Sự sụt giảm mạnh của kinh tế toàn cầu do hậu quả của dịch COVID-19 và tình trạng lao dốc của giá dầu mỏ đã để lại nhiều tác động trên phạm vi rộng đối với ngành sản xuất phân bón thế giới. Cho đến cuối tháng 6/2020, dịch COVID-19 đã khiến cho với ngành sản xuất phân bón ở nhiều nước phải cắt giảm sản lượng. Tuy nhiên, cho đến nay tác động theo hiệu ứng domino của đại dịch chỉ để lại những ảnh hưởng hạn chế đối với ngành sản xuất phân bón thế giới.
Đến cuối tháng 6/2020 nhìn chung thị trường phân bón toàn cầu đã được duy trì trong trạng thái ổn định. Từ khi trường hợp nhiễm COVID-19 đầu tiên bên ngoài Trung Quốc được xác nhận vào ngày 13/1/2020, đã không xảy ra tình trạng mất cân bằng cung cầu nghiêm trọng trên thị trường phân bón. đối với nhiều nhà sản xuất, các hợp tác xã, các đại lý phân bón và những người nông dân, hoạt động sản xuất kinh doanh vẫn diễn ra bình thường.
Mặt khác, nhiều nhà sản xuất phân bón đã được hưởng lợi nhờ chi phí nguyên liệu và năng lượng thấp, ngay cả các nhà sản xuất nhỏ cũng tiếp tục vận hành, thị trường không phải trải qua bất cứ sự cố thiếu nguồn cung nghiêm trọng nào.
Trung Quốc: Phục hồi hoạt động
Trung Quốc đã bắt đầu trở về trạng thái bình thường, hoạt động sản xuất ở tất cả các công ty sản xuất phân bón đã tăng trở lại. Các nhà máy phân lân bị đóng cửa trong tháng 1/2020 đã bắt đầu khôi phục sản xuất từ tháng 3, phần lớn những nhà máy này đã trở về vận hành bình thường trong tháng 4.
Trung Quốc là quốc gia tiêu thụ phân bón lớn nhất thế giới với mức tiêu thụ trung bình gần 50 triệu tấn/năm, đồng thời cũng là nước xuất khẩu urê hàng đầu thế giới.
Khi Trung Quốc bắt đầu bị phong toả do dịch COVID-19, tình trạng này đã dẫn đến những tác động lớn đối với ngành sản xuất phân bón, nhiều nhà máy phải cắt giảm sản xuất do thiếu nhân công. Hoạt động giao thông vận tải bị ngưng trệ cũng dẫn đến những ảnh hưởng lớn đối với toàn bộ chuỗi cung ứng, hàng tồn kho phân bón tăng cao.
Lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất trong ngành sản xuất phân bón ở Trung Quốc là sản xuất axit phốtphoric. Các cơ sở sản xuất phân bón tại tỉnh Hồ Bắc - tâm dịch COVID-19 - chiếm khoảng một phần ba tổng công suất axit phốtphoric toàn quốc. Vì vậy, từ chỗ là quốc gia xuất khẩu ròng DAP Trung Quốc đã trở thành quốc gia nhập khẩu ròng sản phẩm này.
Nhưng sau khi khống chế được dịch Trung Quốc đã nới lỏng các quy định về phong toả, dòng lưu thông tất cả các loại phân bón được khôi phục và đang trở về mức bình thường.
Sản xuất urê tại Trung Quốc ít bị ảnh hưởng hơn, do tỉnh Hồ Bắc chỉ chiếm khoảng 3% tổng công suất urê của cả nước.
Nga: Sản lượng phân bón tăng đột biến
Sự bùng phát của dịch COVID-19 ở tỉnh Hồ Bắc đã giáng một đòn mạnh vào trung tâm sản xuất phân bón của Trung Quốc, đồng thời tạo ra một làn sóng đơn đặt hàng cho các nhà máy phân bón ở miền Nam nước Nga.
Cùng với những sản phẩm khác, Nhà máy Lermontov tại vùng núi Bắc Capcadơ của Nga sản xuất khoảng 5000 tấn MAP/tháng. Nhà máy xuất khẩu 80% sản lượng của mình và tự xác định là nhà sản xuất sản phẩm chất lượng cao. Sản phẩm phân lân MAP của nhà máy có giá trung bình cao hơn 100 USD so với sản phẩm tương đương của Trung Quốc.
Đến tháng 2/2020, giám đốc Nhà máy Lermontov cho biết bộ phận kinh doanh của họ liên tục nhận được các cuộc gọi điện thoại đặt hàng. Kế hoạch giao hàng quý I đã phải tăng gấp đôi do nhà máy nhận được lượng đặt hàng lớn gấp hai lần sản lượng hiện tại của mình. Vì vậy, nhà máy đã tăng gấp đôi lượng giao hàng dự kiến trong quý I/2020. Trong số những khách hàng mới có cả những công ty kinh doanh phân bón lớn nhất trên thế giới.
Sự thay đổi đó diễn ra sau khi các công ty kinh doanh phân bón quốc tế trước đây dựa vào nguồn cung từ Trung Quốc thì nay phải tranh giành tìm nguồn hàng trên thị trường. Các nhà sản xuất phân bón Nga cho biết, họ đã nhận được rất nhiều đơn đặt hàng từ những khách hàng trong quá khứ không quan tâm đến sản phẩm của họ mà luôn lựa chọn sản phẩm rẻ tiền hơn từ Trung Quốc.
Khách hàng của các nhà máy Nga là những công ty kinh doanh phân bón ở Braxin, Mỹ và Mêhicô - những thị trường xuất khẩu đích quan trọng từ trước đến nay của ngành sản xuất phân bón Nga.
