Đậu tương có thể sẽ tiếp tục đà giảm sau phiên báo cáo
Bước vào phiên giao dịch đầu tháng 10, giá đậu tương mở cửa vẫn tiếp tục duy trì đà giảm sau khi trải qua phiên đầy biến động hôm qua. Vẫn là đặc trưng vào những thời điểm báo cáo quan trọng được công bố, thị trường không khỏi bất ngờ trước những diễn biến tăng giảm đột ngột của giá nông sản. Trong báo cáo Cung – cầu tháng 9, tác động “bearish” từ số liệu thể hiện rõ ràng qua phiên rơi mạnh nhưng đà giảm không duy trì mà những phiên sau đấy, giá đậu tương nhanh chóng hồi phục trở lại. Điều này đặt ra câu hỏi là liệu giá có tăng trở lại không hay tác động từ báo cáo Tồn kho quý sẽ vẫn kéo dài khiến đậu tương bước vào nhịp giảm mới.
USDA đã tăng diện tích thu hoạch thêm 100,000 mẫu và năng suất cây trồng lên mức 51 giạ/mẫu khiến cho sản lượng tăng vọt 81 triệu tấn so với ước tính trước đó. Đây là nguyên nhân khiến cho tồn kho cuối niên vụ 20/21 tăng mạnh lên mức 256 triệu giạ. Mặc dù con số này vẫn thấp hơn 51% so với niên vụ trước nhưng cũng cho thấy được nguồn cung đang dần nới lỏng hơn. Không những thế, triển vọng nhu cầu cũng thấp hơn khi doanh số xuất khẩu trong tuần của Mỹ chỉ đạt hơn 1.09 triệu tấn, thấp hơn một nửa so với lượng hàng trong cùng kì năm ngoái. Trung Quốc đang nhập khẩu chậm lại do số lượng đàn lợn của nước này ước tính sẽ giảm xuống để kiểm soát giá đầu ra của ngành chăn nuôi trong bối cảnh giá nông sản làm nguyên liệu TĂCN vẫn đang ở mức cao. Điều này cho thấy áp lực giảm của giá đậu tương không chỉ đến từ nguồn cung mà còn bị ảnh hưởng do nhu cầu thế giới.

Sở Giao dịch Hàng hoá Việt Nam (MXV) tổng hợp
Khánh Linh
 
Bước sang tháng mới, rủi ro điều chỉnh ngày càng tăng đối với thị trường dầu
Giá dầu nhích nhẹ trở lại sau một phiên giao dịch biến động. Cụ thể, giá WTI tăng 0.27% lên 75.03 USD/thùng, giá Brent tăng 0.28% lên 78.31 USD/thùng.
Thị trường đã rơi trở lại vào trạng thái tìm hướng đi mới, khi các nhà đầu tư giằng co giữa triển vọng OPEC+ tăng sản lượng trong khi Trung Quốc tìm mọi cách để giải quyết tình trạng thiếu hụt năng lượng. Rủi ro trên thị trường ngày càng cao khi giá duy trì ở mức 79-80. Đặc biệt khi USD tiếp tục duy trì ở mức đỉnh 1 năm.
Thực chất, theo dự báo của Cơ quan Quản lý Thông tin Năng lượng EIA đưa ra trong đầu tháng 9, tình trạng thiếu hụt nguồn cung sẽ giảm dần trong cuối năm.
Các dự đoán về mất cân bằng cung-cầu hiện tại được dựa trên kỳ vọng về mùa đông lạnh, dẫn đến gia tăng nhu cầu của than, dầu và khí tự nhiên để chạy máy phát điện. Tuy nhiên sẽ cần thêm thời gian để xác nhận lại dự đoán này. Sang tháng 10, nếu nhiệt độ cao hơn bình thường, giá khí tự nhiên có thể điều chỉnh giảm và kéo theo giá dầu đi xuống.
Bên cạnh đó là rủi ro đến từ các đối tác, đặc biệt là Mỹ. Năm 2020, nước Mỹ đã trở thành nước xuất khẩu ròng dầu thô và các sản phẩm từ dầu. Về lý thuyết, điều này cho phép nước Mỹ hưởng lợi khi giá dầu lên cao.

