Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN) được thành lập theo tuyên bố Bangkok ngày 8/8/1967. Mới đầu ASEAN có 5 nước tham gia là Indonesia, Malaysia, Singapore và Thái Lan. Năm 1984 kết nạp thêm Brunei. Năm 1992 Việt Nam và Lào trở thành quan sát viên. Ngày 28/7/1995, Việt Nam trở thành thành viên chính thức thứ 7. Năm 1997 ASEAN kết nạp thêm Lào và Myanma. Năm 1999 kết nạp Campuchia.

Tôn Hoa Sen - một trong những tập đoàn “đi tắt đón đầu” xu thế hội nhập trong khu vực

Những mốc thời gian quan trọng

Khi mới thành lập, mục đích chính là liên kết chính trị. Tuyên bố Kualalampua tháng 11/1971 thiết lập khu vực hòa bình, tự do và trung lập gọi là (ZOPFAN). Năm 1976, Hiệp ước Bali khẳng định 5 nguyên tắc cùng tồn tại Hòa bình (TAC). Cũng năm này, ASEAN bắt đầu chuyển sang hợp tác kinh tế và văn hóa, thành lập Ban thư ký ASEAN. Năm 1987, ASEAN sửa điều 14 và 18 của TAC để các nước ngoài khu vực có thể tham gia, thông qua Hiệp định khuyến khích và bảo trợ đầu tư ASEAN; Nghị định thư về mở rộng danh mục thuế ưu đãi (PTA).

Năm 1992, bằng tuyên bố Singapore ký Hiệp định CEPT về chương trình ưu đãi thuế quan tiến tới thực hiện Hiệp định giảm thuế nhập khẩu (AFTA). ASEAN quyết định họp Hội nghị Thượng đỉnh 3 năm 1 lần và thành lập Hội đồng AFTA cấp Bộ trưởng và các quan chức cao cấp (SEOM).

Từ năm 1995, ASEAN chuyển giai đoạn tập trung vào hợp tác và phát triển kinh tế. ASEAN rút ngắn AFTA từ 15 xuống còn 10 năm (ký hiệp định khung về dịch vụ AFAS). Năm 1996, Việt Nam bắt đầu tham gia CEPT/AFTA.

Năm 1997, đưa ra tầm nhìn ASEAN 2020. Năm 1998 ký Hiệp định khung về thuận lợi cho hàng hóa quá cảnh; Hiệp định khung về công nhận lẫn nhau; Hiệp định về khu vực đầu tư ASEAN. Năm 2000 ký sáng kiến hội nhập AIA. Năm 2001, tuyên bố Hà Nội về thu hẹp khoảng cách và sẽ thành lập cộng đồng kinh tế ASEAN.

Từ 2002 đến nay, ASEAN mở rộng và ký các Hiệp định Hợp tác kinh tế và thương mại ASEAN với Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn quốc, Úc, Newziland và Ấn độ. ASEAN trở thành trung tâm của sự hợp tác kinh tế và thương mại với châu Á và châu Úc.

Để chuyển sang giai đoạn mới ASEAN một mặt hoàn thành tiến trình cắt giảm thuế quan xuống 0 - 5% vào năm 2010 với 6 nước thành viên cũ và vào năm 2013 – 2017 với 4 nước thành viên mới trừ nhóm mặt hàng linh hoạt và đặc biệt như xăng dầu, thuốc lá… Thời kỳ này, các nước ASEAN ký các hiệp định ATIGA về hàng hóa, AFAS về dịch vụ, ACIA về đầu tư với mức tự do hóa ngày càng cao.

Từ năm 2002, ASEAN bắt đầu đàm phán Cộng đồng kinh tế ASEAN và Hiến chương ASEAN. Năm 2003, tuyên bố Bali II nêu những định hướng chiến lược lớn với mục tiêu thành lập một Cộng đồng ASEAN liên kết mạnh, tự cường vào năm 2020 với 3 trụ cột chính là: Hợp tác chính trị, an ninh, (Cộng đồng An ninh ASEAN - ASC); Hợp tác kinh tế (Cộng đồng kinh tế ASEAN - AEC); và Hợp tác xã hội văn hóa (Cộng đồng xã hội văn hóa ASEAN- ASCC).

Năm 2007, thông qua Hiến chương ASEAN và kế hoạch tổng thể về xây dựng Cộng đồng kinh tế ASEAN vào năm 2015.

