Đà giảm đối với lúa mì có thể sẽ tiếp tục kéo dài trong phiên hôm nay
Lúa mì mở cửa phiên sáng nay đang hồi phục trở lại sau phiên giảm mạnh hôm qua. Lực bán kĩ thuật ở vùng 760 là yếu tố chính tạo áp lực lên giá. Trong khi đó, các yếu tố cơ bản về nguồn cung ở Mỹ thắt chặt và triển vọng bán hàng đang tăng trở lại vẫn đang là yếu tố hỗ trợ cho lúa mì.
Từ giờ đến trước báo cáo Cung – cầu tháng 10, các thông tin “bullish” gần như đã phản ánh hết vào đợt tăng vừa qua của giá, hơn nữa phiên suy yếu và giảm mạnh càng cho thấy khả năng lúa trở lại vùng 770 là rất thấp. Tuy nhiên, giá cũng sẽ không thể tiếp tục đà giảm mạnh hiện tại mà sẽ chỉ lình xình và rung lắc trên hỗ trợ 740 trong một vài phiên tới.
Nếu như nhịp tăng trong vài phiên vừa qua xuất phát từ lo ngại về nguồn cung ở Mỹ khi số liệu tồn kho bất ngờ giảm mạnh thì hiện tại thị trường đang chuyển hướng quan tâm sang mùa vụ ở Nga. Sản lượng lúa mì của nước này bị thiệt hại nặng nề do hạn hán là thông tin không còn xa lạ đối với giới đầu tư nông sản.

Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) tổng hợp
Khánh Linh
 
Giá Robusta có thể giảm mạnh hơn giá Arabica để cân chỉnh lại mức chênh lệch giữa hai sở
Cả hai mặt hàng cà phê đồng loạt lao dốc trong Giá Robusta giảm gần 2% còn 2111 USD/tấn, giá Arabica giảm mạnh 4% còn 191.9 cents/pound. Chênh lệch giá giữa hai Sở thu hẹp lại còn 49.9% chiết khấu cho giá Robusta.
Ngoài những dự báo về lượng mưa ở Brazil trong tuần này, vốn có lợi cho vụ mùa tới ở Brazil, nhưng lại là yếu tố tiêu cực lên giá, đà giảm mạnh của thị trường trong phiên hôm qua cũng xuất phát từ việc các quỹ đóng bớt các vị thế mua để chốt lời sau thời gian đầu cơ vừa qua. Việc giá cà phê tăng giảm cực đoan do dòng tiền của các quỹ xa lạ đối với các nhà đầu tư, nhất là phiên hôm qua lại là ngày chốt vị thế trên cả hai Sở nên báo cáo cam kết thương nhân tuần này có thể cho thấy dòng tiền đã được dịch chuyển khỏi thị trường cà phê.
Ngoài ra, đồng nội tệ Real liên tục suy yếu trước sức ép của đồng USD và triển vọng kinh tế tiêu cực của Brazil cũng là yếu tố thúc đẩy nông dân trồng cà phê bán hàng. Sự hồi phục của các thị trường đầu tư mạo hiểm khác như thị trường chứng khoán Mỹ và thị trường tiền điện tử cũng thu hút bớt dòng vốn của thị trường cà phê.

Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) tổng hợp
Tiên Phạm
 
Giá bạch kim và giá đồng khó có cơ hội tăng trong ngắn hạn
Kết thúc phiên 5/10, giá bạch kim giảm nhẹ 0.16% còn 22.61 USD/ounce, giá đồng giảm hơn 1% còn 4.19 USD/pound.
Thị trường kim loại đang ở trong giai đoạn khó khăn, bởi nhu cầu tiêu thụ của đồng và bạch kim đều giảm mạnh do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng năng lượng đang lan rộng trên toan cầu. Rất nhiều nhà máy phải đóng cửa và tạm ngừng hoạt động để tiết kiệm điện, khiến cho nhu cầu tiêu thụ của đồng và bạch kim giảm đi.
Bên cạnh đó, giá dầu liên tiếp tăng mạnh trong giai đoạn này cũng góp phần khẳng định rằng những nguồn năng lượng tái tạo chưa thể thay thế được dầu mỏ và khí đốt tự nhiên trong ngắn hạn.
Mức giá năng lượng tăng cao cũng làm giảm nhu cầu tiêu thụ các phương tiện giao thông cá nhân, trong đó có ô tô, sản phẩm mà đồng và bạch kim chiếm vai trò quan trọng trong chuỗi sản xuất. Vì thế giá của cả bạch kim và đồng sẽ tiếp tục gặp sức ép trong ngắn hạn do nhu cầu tiêu thụ sụt giảm.
Về mặt kỹ thuật, giá bạch kim đang được hỗ trợ tốt ở mức 940 USD/ounce. Các nhà đầu tư nên canh bán khi giá giảm về dưới 940 USD và có thể chốt lời ở mức 900 USD.

Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) tổng hợp
Tiên Phạm
 
Kịch bản 100 USD/thùng khó xảy ra khi sức ép lạm phát có thể tác động ngược lại giá dầu
Giá dầu tiếp tục tăng ngày hôm qua nhờ tác động cuộc họp của OPEC+. Cụ thể, giá WTI tăng 1.69% lên 78.93 USD/thùng, giá Brent tăng 1.6% lên 82.56 USD/thùng.
Đi cùng với đà tăng của giá nguyên liệu là lo ngại về lạm phát. Trong tháng 9, lạm phát năng lượng tại châu Âu ước tính đạt 17.4%, trong khi lạm phát chung chỉ là 3.4%, theo số liệu của Eurostat.
Có thể nói, giá nhiên liệu là nguyên nhân chính thúc đẩy lạm phát tại khu vực này. Thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng khi EU là khu vực ngày càng phụ thuộc nhiều vào năng lượng nhập khẩu, do đã đóng của nhiều khu vực khai thác năng lượng hoá thạch để bảo vệ môi trường.
Điều này về cơ bản sẽ làm giảm triển vọng tăng trưởng kinh tế và tác động ngược lại lên nhu cầu nhiên liệu, nhất là khi các nước vẫn chưa phục hồi hoàn toàn từ dịch COVID-19. Nếu các ngân hàng trung ương cắt giảm hỗ trợ do lo ngại về lạm phát, điều này sẽ tạo tác động kép đối với tăng trưởng kinh tế thế giới. Do đó, mặc dù hiện tại số lượng giao dịch quyền chọn mua-bán giá dầu 100 USD/thùng ngày càng tăng, kịch bản nay khó có khả năng xảy ra trong mùa đông năm nay.

Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) tổng hợp
Hồng Hoa

Nguồn: Vinanet/VITIC/MXV