việt Nam sang các nước Campuchia, Lào, Myanmar.

Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thị Hồng (phải) trao đổi với các DN tham gia hội chợ tại Campuchia năm 2014. Ảnh: ITPC Điển hình, tại Campuchia, từ năm 2010 đến nay, các hoạt động xúc tiến XK vào thị trường này vẫn được TP.HCM duy trì đều đặn bằng việc tổ chức hội chợ triển lãm Thương mại – dịch vụ - du lịch Việt Nam – Campuchia mỗi năm một lần nhằm hỗ trợ các DN xâm nhập, mở rộng thị trường, thiết lập các kênh phân phối sản phẩm Việt Nam cũng như trực tiếp giới thiệu sản phẩm đến tận tay người tiêu dùng Campuchia. Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, tổng kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Campuchia năm 2014 đạt gần 3,3 tỉ USD, trong đó XK từ Việt Nam sang Campuchia đạt 2,6 tỉ USD.

Theo nhận định của Trung tâm xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP.HCM (ITPC), kim ngạch XK của Việt Nam sang Campuchia vẫn chiếm tỉ trọng cao so với XK của Campuchia sang Việt Nam. Tuy nhiên, trong năm 2014, do tình hình chính trị tại Campuchia bất ổn, cộng với môi trường kinh doanh đầu tư chậm được cải thiện, tiềm ẩn nhiều rủi ro, thủ tục hành chính rườm rà, thêm vào đó là vấn nạn lừa đảo, gian lận thương mại trong kinh doanh và kêu gọi vốn đầu tư nên các DN Việt Nam vẫn chưa yên tâm làm ăn tại thị trường này. Sự cạnh tranh ngày càng gia tăng giữa hàng hóa Việt Nam với các sản phẩm tương tự của Thái Lan, Trung Quốc cũng gây khó khăn cho XK hàng hóa của Việt Nam sang thị trường Campuchia.

Tuy gặp phải không ít khó khăn nhưng bà Phó Nam Phượng, Giám đốc ITPC cho biết, Campuchia vẫn là thị trường trọng điểm và truyền thống của Việt Nam do vậy, không chỉ TP.HCM mà các địa phương khác cũng đang có kế hoạch đẩy mạnh xúc tiến XK vào thị trường này để giữ thị phần. So với hàng Thái Lan và Trung Quốc, hàng Việt Nam còn kém cạnh tranh về số lượng, mẫu mã và giá cả nhưng Việt Nam vẫn có phân khúc riêng được người Campuchia lựa chọn. Các sản phẩm bánh kẹo của Đức Phát, hàng thực phẩm chế biến của Vissan, Mỹ phẩm Sài Gòn bán rất chạy ở các thị trường Campuchia. 

Năm 2015, TP.HCM tập trung xúc tiến XK vào thị trường Tây Bắc Campuchia vì khu vực này khá đông dân cư, chính trị ổn định và đang thiếu hàng Việt Nam. “ Khu vực Tây Bắc Campuchia là khu vực giáp với Thái Lan, do khoảng cách khá xa nên các DN Việt Nam chưa đầu tư thích đáng vào khu vực này. Các mặt hàng Việt Nam bán tại đây chủ yếu mới chỉ có xà phòng, nước tẩy rửa, bánh kẹo, mì, bánh phở, miến khô... Tuy còn ít nhưng đã đáp ứng được yêu cầu tiêu dùng của người dân Campuchia. Nếu xúc tiến mạnh mẽ, đầu tư vận chuyển hàng hóa cùng với việc cải tiến mẫu mã thì hàng hóa của Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội chiếm được thị phần lớn tại khu vực này”, bà Phượng cho biết.  

Bên cạnh thị trường Campuchia, Myanmar cũng là thị trường trọng điểm trong chương trình xúc tiến XK của TP.HCM trong năm 2015. Ngay từ khi thị trường Myanmar mở cửa vào năm 2011 đến nay, ITPC đã liên tục tổ chức các hội chợ hàng Việt Nam chất lượng cao và nhiều chuyến đi khảo sát thị trường để DN tiếp cận nhanh thị trường này.

Sau những nỗ lực xúc tiến thương mại và đầu tư, kim ngạch XK của TP.HCM vào thị trường Myanmar đã tăng lên rõ rệt. Năm 2013 đạt 73,8 triệu USD tăng trên 136% so với năm 2012. Năm 2014 đạt 77,3 triệu USD, tăng gần 5% so với năm 2013. Bình quân tốc độ tăng kim ngạch XK của TP.HCM vào thị trường Myanmar trong giai đoạn 2012-2014 là trên 157%. Một số sản phẩm của Việt Nam đang tiêu thụ tốt ở Myamar là dây cáp điện Cadivi, bóng đèn Điện Quang, Mỹ phẩm Sài Gòn, nhựa Rạng Đông, Tôn Hoa Sen. Đặc biệt các sản phẩm nhựa của Việt Nam đã bán được vào các nhà máy của Myanmar.

Myammar đang là thị trường mục tiêu của nhiều DN sản xuất phân bón, đồ nhựa gia dụng, thực phẩm chế biến, điện công nghiệp, điện gia dụng, hóa mỹ phẩm, dược phẩm, vật liệu xây dựng... và các DN chuyên phân phối, xây dựng hệ thống bán lẻ. Ngoài ra, nhiều DN Việt Nam đã XK dịch vụ sang Myanmar. Một số dự án lớn của Myanmar đã có sự tham gia của các đối tác Việt Nam. Tuy nhiên theo bà Phó Nam Phượng, muốn kinh doanh tại Myanmar các DN không thể tính chuyện có lợi nhuận nhanh chóng mà cần có sự kiên nhẫn, nghiêm túc và đầu tư lâu dài.

Nguồn: baohaiquan.vn

 

Nguồn: Hải quan Việt Nam