Thời hạn chót hiện thực hóa Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) vào cuối năm 2015 đang đến gần và các công ty sẽ thay đổi chiến lược kinh doanh của họ như thế nào để nắm bắt các cơ hội mới từ một thị trường hội nhập hơn với hơn 600 triệu dân và tổng sản phẩm nội địa (GDP) trên 2.000 tỷ USD? Đâu là những rào cản chính và các công ty đa quốc gia có thể khai thác các đối tác khu vực và toàn cầu như thế nào để tăng trưởng thương mại?

Những câu hỏi trên là nội dung thảo luận chính của Hội thảo "Chiến lược ASEAN: Nắm bắt cơ hội khu vực mới" diễn ra tại Nhà châu Á (Asia House) ở thủ đô London (Anh) ngày 12/6, với sự tham dự của Tổng Thư ký ASEAN Lê Lương Minh đang ở thăm Anh cùng các diễn giả là các lãnh đạo doanh nghiệp, hãng kiểm toán của Anh, Đức, Mỹ, Nhật Bản... đã có nhiều năm kinh nghiệm đầu tư tại các nước ASEAN.

Tại hội thảo, Tổng Thư ký ASEAN Lê Lương Minh cho biết hơn 90% trong tổng số 506 biện pháp của AEC đã được thực hiện kể từ khi kế hoạch tổng thể AEC được chính thức hóa năm 2008. Bất chấp ảnh hưởng của suy thoái kinh tế toàn cầu, các nước ASEAN đã đạt được nhiều thành tựu kinh tế, đồng thời đã và đang sửa đổi, ban hành mới các chính sách để thực hiện mục tiêu chuyển đổi khu vực sang một thị trường và nền tảng sản xuất độc lập có sự lưu thông tự do hàng hóa, dịch vụ, đầu tư và lao động tay nghề cao.

Ông bày tỏ tin tưởng AEC sẽ được thành lập đúng hạn và việc thực hiện các biện pháp AEC gửi đi một tín hiệu mạnh mẽ rằng các nguyên tắc, khuôn khổ và biện pháp đang được thực hiện để từ đó khu vực có thể tiến tới một cộng đồng kinh tế đích thực.

Tổng Thư ký Lê Lương Minh cũng nói rằng bản thân việc xây dựng cộng đồng là một quá trình liên tục chứ không phải là một mục tiêu tĩnh, do đó đòi hỏi sự tái can dự liên tục trong bối cảnh toàn cầu tiến hóa không ngừng.

Hội thảo đã nghe các diễn giả như ông Min Yih Tan, Tổng Giám đốc phụ trách Bán lẻ toàn cầu và Chiến lược thương mại của Tập đoàn Shell; ông Klaus Landhaeusser, Phụ trách đối ngoại khu vực và quan hệ chính phủ của Tập đoàn Robert Bosch tại Đông Nam Á... chia sẻ kinh nghiệm làm ăn với các nước ASEAN, trong đó chú trọng việc chọn lựa đối tác, đào tạo nhân sự và làm việc với chính phủ nước sở tại để phát triển bền vững.

Diễn giả Landhaeusser đã nêu Việt Nam như một ví dụ điển hình mà Tập đoàn Robert Bosch chọn để mở rộng đầu tư nhờ yếu tố chính trị ổn định và có lực lượng lao động lành nghề.

Các diễn giả cũng chia sẻ quan điểm rằng không nên trông đợi AEC sẽ nhanh chóng trở thành một thực thể như thị trường chung châu Âu bởi trình độ phát triển của mỗi nước rất khác nhau và ASEAN cũng chưa đạt mức độ hội nhập khu vực như châu Âu. Các doanh nghiệp cần chuẩn bị sẵn sàng đối phó với những rào cản kỹ thuật, những tiêu chuẩn khác nhau ở mỗi nước.

Hội thảo cũng dành thời gian thảo luận về môi trường cạnh tranh đang nóng lên tại ASEAN cũng như cách thức quản lý của chủ doanh nghiệp trong một môi trường cạnh tranh ngày càng tăng về lao động, vốn và đầu tư.

Nguồn: vietnamplus.vn