Gia nhập Cộng đồng kinh tế ASEAN là thực hiện chủ trương của Đảng, nhằm đa phương, đa dạng hóa quan hệ, thực hiện Nghị quyết số 07-NQ/TW năm 2001 và Nghị quyết 22-NQ/TWnăm 2013 về Hội nhập quốc tế của Bộ Chính trị cũng như tầm nhìn xuyên thế kỷ trong lời kêu gọi gửi Liên Hiệp quốc năm 1946 của Bác Hồ. Có ASEAN mới có Tuyên bố về ứng xử các bên ở Biển Đông (DOC) với Trung Quốc, có diễn đàn Shangrila, có Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao và Quốc phòng, tăng thêm thế và lực ủng hộ độc lập và chủ quyền của chúng ta.

Về mặt kinh tế, tham gia ASEAN thu hút đầu tư lớn từ Singapore, Malaysia, Thái lan và các nước thành viên.

Về thương mại, khối ASEAN tăng trưởng liên tục từ 2003 đến 2014, kim ngạch buôn bán từ 8,8 tỷ USD (2003) tăng lên 42 tỷ USD (2014) - xấp xỉ 4,5 lần. Tháng 12/2015, AEC bắt đầu hoạt động sẽ tạo cơ hội mới có các thành viên, trong đó có Việt Nam. Với thị trường 600 triệu dân, GDP gần 3.000 tỷ USD, hàng hóa dịch vụ và đầu tư, lao động có tay nghề được tự do lưu chuyển, khu vực này sẽ tạo nhiều cơ hội mới cho các doanh nghiệp.

Kết thúc đàm phán AEC về nguyên tắc từ năm 2007, như vậy Việt Nam đã có 8 năm để chuẩn bị. Những thuận lợi thì đã thấy, song thành công hay không vẫn phụ thuộc vào nội lực và nỗ lực của tất cả doanh nghiệp, của Chính phủ và nhân dân ta.

Cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam

Khi thuế nhập khẩu về mức 0 - 5%, các doanh nghiệp cần có nhận thức chiến lược kinh doanh mới, sản xuất hàng hóa không phải chỉ cho trên 90 triệu người Việt Nam mà phải nghĩ ngay sản phẩm ASEAN trong AEC. Những doanh nghiệp đã thành công trong tầm nhìn và cách làm này như Vinamilk, Tôn Hoa Sen, Hoàng Anh Gia Lai, các xí nghiệp chế biến hải sản, cà phê, hồ tiêu.... Khó khăn và thách thức lớn sẽ đặt lên các doanh nghiệp nhỏ và vừa, họ vừa phải lo cạnh tranh trong nước, vừa phải lo cạnh tranh với nước ngoài khi hàng rào thuế quan bảo hộ không còn. Để tồn tại và phát triển, điều đầu tiên phải biết liên kết với nhau, tạo thành thị trường và bạn hàng của nhau. Đồng thời phải tạo được sự khác biệt của sản phẩm của mình, tạo sức cạnh tranh mới. Lúc chúng ta gia nhập ASEAN, không ít người quản lý và doanh nghiệp lo lắng băn khoăn. 20 năm qua đã có câu trả lời tích cực cho băn khoăn lo lắng đó. Kết thúc đàm phán AEC về nguyên tắc từ năm 2007, như vậy Việt Nam đã có 8 năm để chuẩn bị. Những thuận lợi thì đã thấy, song thành công hay không vẫn phụ thuộc vào nội lực và nỗ lực của tất cả doanh nghiệp, của Chính phủ và nhân dân ta. Chúng ta cần nâng cao năng lực cạnh tranh ở cả 3 cấp: Nhà nước, doanh nghiệp và sản phẩm. Chính phủ đang tích cực cải cách hành chính, giảm bớt thủ tục phiền hà như giảm thời gian khai và nộp thuế, thủ tục hải quan, thủ tục cấp phép....Tăng cường phổ biến và tuyên truyền một cách chi tiết đến từng dòng thuế, từng lĩnh vực, từng dịch vụ để doanh nghiệp và người dân biết chuẩn bị. Các doanh nghiệp phải nhanh chóng đầu tư công nghệ mới tạo ra sản phẩm cạnh tranh đi đôi với việc nghiên cứu và phát triển thị trường cho sản phẩm của mình. Đặc biệt phải nâng cao năng lực quản lý rủi ro, trình độ của cán bộ cả về ngoại ngữ và nghiệp vụ, chủ động nắm bắt thời cơ và vượt qua thách thức. Đối với Chính phủ, ngoài việc tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài đang làm ăn ở Việt Nam, đẩy nhanh tiến trình cổ phần hóa, cần có những hàng rào kỹ thuật để bảo vệ nền kinh tế phát triển bền vững không trái với các quy định đã cam kết và phù hợp với các thông lệ quốc tế.

Nguồn: Báo Công thương điện tử

Nguồn: Vinanet