Nhu cầu phân bón trên thế giới đã tăng mạnh sau khi Trung Quốc áp đặt các biện pháp hạn chế sản xuất nhằm ngăn chặn sự lây lan của virut corona. Nhiều nhà máy tại tỉnh Hồ Bắc, nơi chiếm phần lớn sản lượng phân lân của Trung Quốc, đã phải tạm đóng cửa. Cụ thể, trong tháng 2/2020 các dây chuyền sản xuất chiếm khoảng 60% sản lượng phân lân của tỉnh này đã dừng vận hành. Lượng phân lân giao hàng từ Trung Quốc đã giảm khoảng 700.000 tấn. Công ty Mosaic tại Mỹ dự báo lượng phân lân thiếu hụt trên toàn cầu trong nửa đầu năm 2020 lên đến 2 triệu tấn.
Sự gia tăng nhảy vọt của nhu cầu phân bón cũng là hậu quả của chính sách cách ly ở các cảng biển trên toàn thế giới. Một lượng lớn tàu thuyền chở hàng đã không được phép ra vào các cảng.
Tác động của dịch ở những quốc gia khác
Khi virut corona tiếp tục lan truyền ra khắp toàn cầu, các ngành sản xuất nông nghiệp và công nghiệp đã có được những bài học kinh nghiệm từ Trung Quốc, chính phủ nhiều quốc gia đã đưa ra các biện pháp hỗ trợ cụ thể. Hoạt động vận chuyển phân bón qua biên giới các nước châu âu vẫn tiếp tục diễn ra nhưng với những biện pháp phòng dịch chặt chẽ nhằm bảo vệ lực lượng lao động.
Quốc gia tiêu thụ phân bón nhiều nhất ở châu âu là Pháp đã trải qua các tháng mùa xuân mà không phải chịu những tác động đáng kể về nguồn cung phân bón, mặc dù đôi khi xảy ra một số sự cố gián đoạn chuỗi cung ứng. Nhưng sau đó đã nảy sinh vấn đề thiếu nguồn thu tiền mặt đối với một số trang trại nông nghiệp. Đầu năm 2020 tuyết rơi nhiều, đến các tháng 4 và 5 lại xảy ra tình trạng khô hạn, vì vậy cây trồng vụ mùa thiệt hại nặng, nông dân ở nhiều nơi bị thất thu.
Nước Đức cũng phải chứng kiến cảnh nông sản không tiêu thụ được, chủ yếu do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Việc đóng cửa các quán cà phê, quán rượu và nhà hàng để phòng chống dịch đã khiến cho lượng tiêu thụ khoai tây chiên giảm mạnh, kéo theo sự sụt giảm 60% nhu cầu khoai tây ở Đức.
Tương tự như châu âu, dịch COVID-19 đã hoành hành khắp châu Mỹ La tinh vào đúng lúc mùa bón phân đang lên đến đỉnh điểm. Trước đó, nhu cầu phân bón tại khu vực vẫn ở mức cao, một lượng lớn phân bón đã được nhập vào Braxin và Achentina.
Xu hướng tăng ngắn hạn của giá phân bón
Trong tháng 1/2020, giá DAP bắt đầu đảo ngược xu hướng giảm liên tục từ tháng 9/2018 do sản lượng tại tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc, giảm 20-30%.
Khi dịch COVID-19 bắt nguồn từ Trung Quốc lan rộng ra thế giới, ngành nông nghiệp ở nhiều quốc gia khác đã bắt đầu nhận thấy toàn bộ tác động của virut corona nguy hiểm vào đúng thời điểm mùa bón phân, đặc biệt là những quốc gia ở Bắc Bán cầu.
Trong tháng 3/2020, nhu cầu đối với tất cả các loại phân bón đều ở mức cao, giá các sản phẩm phân bón duy trì ổn định và trong một số trường hợp đã tăng nhẹ.
Tuy đã có một số áp lực giảm giá hàng hóa trên thị trường quốc tế trong các tháng 4 và 5-2020, nhưng ngành sản xuất phân bón đã không phải chứng kiến sự sụt giảm giá mạnh như ở các thị trường hàng hóa liên quan khác (khí thiên nhiên, dầu mỏ, các sản phẩm hóa dầu).
Trong tháng 6, giá hầu hết tất cả các loại phân bón đều tăng. Nhưng đà tăng giá này đã chậm lại sau khi ngành sản xuất phân bón của Trung Quốc khôi phục hoạt động xuất khẩu.
Triển vọng thời gian tới
Tác động đầy đủ của đại dịch COVID-19 sẽ còn tiếp tục thể hiện ở một số lĩnh vực do vấn đề luồng tiền khan hiếm trong bối cảnh tiêu thụ nông sản gặp khó khăn vì các biện pháp phòng chống dịch.
Làn sóng lây nhiễm virut corona lần thứ hai đang quét qua nhiều nước với nền kinh tế đã ở trong tình trạng kiệt quệ sau làn sóng dịch COVID-19 đầu tiên. Trong bối cảnh đó, triển vọng thị trường trong thời gian tới ẩn chứa rất nhiều yếu tố bất ổn.
Những dao động về tiền tệ, bất ổn chính trị và tình trạng thất nghiệp tràn lan cả ở những nước phát triển cũng như những nước đang phát triển chắc chắn sẽ còn để lại hậu quả trong nhiều tháng sắp tới. Hơn nữa, ngành sản xuất phân bón đang phải lo ngại về tình trạng cung vượt cầu sắp tới do những nhà máy mới sẽ đi vào vận hành trong năm 2020. Nhưng trong bối cảnh của dịch một số dự án đó có khả năng sẽ bị hoãn lại hoặc chuyển sang năm 2021.
Công nghiệp Hóa chất số 11/2020

Nguồn: dap-vinachem.com.vn