Việc tham gia mạnh mẽ của Việt Nam trên các sân chơi quốc tế và lộ trình cắt giảm thuế quan theo các hiệp định tự do thương mại FTA đã, đang và sẽ tác động tới hầu hết các ngành nghề từ nông nghiệp, công nghiệp tới dịch vụ của Việt Nam.

Hiệp định đối tác chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) và hiệp định tự do thương mại Việt Nam-EU dự kiến kết thúc đàm phán và ký kết trong năm nay cũng sẽ tạo nên những thay đổi mới.

Để làm rõ hơn về vấn đề này, phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Bá Toàn, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ Tài chính).

- Năm 2015 được cho là năm của các hiệp định thương mại và cùng với đó, hàng nghìn dòng thuế sẽ phải cắt giảm. Theo ông, việc tham gia mạnh mẽ vào các “sân chơi” quốc tế sẽ mang lại cơ hội cũng như thách thức gì cho nền kinh tế cũng như doanh nghiệp Việt Nam?

Ông Nguyễn Bá Toàn: Năm 2015 là năm của các hiệp định thương mại nhưng Việt Nam đã bắt đầu hội nhập ASEAN kể từ 15 năm trước (1999) và có gần 10 năm kể từ khi gia nhập WTO (2006).

Hội nhập quốc tế là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, trong đó thách thức lớn nhưng cơ hội còn lớn hơn để đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế. Trước khi quyết định đàm phán hiệp định thương mại tự do, Chính phủ cũng đã xây dựng các phương án cụ thể nhằm đảm bảo quyền lợi, lợi ích tối đa cho quốc gia.

Cơ hội, thách thức nhiều và thường đan xen nhưng trước hết là về thị trường, hiệp định thương mại tự do sẽ mở ra cơ hội tham gia các thị trường quốc tế và khu vực của FTA để tăng cường xuất khẩu hàng hóa, tạo điều kiện đẩy mạnh đầu tư, đổi mới công nghệ, tăng cường sức cạnh tranh.

Tuy nhiên, đây cũng là thách thức tạo thêm sức ép giá cả, cạnh tranh ngay tại thị trường trong nước.

Về thu ngân sách Nhà nước, nếu không vươn lên sẽ ảnh hưởng tới sản xuất kinh doanh, tới nền kinh tế và do đó sẽ tác động tới thu ngân sách Nhà nước.

Hội nhập kinh tế quốc tế cũng tạo cơ hội thu hút đầu tư trong và ngoài nước, chuyển giao công nghệ, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu tức là có thể khai thác hết các lợi thế so sánh của Việt Nam. Nhưng nếu không cải thiện môi trường đầu tư tốt như ổn định kinh tế vĩ mô, nâng cao nguồn nhân lực,… sẽ không tranh thủ được các cơ hội này.

Doanh nghiệp cũng có cơ hội nhiều để đổi mới, hạ giá thành, thu hút nhân lực, tiền vốn, tăng cường quản trị. Tức là tái cơ cấu doanh nghiệp và góp phần vào tái cơ cấu nền kinh tế.

- Năm nay, theo đúng cam kết Hiệp định khu vực mậu dịch tự do ASEAN (ATIGA), Việt Nam sẽ phải thực hiện cắt giảm sâu rộng các dòng thuế nhập khẩu từ các quốc gia ASEAN. Việc thực hiện lộ trình cắt giảm thuế giai đoạn 2015-2018, đã được Bộ Tài chính lên kế hoạch và triển khai như thế nào, thưa ông?

Ông Nguyễn Bá Toàn: Việt Nam đã hội nhập kinh tế quốc tế từ hơn 10 năm trước và quá trình xây dựng, thực hiện cam kết đã được tham vấn rộng rãi cũng như lấy ý kiến các Bộ, ngành, Hiệp hội, Tổng công ty và doanh nghiệp Việt Nam đã thực hiện đầy đủ cam kết.

Để triển khai thực hiện lộ trình cắt giảm thuế quan giai đoạn 2015-2018 thực hiện Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN, Bộ Tài chính đã ban hành thông tư số 165/2014/TT-BTC ngày 14/11/2014. Theo đó, lộ trình cam kết thực hiện của Việt Nam là sau 5-8 năm so với các nước, tỷ lệ xóa bỏ thuế quan năm 2015 là hơn 91%, năm 2018 là 98%; thuế suất bình quân năm 2014 là 1,7%, giảm về 0,8% năm 2015 và giữ trong 2016 và 2017, giảm về 0,06% năm 2018.

