Theo Vụ Thị trường châu Á – Thái Bình Dương (Bộ Công Thương), Đài Loan luôn được coi là một trong những đối tác quan trọng về thương mại và đầu tư của Việt Nam.

Đài Loan được biết đến là một nền kinh tế năng động với có quy mô hơn 23 triệu người tiêu dùng, tổng GDP đạt 474 tỷ USD và thu nhập bình quân đầu người là 20.364 USD. Trong 10 năm trở lại đây, Đài Loan luôn là một trong những khu vực có tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh, bình quân đạt 4,8%/năm.

Về cơ bản, các mặt hàng Việt Nam xuất khẩu sang Đài Loan gồm 3 nhóm chính: Nông lâm thủy sản, nguyên nhiên liệu và khoáng sản, công nghiệp chế biến.

Từ năm 2009 đến nay, cơ cấu xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Đài Loan đang có những chuyển biến tích cực theo hướng bền vững hơn. Tỷ trọng nhóm mặt hàng nguyên nhiên liệu và khoáng sản thô xuất khẩu giảm dần và nhóm mặt hàng công nghiệp chế biến và nhóm mặt hàng nông lâm thủy sản đã dần trở thành nhóm hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang Đài Loan.

Theo đó, tỷ trọng nhóm hàng nông lâm thủy sản trong tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam tăng từ 18,66% năm 2004 lên mức 20% năm 2012, nhóm nguyên liệu và khoáng sản giảm từ 0,99% xuống còn 0,3%, trong khi nhóm hàng công nghiệp chế biến tăng từ 35,28% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam lên 41,5% năm 2012.

Vụ Thị trường châu Á – Thái Bình Dương đánh giá: Đài Loan là thị trường nhiều tiềm năng với thị hiếu đa dạng, đồng thời đóng vai trò trung gian cho rất nhiều loại sản phẩm của Việt Nam sang các thị trường Âu, Mỹ và Đông Á.

Nhưng Đài Loan là một thị trường không dễ xâm nhập do chủ trương duy trì các tập quán thị trường trong nước và buôn bán với bạn hàng truyền thống. Bên cạnh đó, Đài Loan cũng áp dụng những tiêu chuẩn, quy định khắt khe về an toàn vệ sinh thực phẩm, kiểm nghiệm kiểm dịch, chính sách thuế và phi thuế đối với hàng nông lâm thủy sản nhập khẩu. Những quy định này cũng thường xuyên được điều chỉnh, sửa đối, gây không ít khó khăn cho các mặt hàng nông sản xuất khẩu của Việt Nam.

Để có thể khai thác hiệu quả tiềm năng của thị trường Đài Loan, tận dụng tối đa cơ hội nhằm thúc đẩy hoạt động xuất khẩu sang thị trường này, cùng với sự hỗ trợ về mặt chính sách của Nhà nước, Vụ Thị trường châu Á – Thái Bình Dương cho rằng, các doanh nghiệp Việt Nam cần phải chủ động nghiên cứu tìm hiểu thị trường, và quan trọng hơn là phải tự ý thức trong việc quản lý, nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng cường năng lực cạnh tranh, không chỉ để thỏa mãn những yêu cầu của đối tác nhập khẩu mà còn góp phần quan trọng trong việc nâng cao giá trị xuất khẩu.

(Theo BCT)

Nguồn: Internet