Sở Giao dịch Hàng hoá Việt Nam (MXV) tổng hợp
Hồng Hoa
 
Giá cà phê có thể tiếp tục giảm trong hôm nay
Kết thúc phiên 30/9, giá cả hai mặt hàng cà phê đồng loạt tăng trở lại. Hợp đồng Arabica kỳ hạn tháng 12 tăng 0.31% lên 194 cent/pound, hợp đồng Robusta tháng 11 đóng cửa với mức tăng 0.5% lên 2126 USD/tấn.
Xu thế đi ngang ở thị trường cà phê ngày một rõ ràng khi mà giá vẫn được hỗ trợ trong dài hạn, tuy nhiên, thị trường thiếu vắng các tin tức cơ bản có thể giúp cho giá bứt phá. Các dự báo về lượng mưa ở Brazil vẫn là yếu tố cản trở giá cà phê bứt phá lên trên mức 200 cents/pound. Tồn kho đạt chuẩn trên sở ICE US trong phiên hôm qua tiếp tục giảm về 2.089 triệu bao. Những lo ngại về dịch bệnh ở hai khu vực tiêu thụ lớn là Mỹ và Châu Âu đã dịu đi phần nào, thay vào đó là kỳ vọng về sự phục hồi của nhu cầu tiêu thụ cà phê. Số mắc Covid mới ở Mỹ liên tục giảm trong tháng 9 đặc biệt là ở khu vực miền Nam, nơi có tỷ lệ lây nhiễm cao nhất cả nước. Do đó, các nhà hàng và quán cà phê được kỳ vọng sẽ mở cửa trở lại, cộng với việc FED đang rất cố gắng để hỗ trợ thị trường lao động của Mỹ, nhu cầu tiêu thụ cà phê được dự đoán sẽ phục hồi mạnh vào cuối năm.
Tuy nhiên, trong ngắn hạn, giá Arabica đang bị ảnh hưởng bởi sự suy yếu của đồng Real trước đồng USD, và thúc đẩy nông dân trồng cà phê đẩy mạnh bán hàng.

Sở Giao dịch Hàng hoá Việt Nam (MXV) tổng hợp
Tiên Phạm
 
Sự suy yếu của các hoạt động sản xuất công nghiệp có thể hỗ trợ cho giá bạch kim và đồng
Kết thúc phiên 30/9, giá bạch kim tăng gần 2% lên 960.9 USD/ounce, giá đồng giảm gần 3% về 4.08 USD/pound.
Sự suy yếu của đồng USD làm giúp cho vai trò trú ẩn của bạch kim được đề cao. Chỉ số Dollar Index giảm còn 94.23 điểm. Bên cạnh đó, dòng tiền vẫn được rút ra khỏi thị trường chứng khoán do nhưng lo ngại về mức nợ công cao kỷ lục của Mỹ có thể khiến Chính phủ Mỹ đóng cửa.
Trái lại, ở thị trường đồng, lực bán vẫn áp đảo bởi chỉ số PMI sản xuất của Trung Quốc tiếp tục giảm và về dưới mức 50 điểm, cho thấy các sản lượng công nghiệp của nền kinh tế thứ 2 thế giới sụt giảm. Giá nguyên liệu đầu vào và khủng hoảng điện là hai lý do chính khiến cho chỉ số PMI tháng 9 thấp hơn so với dự báo.
Trong phiên hôm nay, các nhà đầu tư đồng và bạch kim cần chú ý đến chỉ số PMI sản xuất tháng 9 của Mỹ. Đây là một chỉ số đo lường sức khỏe của các hoạt động sản xuất công nghiệp của Mỹ, và là chỉ số kinh tế được công bố sớm nhất vào cuối mỗi tháng. Do đó, thị trường có thể phản ứng mạnh với tin tức này. Giá các mặt hàng năng lượng liên tục tăng trong tháng 9, tuy nhiên, giá đồng và bạch kim lại giảm mạnh phản ánh nhu cầu trong công nghiệp của các kim loại này bị suy yếu. Do đó, chỉ số PMI sản xuất được công bố hôm nay có thể giảm mạnh hơn so với dự báo và làm đồng USD bị suy yếu. Giá đồng và bạch kim có thể được hỗ trợ và phục hồi trong ngắn hạn.

Sở Giao dịch Hàng hoá Việt Nam (MXV) tổng hợp
Tiên Phạm

Nguồn: Vinanet/VITIC/MXV