Lộ trình này đã tính từ nhiều năm nay, đây chỉ là giai đoạn thực hiện cuối và các biện pháp chính sách cũng đã tính toán để thực hiện lộ trình này. Đồng thời, công tác phổ biến, tuyên truyền đã làm rộng rãi, các doanh nghiệp đã biết về cam kết cùng với các biện pháp tranh thủ cơ hội và giản thiểu tác động tiêu cực.

- TPP hay FTA Việt Nam-EU dự kiến đều có mức độ ưu đãi thuế quan cao nhưng lộ trình ngắn hơn các hiệp định mà Việt Nam đã ký kết. Bộ Tài chính sẽ có những phương án chuẩn bị như thế nào để đón đầu hai hiệp định này trong thời gian tới?

Ông Nguyễn Bá Toàn: So với các hiệp định đã ký không thể nói lộ trình đối với hai hiệp định này là ngắn hơn hay dài hơn. Các hiệp định trước đã có lộ trình, còn hai hiệp định này đang đàm phám trong xu hướng chung hiện hay là lộ trình ngày càng được đẩy nhanh, đồng thời có tiếp nối những hiệp định trước nhưng có thể nói sẽ có thách thức lớn hơn.

Cùng với 8 hiệp định đã ký, đây là các đối tác quan trọng đối với nền kinh tế Việt Nam và nếu thực hiện thành công sẽ là bước tiến dài, đem lại những thay đổi về chất trong quá trình chủ động hội nhập kinh tế của Việt Nam.

Chính phủ hiện đã chỉ đạo các bộ, ngành tính toán, xây dựng kỹ phương án đàm phán và cân đối lợi ích trong quá trình đàm phán để đưa ra cam kết phù hợp.

- Giảm thuế nhập khẩu sẽ làm giảm nguồn thu ngân sách quốc gia. Tuy nhiên, hội nhập cũng có tác động hai chiều. Bài toán cân đối thu chi ngân sách được đặt ra như thế nào khi chúng ta có bước hội nhập mạnh mẽ hơn thưa ông?

Ông Nguyễn Bá Toàn: Về lý thuyết, giảm thuế nhập khẩu thì thu thuế nhập khẩu sẽ giảm. Trên thực tế, tỷ trọng thu từ thuế nhập khẩu trong tổng thu từ hoạt động xuất nhập khẩu giai đoạn trước hội nhập (2001-2006) là 30% và giảm xuống còn khoảng 20% giai đoạn sau hội nhập (2007-2014).

Tuy nhiên, thuế nhập khẩu chỉ là một trong 4 loại thuế thu từ hoạt động nhập khẩu. Cụ thể có thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng (VAT) và thuế bảo vệ môi trường. Trong 4 loại thuế này chỉ có thuế nhập khẩu là giảm theo cam kết.

Bộ Tài chính đã tính toán đến cơ cấu nguồn thu để đảm bảo thu ngân sách Nhà nước cho năm 2015 cũng như các năm từ nay đến năm 2020.

Trong quá trình xây dựng phương án, Bộ Tài chính đã tính toán việc xây dựng lộ trình phù hợp đối với từng mặt hàng như cam kết giảm thuế dài hơn đối với các mặt hàng mà đối tác có lợi thế cạnh tranh hay có kim ngạch nhập khẩu lớn.

Ngoài ra, Bộ cũng có các biện pháp chính sách tài chính để hỗ trợ doanh nghiệp.

- Dư luận hiện rất quan tâm giá ôtô-xe máy nhập khẩu sẽ diễn biến như thế nào từ năm 2015, ông có thể cho biết ý kiến về vấn đề này?

Ông Nguyễn Bá Toàn: Lộ trình về thuế nhập khẩu ôtô mà Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt sẽ giảm dần và xuống 0% vào năm 2018 (cụ thể 50% năm 2015; 40% năm 2016; 30% năm 2017; 0% năm 2018).

Theo lộ trình này, Bộ Tài chính đã ban hành các thông tư triển khai thực hiện cam kết cho giai đoạn 2015-2018. Về nguyên tắc khi thuế nhập khẩu giảm thì giá sẽ giảm, tuy nhiên, còn phụ thuộc vào khả năng đáp ứng điều kiện xuất xứ của ô tô nhập khẩu và cung cầu của thị trường.

Chẳng hạn như năm 2015 một chiếc ôtô nhập về giá CIF là 10.000 USD. Thuế suất thuế nhập khẩu 50% (theo cam kết) là 5.000 USD, thuế TTĐB 50% là 7.500 USD, thuế VAT 10 % là 2.250 USD. Như vậy giá chiếc ôtô lúc này sẽ là 24.750 USD.

- Xin trân trọng cảm ơn ông.

Nguồn: Vietnamplus.vn