Trong bối cảnh nền kinh tế thế giới còn nhiều khó khăn, thị trường xuất khẩu thu hẹp, nhiều giải pháp đã được Chính phủ, các bộ, ngành đưa ra để hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh xúc tiến đưa hàng vào phục vụ thị trường nội địa, gắn với cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam". Để thực hiện mục tiêu này, các doanh nghiệp cũng phải nghiên cứu kỹ lưỡng nhu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng nội địa để khai thác thật hiệu quả tiềm năng của thị trường này.

Khi thị trường xuất khẩu gặp khó khăn thì việc các doanh nghiệp quan tâm mở rộng thị trường trong nước, nhất là phương hướng đưa hàng về nông thôn, thực hiện nhiều chương trình khuyến mại để giúp tiêu thụ hàng và kích cầu tiêu dùng. Tuy nhiên, thị trường nông thôn chiếm 70% dân số cả nước cũng đặt ra thách thức không nhỏ cho các doanh nghiệp về chiến lược mẫu mã sản phẩm, giá cả. Chính sách kích cầu thị trường nội địa thông qua việc đưa hàng về nông thôn ban đầu đã phát huy hiệu quả tích cực. Tuy nhiên, số mặt hàng đưa về thị trường nông thôn chỉ 1/3 có thể đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng của người dân, như mặt hàng xà phòng, dệt may. Từ thực tế này, để chương trình thực sự thay đổi thói quen và lôi cuốn người tiêu dùng trong nước sử dụng hàng trong nước là cả một quá trình nỗ lực tiếp theo của các doanh nghiệp. Vụ trưởng Vụ Chính sách thị trường trong nước, Bộ Công thương Võ Văn Quyền cho biết, sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp để triển khai thêm nhiều loại hình hội chợ phục vụ nhu cầu tiêu dùng đa dạng tại thị trường trong nước. Bộ Công thương cũng chủ trương kết nối hệ thống phân phối trên toàn quốc để tổ chức các sự kiện như Tuần bán hàng Việt, Tháng bán hàng Việt có thưởng, có khuyến mãi... tạo thành một sự kiện chung có quy mô toàn quốc thay vì từng doanh nghiệp phải quảng cáo khuyến mại.

Chương trình xúc tiến thương mại của doanh nghiệp đang tận dụng khoảng trống ở thị trường nông thôn để phát triển thị trường. Doanh nghiệp chủ động dùng kinh phí xúc tiến thương mại để đưa hàng hóa về các huyện, vùng sâu, vùng xa. Mục tiêu là không tập trung nhiều vào việc phân phối qua hệ thống siêu thị, không bán lẻ trực tiếp, mà khảo sát và lấy hàng từ nhà sản xuất rồi đem trực tiếp về cung cấp cho các cửa hàng bán lẻ, các chợ. Cách phân phối này phù hợp với vùng nông thôn, mô hình kinh doanh chủ yếu là các cửa hàng tạp hóa nhỏ lẻ, chợ truyền thống. Ngoài ra, các doanh nghiệp còn đưa các mặt hàng thực phẩm chế biến thâm nhập vào siêu thị, cửa hàng trong các khu đô thị mới ngày càng nhiều để tiêu thụ; đồng thời mềm mỏng hơn trong chính sách giá và thương thảo với khách hàng. Tuy nhiên, số doanh nghiệp thực hiện theo hình thức này chưa nhiều do đang tiến hành nghiên cứu thị hiếu tiêu dùng để có hướng đầu tư phù hợp về sản phẩm, chất lượng, mẫu mã.

Nhiều chuyên gia dự đoán, sức tiêu dùng trong năm 2013 này chưa thể tăng do kinh tế vẫn còn khó khăn và người tiêu dùng chưa nới lỏng chi tiêu. Để kích cầu thị trường, không chỉ chú ý cung cách phục vụ để lấy lòng khách hàng, nhiều chuỗi siêu thị, trung tâm thương mại còn có kế hoạch dài hơi trong tình hình cạnh tranh bán lẻ ngày càng gay gắt. Do vậy chương trình xúc tiến thương mại nội địa cũng được các doanh nghiệp nghiên cứu lại để có thể đứng vững và cạnh tranh với các tập đoàn lớn của nước ngoài ở Việt Nam. Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TP Hồ Chí Minh (Saigon Coop) vừa đầu tư kinh phí 3 triệu USD trong chương trình xúc tiến thương mại nội địa để nâng cấp hệ thống công nghệ thông tin liên kết tất cả các siêu thị nhằm thống nhất cách quản lý để có thể điều hành hiệu quả, đầu tư trang bị hệ thống tổng kho, vận chuyển; tăng cường liên doanh với các đối tác liên quan đến vốn, sản xuất, đặt hàng... Đồng thời, Saigon Coop đã hỗ trợ kinh phí cho các doanh nghiệp Việt làm các chương trình quảng cáo hàng Việt trên phương tiện truyền thông và ngay tại siêu thị.

Chương trình xúc tiến thương mại quốc gia những năm gần đây cũng tập trung cho thị trường nội địa nhiều, như hỗ trợ cho các đợt đưa hàng về thị trường nông thôn, vùng biển đảo. Nhiều chương trình xúc tiến thương mại lồng ghép vào các lễ hội lớn đã thu hút nhiều doanh nghiệp tham gia. Các hội chợ miền biên giới mở ra đang tạo động lực cho kinh tế vùng biên, thúc đẩy giao thương phát triển mạnh mẽ. Tuy nhiên, cũng cần thực hiện hoạt động này mạnh hơn nữa trong năm 2013 này. Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải cho rằng, các phiên chợ nông thôn và biên giới giúp cho doanh nghiệp tiêu thụ hàng và người dân nông thôn có thể tiếp cận những hàng sản xuất trong nước thay vì phải mua qua trung gian mà chất lượng không bảo đảm.

Chương trình xúc tiến thương mại của các doanh nghiệp cũng cần phải tính đến việc điều tra tâm lý, hành vi mua sắm, nhận thức của người tiêu dùng về giá cả, chất lượng, kiểu dáng đối với một số ngành hàng đã có vị thế ở thị trường nội địa. Với kinh phí hạn chế nhưng nếu biết sử dụng hiệu quả thì doanh nghiệp có thể làm thay đổi nhận thức của người tiêu dùng, lôi cuốn người tiêu dùng nội địa đến với hàng hóa do doanh nghiệp Việt Nam sản xuất.

(Đại biểu Nhân dân)

Nguồn: Internet